Béo phì là nguyên nhân thứ hai gây ra gánh nặng bệnh tật tại Úc

Saturday, 22/06/2019, 06:00 AM

Đã có những động thái kêu gọi hành động của chính phủ đối với chiến lược quốc gia phòng chống nạn béo phì, bao gồm cả các chiến dịch giáo dục cộng đồng và bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức tiếp thị đồ ăn vặt sau khi một nghiên cứu mới đây cho biết hút thuốc, chế độ ăn uống và tình trạng thừa cân là nguyên nhân gây ra khoảng 38% bệnh tật và các ca tử vong sớm ở Úc.
Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật của Úc năm 2015, được công bố vào ngày 13 tháng 6 vừa qua đã kết luận năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh tật là sử dụng thuốc lá, béo phì, chế độ ăn kiêng, huyết áp cao và mức độ đường huyết cao (bao gồm cả bệnh tiểu đường).
Theo nghiên cứu, 38% tổng gánh nặng bệnh tật – một thước đo tổng số năm sống khỏe mạnh của người dân bị mất đi do bệnh tật và chấn thương – có thể được giải quyết bằng cách điều chỉnh các vấn đề liên quan đến lối sống như hút thuốc, chế độ ăn uống nghèo nàn và béo phì.

Một cửa hàng thức ăn nhanh ở Brisbane
Nguồn ảnh: AAP

Bà Jane Martin, Giám đốc điều hành Chính sách béo phì của Úc, cho biết các số liệu chỉ ra rằng nước Úc cần nghiêm túc quan tâm giải quyết tình trạng béo phì. “Có khả năng tình trạng này sẽ tiếp tục xấu đi trừ khi chúng ta hành động ngay bây giờ. Với các chi phí y tế và tài chính lớn trên phạm vi toàn quốc, chính phủ nên đặt vấn đề giải quyết tình trạng béo phì là một trọng tâm hành động”.

Tình trạng thừa cân và béo phì ngày một gia tăng tại Úc
Nguồn: Obesity Coalition Twitter

Theo bà Martin, với con số thống kê 67% người lớn và 24% trẻ em Úc thừa cân hoặc béo phì, các vấn đề sức khỏe liên quan đến cân nặng là một trong những thách thức lớn nhất mà hệ thống y tế cộng đồng của Úc đang phải đối mặt. Vì vậy, cần phải có một chiến lược quốc gia về phòng chống nạn béo phì được tài trợ dài hạn, trong đó bao gồm cả các chính sách và quy định để bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức tiếp thị đồ ăn vặt, cũng như tăng cường các chiến dịch giáo dục công cộng.
Trong năm 2015, thuốc lá là nguyên nhân gây ra 9,3% gánh nặng bệnh tật tại Úc, trong khi đó các nguy cơ từ béo phì và chế độ ăn uống là nguyên nhân tương ứng của 8,4% và 7,3% gánh nặng bệnh tật. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy về tổng thể từ năm 2003 đến năm 2015, tổng gánh nặng bệnh tật của Úc đã giảm 11%.
Liên quan đến giải pháp đối với tình trạng thừa cân béo phì, Bà Martin cho rằng các biện pháp về thuế và giá cả là một phần quan trọng trong bất kỳ chiến lược béo phì quốc gia nào. Bà kêu gọi chính phủ đưa ra mức thuế 20% đối với đồ uống có đường. Theo bà, đây chính là nguồn bổ sung đường lớn nhất trong chế độ ăn của người Úc. Hiện tại, các loại đồ uống này có giá khá rẻ. Việc đánh thuế cao sẽ kéo giá cả tăng lên và có thể khiến mọi người giảm dần việc tiêu thụ những đồ uống không lành mạnh này.

Đồ uống có đường là nguồn bổ sung đường lớn nhất trong chế độ ăn của người Úc
Nguồn ảnh: AAP | Dan Peled

Một khoản thuế y tế cũng sẽ giúp trang trải một số chi phí đáng kể liên quan đến tình trạng béo phì và gánh nặng ngày càng tăng mà tình trạng này đang gây ra cho hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng của nước Úc.
Bà Martin cũng cho biết, chế độ ăn uống không lành mạnh có tác động rất lớn đến sức khỏe của người Úc. Có tới 35% năng lượng mà những người trưởng thành tiêu thụ hàng ngày là đến từ các loại thực phẩm chế biến quá mức.
Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật của Úc năm 2015 đã xem xét các nguyên nhân chính gây ra 200 loại bệnh hoặc chấn thương tại Úc, bao gồm ung thư, bệnh tim mạch, bệnh cơ xương khớp, tâm thần và rối loạn sử dụng thuốc từ năm 2003 đến 2015. Các số liệu thống kê từ Báo cáo này được công bố ngay sau thông báo của Bộ trưởng Y tế Liên bang Greg Hunt về việc đầu tư cho chiến lược phòng chống bệnh tật quốc gia.
Nguồn tin: PV Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm