Báo chí luôn giữ một vị trí quan trọng với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp

Tuesday, 22/06/2021, 01:56 AM

‘Báo chí không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm đến mà còn có những kiến nghị xây dựng chính sách, pháp luật phát triển kinh tế – xã hội, giúp cộng đồng doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh. Báo chí cũng chỉ ra những việc chưa chuẩn mực, điều còn thiếu sót trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá hoạt động của mình, ngày càng hoàn thiện và phát triển doanh nghiệp trong khung khổ pháp luật’.

Đó là khẳng định của ông Trần Khắc Tâm – (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI).

Xin ông cho biết, báo chí có vị trí và vai trò như thế nào đối với doanh nghiệp?

Nhiều năm qua tôi tham gia công tác ở Hiệp hội DN của tỉnh, tham gia Phòng thương Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tôi nhận thấy báo chí có vai trò lớn đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Báo chí giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm đến với công chúng. Tin tức trên báo chí cũng giúp doanh nghiệp nắm bắt được thông tin đa dạng, đặc biệt là thông tin thị trường trong và ngoài nước, giúp cho doanh nghiệp thêm dữ liệu để định hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Ông Trần Khắc Tâm – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI.

Báo chí giúp cộng đồng doanh nghiệp nêu lên những kiến nghị chính sách với Nhà nước, nhằm xây dựng chính sách, pháp luật phát triển kinh tế – xã hội, giúp cộng đồng doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh. Báo chí cũng chỉ ra những việc chưa chuẩn mực, điều còn thiếu sót trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá hoạt động của mình, ngày càng hoàn thiện và phát triển doanh nghiệp trong khung khổ pháp luật.

Cá nhân tôi có nhiều kỷ niệm đẹp với các phóng viên trong vai trò một đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh… Họ giúp tôi chuyển tải ý kiến, kiến nghị đến các cơ quan chức năng, đến công chúng.

Hiện nay, sự lên ngôi của mạng xã hội đã thay đổi phương thức thông tin, quảng bá thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp, làm suy yếu đi lợi thế, vị thế của báo chí. Vậy, báo chí có còn đóng vị trí, vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp?

Rõ ràng là khi mạng xã hội phát triển, sự xuất hiện của các nền tảng xuyên quốc gia như Facebook, Youtube, Google, Tiktok…, thì báo chí gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt ở cả hai phương diện là thông tin và doanh thu quảng cáo. Tôi được một số lãnh đạo cơ quan báo chí chia sẻ rằng hoạt động quảng cáo, truyền thông gặp khó khăn do doanh nghiệp có những lựa chọn khác. Tôi hiểu và chia sẻ với các cơ quan báo chí, bởi một khi “chiếc bánh” như vậy hoặc có to lên không đáng bao nhiêu mà phải chia ra nhiều phần hơn, cuộc cạnh tranh chia phần khốc liệt hơn thì rõ ràng là khó khăn hơn. Báo chí là lực lượng tư tưởng, văn hóa đồng thời cũng là những đơn vị kinh doanh để duy trì hoạt động và phát triển.

Thế còn về phương diện thông tin, tôi thấy rằng với việc sử dụng các phương tiện dễ dàng như hiện nay, mỗi người cầm một chiếc điện thoại thông minh họ đều có thể đăng tải thông tin, nêu ý kiến rất nhanh và đa dạng. Có người ví rằng mỗi facebooker cũng có thể trở thành một “nhà báo” – công dân. Như vậy, báo chí phải cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, và thực tế cho thấy có những vụ việc thì báo chí đã đi sau mạng xã hội.

Tuy vậy, tôi tin rằng mạng xã hội không thể làm mất đi vị thế của báo chí. Mặc dù cạnh tranh khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến hoạt động báo chí, nhưng mạng xã hội không thể thay thế báo chí. Tôi vẫn đọc báo chí hàng ngày vì ở đó là những thông tin chính thống, có phát ngôn, có kiểm chứng, nhiều vấn đề được đặt ra bài bản, thông tin nhiều chiều, đầy đủ đã được các phóng viên, biên tập viên thẩm định, sàng lọc, điều tra, phỏng vấn kỹ. Đối với hoạt động và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tôi có thể khẳng định rằng báo chí vẫn đóng vai trò rất quan trọng.

Vậy, theo ông báo chí và doanh nghiệp có phải là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh không?

Trong sự phát triển của báo chí thì doanh nghiệp cũng có vai trò không nhỏ, các tờ báo, đài truyền hình thu hút nguồn lực tài chính không nhỏ từ hoạt động quảng bá sản phẩm, truyền thông cho các doanh nghiệp. Hoạt động của các tờ báo, đài truyền hình, đài phát thanh cũng là hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự cho và nhận luôn diễn ra trong quá trình tương tác vì một mục tiêu chung là phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và văn minh hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp và báo chí đâu phải là hai thế lực đối đầu. Doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Báo chí đưa tin, phân tích, bình luận các vấn đề xã hội, chính sách, kinh tế…, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, đảm bảo công bằng xã hội.

Báo chí và doanh nghiệp đều phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp và Luật Báo chí. Nếu cứ hoạt động đúng luật thì không thể có tình trạng báo chí gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp cũng không thể gây khó cho hoạt động báo chí.

TS. Trần Khắc Tâm trong một buổi họp của thường kỳ của Quốc hội khóa XIII với vai trò Đại biểu Quốc hội.

Quyền lực luôn song hành với vai trò trách nhiệm. Vậy, quan điểm của ông về vai trò của báo chí đối với đời sống xã hội hiện nay như thế nào?

Quyền lực của báo chí là quyền lực của thông tin công khai, minh bạch, công bằng, là quyền lực của lẽ phải và trật tự pháp luật. Ở phương Tây họ coi báo chí là “quyền lực thứ 4”, bên cạnh các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, tuy điều này không được hiến định. Đó là một cách tôn vinh vai trò của báo chí đối với đời sống xã hội. Còn ở nước ta, báo chí là “vũ khí” tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, là diễn đàn để nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xã hội càng phát triển thì nhu cầu thông tin của toàn xã hội cũng ngày càng tăng lên. Thông tin trở thành sức mạnh, có tác động trực tiếp tới công tác quản lý và tổ chức đời sống xã hội, tới thói quen, nhận thức, tâm trạng, tình cảm và hành động của mỗi cá nhân. Tiếp cận thông tin trở thành nhu cầu quan trọng trong xã hội hiện đại; trong đó phương tiện chủ yếu để đem thông tin đến cho công chúng là báo chí, truyền thông. Có thể khẳng định, xã hội càng phát triển thì báo chí, truyền thông càng có vị trí, vai trò, sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong đời sống hàng ngày của mỗi quốc gia, dân tộc.

Vì vậy, báo chí phải luôn bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai để làm lành mạnh hóa đời sống xã hội, để pháp luật được thực thi và đảm bảo công bằng xã hội. Thực tế đã chứng minh suốt quá trình xây dựng phát triển đất nước nhiều nhà báo đã như những chiến sỹ đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ người yếu thế. Tôi hy vọng truyền thống đó sẽ được giữ vững, phát huy để nền báo chí cách mạng của chúng ta tiếp tục những chặng đường vinh quang.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Phapluat

5/5 - (1 vote)

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm