Biển Đông: Asean, Việt Nam và Mỹ cần “mạnh mẽ hơn”

Monday, 20/04/2020, 14:47 PM

Hôm 14/4, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về ứng phó dịch bệnh COVID-19 bằng hình thức họp trực tuyến

Ảnh: Getty Images

Đối sách Biển Đông

Trung Quốc đang có nhiều toan tính quyết đoán trên Biển Đông và các nước trong khu vực, quốc tế, trong đó có Việt Nam, Asean và Hoa Kỳ cần có phản ứng ‘cứng rắn, mạnh mẽ hơn’, theo một số ý kiến quan sát chính trị, an ninh Biển Đông từ Việt Nam.

Từ Khoa Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cập nhật với BBC News tiếng Việt hôm 17/4/2020 về động thái của Trung Quốc ở vùng biển khu vực:

“Theo thông tin cập nhật, cho đến nay, nhóm tàu của Trung Quốc vẫn đang ở khu vực giữa Indonesia, Malaysia và Brunei.

“Từ lúc đầu, Việt Nam vẫn có lo ngại là Trung Quốc sẽ xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn thể hiện điều đó mà tàu vẫn đang đi vào trong khu vực của Malaysia, Indonesia và Brunei tại đó.

“Chúng ta vẫn chưa biết được là Trung Quốc sẽ có ý đồ gì, nhưng cá nhân tôi cũng như một số người vẫn cho rằng là Trung Quốc có rất nhiều cách tính toán mà đa phần các quốc gia khác không thể biết chính xác được là Trung Quốc sẽ làm gì.

“Cho nên chúng ta phải theo dõi tiếp, bởi vì Trung Quốc sẽ sử dụng lối hoặc là dương đông, kích tây, hoặc là xâm phạm vùng biển của bất cứ một quốc gia nào trong khu vực này, bốn quốc gia vừa nói tới, trong đó có cả Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Brunei.”

Tháng 10/2019, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau hơn ba tháng khảo sát ở đây

ảnh: Ngư dân cung cấp

Sẽ sớm bộc lộ ý đồ?

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) bình luận với BBC:

“Từ bốn ngày hôm nay, tàu Hải Dương Địa chất số 8 chạy từ Trung Quốc chạy vào vùng biển của Việt Nam, sau đó chạy tuốt xuống dưới và bây giờ nó đang ở vùng biển giáp ranh giữa Malaysia và Indonesia.

“Tàu này là tàu năm 2019 đã dành 70 ngày để quấy đảo ở vùng thềm lục địa của Việt Nam, lần này chúng ta chưa biết được mục tiêu cụ thể của nó là gì.

“Nhưng nhìn như thế này cũng thấy rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục để khẳng định chủ quyền hoặc quyền tài phán của họ trên Biển Đông dựa trên nền tảng họ công bố về đường lưỡi bò.”

Trả lời câu hỏi của khán giả gửi cho BBC đặt vấn đề rằng trong khi Mỹ và thế giới đang bận xoay xở trước dịch bệnh Covid-19, thì Việt Nam cần làm gì, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói:

“Bây giờ chờ xem họ làm gì thôi, bởi vì họ chưa có động tĩnh gì lắm, nhưng tất cả các nước trong khu vực này, từ Malaysia, từ Indonesia, từ Việt Nam đều có những chuẩn bị rất là kỹ để mà ứng phó với các hành xử và các kế hoạch từ phía Trung Quốc họ xây dựng nên và họ thực hiện.

“Chúng ta hiểu rằng Việt Nam đang chuẩn bị kỹ để không để xảy ra một điều gì bất ngờ cả và từ phía Việt Nam, chúng tôi tin rằng họ luôn luôn chủ động.”

Một tàu thăm dò Hải Dương của Trung Quốctà

Ảnh: Getty Images

Có quá tham vọng?

Nếu các thông tin về di chuyển và động thái của nhóm tàu Trung Quốc xuất hiện ở Biển Đông là có căn cứ, để sự việc liên quan tới nhiều quốc gia trong khu vực Asean cùng một lúc như thế có là quá tham vọng không, ông Hoàng Việt bình luận:

“Trung Quốc đã làm rồi, chúng ta đã thấy năm 2019, khi đoàn tàu của Trung Quốc đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì ngay trong đoàn tàu của Trung Quốc cũng có những chiếc tàu xâm phạm tới Malaysia và tới Philippines.

“Cuối năm 2019, đầu năm 2020, đoàn tàu của Trung Quốc lại vào tiếp Indonesia và gây một sự căng thẳng cho khu vực.”

Về vấn đề Asean, trong giai đoạn Việt Nam đang làm chủ tịch luân phiên, có thể làm gì, nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói tiếp:

“Thực ra Việt Nam cũng có nhiều tham vọng trong nhiệm kỳ làm chủ tịch luân phiên của Asean, trong đó Việt Nam cũng muốn đẩy mạnh vai trò, bản lĩnh của mình, cũng như là đang đẩy mạnh quá trình tìm kiếm bản COC hay Bộ tư cách ứng xử trên Biển Đông.

“Tuy nhiên cái khó là ngay trong dịch Covid-19 này, việc hạn chế gặp gỡ của các bên cũng làm giảm đi rất nhiều vai trò của Việt Nam trong việc làm chủ tịch, và liệu có sự đồng ý của các quốc gia khác trong khối này hay không.

“Chính vì vậy, Việt Nam phải thể hiện được bản lĩnh và vai trò của mình trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, thế nhưng một vấn đề thứ hai là thách thức đoàn kết trong khối rất lớn, nên vấn đề vẫn còn đang rất khó khăn.”

ảnh: Hoang Dinh Nam/Getty Images

‘Đưa ra thông điệp mạnh’

Trung Quốc được cho là đồng thời có hàng loạt hành động khác ở khu vực trong đó có tiến hành tập trận trên Biển Đông, tăng cường hiện diện ở Biển Hoa Đông gần Nhật Bản hay ở khu vực eo biển Đài Loan.

Trước câu hỏi liệu đây có phải là một phép thử phản ứng của Trung Quốc hay không, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói:

“Cái đó chắc chắn là có, bởi vì là họ tập trận ở Biển Đông là họ đưa ra thông điệp mạnh về mặt năng lực quân sự, về mặt quốc phòng đối với các nước có tranh chấp ở Biển Đông này.

“Nhưng đồng thời họ cũng có cảnh báo lớn và trực tiếp đối với Đài Loan và cả với Nhật Bản ở biển Hoa Đông nữa, cái này thì ai cũng thấy.”

Trước câu hỏi quốc tế và khu vực có thể và cần có ứng phó ra sao trước thực tế và các động thái như trên có liên quan tới các bước đi và hoạt động, cũng như quyết tâm của Trung Quốc ở trên khu vực, ông Hoàng Việt nói:

“Trước mắt, với việc đoàn tàu của Trung Quốc, thực sự là không chỉ Việt Nam theo dõi sát hành trình này, mà kể cả các tàu của Malaysia, những tàu của hải quân và cảnh sát biển Malaysia, cũng đã đi giám sát ngay hành trình này và tôi nghĩ Indonesia cũng tương tự như vậy.

“Nếu Trung Quốc có các hành động xâm phạm an ninh, chủ quyền của các quốc gia này ở trong khu vực, thì các quốc gia cần trước hết phải có sự mạnh mẽ và đoàn kết giữa các quốc gia thuộc Asean.”

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc

Ảnh: Hoang Dinh Nam/Getty Images

“Mạnh mẽ, cứng rắn hơn”

Vậy các quốc gia có thể có những động thái cụ thể nào, ông Hoàng Việt nói:

” Asean cần phải có những phản ứng cứng rắn và mạnh mẽ hơn. Hoa Kỳ, ngoài những tuyên bố mạnh mẽ, cũng cần phải có những hành động cứng rắn hơn.

“Cụ thể, chẳng hạn, thứ nhất đối với các quốc gia Asean, trước mắt các nước Asean phải ngăn chặn bằng được, không để cho các đoàn tàu xâm phạm vùng biển của mỗi nước mình.

“Nếu Trung Quốc đặt được những giàn khoan, hay đặt được một thăm dò gì đó trong khu vực thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế của bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào, thì đều nguy hiểm cho tất cả các quốc gia Đông Nam Á đó.

“Nhưng mà không mắc vào cái bẫy mà Trung Quốc đang giăng ra tức là để dẫn đến việc xung đột bằng quân sự.

“Thứ hai, phía Hoa Kỳ, ngoài những tuyên bố mạnh mẽ ra, Hoa Kỳ cũng phải gửi những thông điệp mạnh hơn, trong đó có việc tăng cường các hoạt động tuần tra hoặc là đưa ra những động thái có tính chất thông điệp sẵn sàng có những phản ứng cứng rắn, thì lúc đó tình hình sẽ khác.”

Nguồn BBC News

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm