AP đưa tin, Thủ tướng Anthony Albanese nhấn mạnh, bản đánh giá là tài liệu quốc phòng quan trọng nhất của Australia kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và có phạm vi toàn diện. Ông Albanese nêu rõ, trong một thế giới mà những thách thức đối với an ninh quốc gia luôn phát triển, Australia không thể dựa vào những đánh giá cũ. Theo Thủ tướng Anthony Albanese, chính phủ nước này đã xem xét liệu Australia có đủ khả năng phòng thủ cần thiết và sẵn sàng để tự bảo vệ mình trong môi trường chiến lược hiện tại hay không. Phát biểu sau khi công bố bản đánh giá, Thủ tướng Anthony Albanese tuyên bố: “Chính phủ Australia nhất trí với định hướng chiến lược và những phát hiện quan trọng nêu trong bản đánh giá. Điều này sẽ củng cố an ninh quốc gia và bảo đảm Australia sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai”.

Bản đánh giá đặt ra kế hoạch chi tiết cho chính sách chiến lược của Australia, lập kế hoạch quốc phòng và huy động nguồn lực cho ngành quốc phòng nước này trong những thập kỷ tới. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết, bản đánh giá bắt đầu được triển khai từ ngày 24-4 nhằm bảo đảm Lực lượng quốc phòng Australia (ADF) và các nhân viên quốc phòng có đủ năng lực cần thiết để giữ an toàn cho người dân nước này.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese (thứ hai, từ phải sang) công bố bản đánh giá chiến lược quốc phòng tại buổi họp báo ở thủ đô Canberra. Ảnh: Reuters. 

Thủ tướng Australia Anthony Albanese (thứ hai, từ phải sang) công bố bản đánh giá chiến lược quốc phòng tại buổi họp báo ở thủ đô Canberra. Ảnh: Reuters. 

Chính phủ Australia đã xác định 6 lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện ngay trước mắt, gồm mua sắm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước đối tác an ninh ba bên (AUKUS) giữa Australia, Mỹ và Anh; phát triển năng lực của ADF để tấn công chính xác các mục tiêu ở tầm xa hơn và sản xuất đạn dược ở Australia; cải thiện khả năng triển khai của ADF từ các căn cứ phía Bắc của Australia; các sáng kiến nhằm phát triển và duy trì lực lượng nhân sự tay nghề cao cho ADF; hợp tác chặt chẽ với các ngành công nghiệp Australia nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi nhanh chóng những công nghệ đột phá mới; làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao và quốc phòng với các đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong bản đánh giá, Chính phủ Australia được khuyến nghị cần chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng so với mức chi tiêu hiện tại là 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bản đánh giá cũng cho rằng, Mỹ-đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Australia-không còn là “nhà lãnh đạo duy nhất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, một khu vực đã chứng kiến sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.

Trong 5 thập kỷ qua, chính sách quốc phòng của Australia nhằm mục đích ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa tiềm ẩn ở mức độ thấp từ các nước láng giềng nhỏ hoặc trung bình. Đánh giá mới cho rằng cách tiếp cận này không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Lục quân, Không quân và Hải quân Australia cần tập trung vào việc cung cấp năng lực phù hợp, kịp thời cũng như từ bỏ việc theo đuổi giải pháp hoặc quy trình hoàn hảo trong các hoạt động mua sắm vũ khí của mình. Cựu Tư lệnh ADF Angus Houston và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith nhận định, các tình huống chiến lược trong bản đánh giá mới “hoàn toàn khác” so với những tình huống trong quá khứ.

Chính phủ Australia đã ngay lập tức lên kế hoạch trì hoãn hoặc từ bỏ 7,8 tỷ AUD (5,2 tỷ USD) trong chi tiêu quốc phòng để phản ánh các ưu tiên mới. Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Australia Pat Conroy cho hay, là một phần của các ưu tiên mới, đơn đặt hàng xe chiến đấu bộ binh đã giảm từ 450 xuống 129 chiếc. Khoản tiết kiệm từ những phương tiện này sẽ hỗ trợ cho Australia nhanh chóng trang bị hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của Mỹ.

Nguồn: qdnd.vn