Australia nỗ lực khắc phục ngập lụt như thế nào?

Sunday, 24/07/2022, 14:43 PM

Tình trạng ngập lụt do tác động của biến đổi khí hậu dường như đã trở thành “bình thường mới” ở New South Wales, bang đông dân nhất Australia…

Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại bang New South Wales, Australia vào đầu tháng Bảy. (Nguồn: phys.org)

Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại bang New South Wales, Australia vào đầu tháng Bảy. (Nguồn: phys.org)

Lần thứ tư trong vòng 18 tháng qua, ông chủ quán cà phê Darren Osmotherly phải gấp rút chuyển đồ đạc trong quán lên cao để “chạy lũ” khi nước dâng cao khắp khu vực đô thị Greater Sydney.

Ông Osmotherly mở quán cà phê tại đây 15 năm trước. Trước thời điểm đó 30 năm, khu phố này chưa từng bị ngập. Nhưng kể từ tháng 2/2021 đến nay, đây đã là trận ngập lụt thứ tư.

Ngập lụt ở bang đông dân nhất của Australia dường như đã trở thành “bình thường mới” khi khoảng 8,12 triệu người (khoảng một phần ba tổng dân số của Australia) ở Greater Sydney phải đối mặt với những trận ngập lụt với lượng nước ngày càng lớn, đặc biệt là trong những tháng đầu mùa Hè.

Những gì trước đây là “cực hiếm” thì nay đã trở thành phổ biến và đặt ra câu hỏi về việc đảm bảo điều kiện sống lâu dài cho người dân.

Mưa lớn xảy ra ở các khu vực phía Đông bang New South Wales những ngày gần đây, cùng với sự cố tràn đập gây ra lũ lụt trên toàn khu vực.

Hiện tượng thời tiết La Nina-một hiện tượng gây ra các trận mưa với lượng nước trên mức trung bình và gây lũ lụt được Cục Khí tượng Australia dự báo có khoảng 50% khả năng hình thành muộn vào cuối năm 2022 – gấp đôi khả năng bình thường. Khủng hoảng khí hậu có thể khiến tần suất và cường độ của La Nina và El Nino gia tăng. Vì vậy, nếu hiện tượng La Nina trở lại trong năm nay, sẽ khiến khu vực này có thêm các trận mưa với lượng nước trên trung bình và gây lũ.

Cần lộ trình mới

Chính phủ Australia đang nỗ lực vạch ra một lộ trình mới để ứng phó với khủng hoảng khí hậu. Trong các chuyến công du nước ngoài gần đây, Thủ tướng Anthony Albanese luôn nhấn mạnh, Australia rất coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu.

Chính phủ Australia hôm 16/6 chính thức cam kết với Liên hợp quốc sẽ theo đuổi mục tiêu giảm 43% lượng phát thải (so với mức năm 2005) vào năm 2030 và không phát thải ròng vào năm 2050. Thế nhưng, Australia sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Ông Greg Mullins, cựu ủy viên Ủy ban Cứu hỏa & Cứu hộ bang New South Wales và là lãnh đạo của Nhóm Lãnh đạo Khẩn cấp vì Hành động Khí hậu (ELCA) cảnh báo rằng, trước tình trạng lưu vực đã bão hòa và các con đập đầy nước, cần phải làm nhiều hơn nữa để chuẩn bị cho lũ lụt.

Trong bản kế hoạch được trình lên chính phủ, nhóm ELCA cho rằng, sẽ là “thiển cận và không bền vững” khi Australia chi nhiều tiền hơn cho việc ứng phó và khắc phục thảm họa hơn là các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Theo Tổ chức Bảo tồn Australia, chi tiêu ngân sách liên bang cho các chương trình môi trường và khí hậu đã giảm gần một phần ba trong nhiệm kỳ của chính phủ trước.

Theo Giám đốc điều hành Hội đồng Khí hậu, bà Amanda McKenzie, Australia đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho các thảm họa khí hậu và cần chi nhiều tiền hơn để xây dựng khả năng phục hồi ở những vùng dễ bị tổn thương nhất.

Bà Amanda McKenzie cho rằng: “Chỉ một phần rất nhỏ chi tiêu trong ngân sách dùng để khắc phục thiên tai được cam kết sử dụng cho chuẩn bị và xây dựng khả năng phục hồi. Chúng tôi mong đợi sự thay đổi lớn trong tỷ lệ này để thấy sự đầu tư nhiều hơn cho việc chuẩn bị trước nguy cơ ngày càng leo thang của các thảm họa do khí hậu gây ra”.

New South Wales có quỹ chống biến đổi khí hậu riêng, họ đã chi hơn 224 triệu AUD (153 triệu USD) trong giai đoạn 2020-2021 cho các chương trình giúp các cộng đồng, bao gồm 140.000 người sống ở thung lũng Hawkesbury-Nepean, vị trí dễ bị ngập lụt nhất của bang.

Vấn đề chung

Không chỉ Australia, Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề, Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực thường xuyên phải đối mặt với các trận mưa bão gây ra ngập lụt.

Một số chuyên gia cho rằng, hai yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần thực hiện trong tăng trưởng xanh là tiếp tục chống biến đổi khí hậu, đồng thời chuẩn bị tốt các biện pháp phòng chống thiên tai, lũ lụt trong tương lai.

Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết: Tổng cục Phòng, chống thiên tai xác định cần tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai, trong đó, cần tập trung thực hiện tốt năm nhóm giải pháp.

Thứ nhất, chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản;

Thứ hai, chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện kiểm soát an toàn thiên tai; điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng, xu thế diễn biến thiên tai và điều kiện của từng vùng, địa phương;

Thứ ba, nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Người dân chủ động thực hiện phòng, chống thiên tai với sự hỗ trợ về thông tin cảnh báo, chỉ dẫn phòng, tránh của chính quyền các cấp;

Thứ tư, chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai trên cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, trong đó có phương án ứng phó với lũ lớn đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung, kiểm soát lũ đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với bão;

Thứ năm, thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai, bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật.

Nguồn: baoquocte.vn

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm