Biển Đông: TQ và kế hoạch công bố vùng nhận dạng phòng không

Tuesday, 02/06/2020, 13:13 PM

Trung Quốc sẽ gặp hậu quả nặng nề và bất lợi lớn nếu đơn phương, trái phép công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, theo một cựu quan chức lãnh đạo Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam.

Việc này sẽ “rất ảnh hưởng đối với chính tham vọng của họ khi muốn nhanh chóng rút ngắn khoảng cách để vươn lên vị trí siêu cường, đối chọi ở khu vực với Hoa Kỳ”, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban nói với BBC News Tiếng Việt hôm 01/6/2020 từ Hà Nội.

“Các phản ứng từ Philippines, gần đây là Malaysia và nhất là mới đây từ Indonesia gửi công hàm lên Liên Hợp quốc phản đối yêu sách chủ quyền Đường Lưỡi bò của Trung Quốc và ủng hộ phán quyết của Tòa Thường trực Liên Hợp Quốc PCA xử cho Philippines thắng kiện Trung Quốc từ trước, là những động thái rất tích cực để trả lời, đồng thời ngăn cản có hiệu lực nhất những động thái, toan tính và mưu đồ này của Trung Quốc,” ông Trục giải thích thêm.

Tuyên bố ADIZ của Trung Quốc sẽ bị vô hiệu hóa?

Tiến sỹ Trần Công Trục nói:

“Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chuốc lấy hậu quả rất lớn về mặt pháp lý, nếu bây giờ đưa ra một sự vận dụng, giải thích mà cố tình bất chấp tất cả những nguyên tắc luật pháp quốc tế có liên quan hoạt động hàng không, trong lúc Trung Quốc vẫn đang là thành viên của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

“Nếu họ cố tình công bố ADIZ để bảo vệ yêu sách phi lý của họ ở trên Biển Đông, Hoa Đông hay khu vực, thì càng làm cho quốc tế nhận rõ hơn âm mưu, bản chất hoạt động của họ trong các hoạt động và tất cả các khía cạnh, và như vậy khi bị bác bỏ, Trung Quốc sẽ rơi vào thế yếu về mặt pháp lý, về mặt chính trị cũng như ngoại giao và đặc biệt về mặt an ninh quốc phòng.

“Tôi cho rằng tuyên bố đó về ADIZ nếu đưa ra sẽ bị vô hiệu hóa, bởi vì các nước lớn có một nền hàng không mạnh chắc chắn sẽ có những biện pháp để không chấp hành tất cả những điều phi lý mà Trung Quốc đưa ra.

“Trong trường hợp ấy, Trung Quốc có thể bị ‘gậy ông đập lưng ông’, vừa không đạt được những bài bản đã tính toán của họ trên Biển Đông, khu vực, kể cả vùng trời ở trên đó, lại vừa bị thua thiệt, đuối lý, bất lợi và mất uy tín.”

Trung Quốc đã chuẩn bị từ 10 năm?

Hôm thứ Hai, 01/6, báo Anh, the Express chạy bài với hàng tít gây chú ý: “Yêu sách Biển Đông: Âm mưu của Trung Quốc nhằm giành lấy khu vực tranh chấp bộc lộ”.

Bài báo có đoạn: “Trung Quốc đã chuẩn bị ít nhất 10 năm để kiểm soát bốn khu vực trên vùng biển tranh chấp nhất thế giới, một cảnh báo mới cho cả các nước láng giềng Đông Nam Á và Hoa Kỳ đã xuất hiện.

“Kế hoạch này còn được gọi là khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) và đã được triển khai từ năm 2010, cùng năm mà họ tuyên bố đang dự tính thực thi các biện pháp kiểm soát không phận tương tự trên Biển Hoa Đông.”

Tờ báo Anh dẫn nguồn thêm từ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết thêm:

“Một nguồn tin muốn ẩn danh từ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói rằng ADIZ được đề xuất liên quan đến các chuỗi đảo Pratas, Tây Sa (cách Trung Quốc gọi Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa) trên tuyến hải hành gây tranh cãi.”

Hôm 31/5, SCMP viết:

“Các kế hoạch về ADIZ cho Biển Hoa Nam (cách gọi của Trung Quốc để chỉ Biển Đông) được chuẩn bị cùng thời với kế hoạch cho Biển Hoa Đông – mà Bắc Kinh nói đã xem xét vào năm 2010 và đưa ra vào năm 2013.”

SCMP nói thêm thêm rằng họ có nguồn tin cho biết chính quyền Trung Quốc hiện đang chờ đợi thời điểm thích hợp để công bố.

“Trong khi Bắc Kinh có thể đã kín đáo về vấn đề này, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết vào ngày 4/5 rằng họ đã biết về các kế hoạch của đại lục,” vẫn theo SCMP.

Không có cơ sở pháp luật quốc tế?

Khả năng Trung Quốc có kế hoạch công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) cũng được báo chí, truyền thông khu vực quan tâm và đưa tin.

Ngay từ tuần đầu tháng 05/2020, trang tin Đài Loan Taiwanese News cũng dẫn lời quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Đài Loan trong bài viết có tựa đề “Trung Quốc sắp thành lập ADIZ ở Biển Đông”, nói:

“Bộ Quốc phòng (MND) vào sáng thứ Hai (4/05) đã xác nhận rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch thiết lập một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Nam.

“Một ADIZ là không phận của một quốc gia, trong đó tất cả các máy bay dân sự phải tự xác định và công bố vị trí của họ.

“Bộ Quốc phòng đã làm rõ vào tối thứ Hai rằng mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ thành lập một ADIZ ở Biển Hoa Nam, nhưng họ vẫn chưa chính thức công bố.”

Vẫn theo nguồn này, Bộ Quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh rằng một khu vực nhận diện phòng không thường được đặt ra bởi một quốc gia theo nhu cầu quốc phòng của quốc gia đó nhưng nó không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.

“Có hai khu vực nhận dạng: một ở Biển Hoa Đông và một ở Biển Hoa Nam,” tờ báo mạng dẫn lời Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết thêm về kế hoạch của Trung Quốc, đồng thời chỉ ra rằng Đài Loan cũng có một ADIZ, ngoài các vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản và Philippines.

Việt Nam và các nước có thể làm gì?

Hôm 01/6, trước câu hỏi Việt Nam và các nước có trong khu vực, có liên quan, cần phải làm gì để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình, trong trường hợp Trung Quốc công bố vùng nhận diện phòng không vào thời điểm hiện nay hay tới đây, Tiến sỹ Trần Công Trục nêu quan điểm:

“Tất nhiên hiện nay câu chuyện đó chưa xảy ra, nhưng tôi nghĩ không những Việt Nam mà các nước khác trong khu vực cũng cần phải bám sát, theo dõi tình hình chặt chẽ.

“Và đặc biệt, ngay bây giờ, phải có những thông tin để công chúng hiểu rõ bản chất ADIZ của Trung Quốc là cái gì.

“Mối liên hệ của nó đối với vấn đề an ninh của các quốc gia mà gọi là có chủ quyền với vùng lãnh thổ, lãnh hải và cả bầu trời phía trên đến đâu, thế nào.

“Đặc biệt là tính chất, giá trị pháp lý ra sao, để chúng ta hiểu, để tránh đi thứ nhất là chủ quan, thứ hai là phản ứng quá chậm, hay phản ứng thái quá so với mức cần thiết.

“Bởi vì vấn đề này là một vấn đề đơn phương, chẳng có giá trị quốc tế về mặt chủ quyền, nhưng vì Trung Quốc muốn lợi dụng điều này để giành sự công nhận trên thực tế yêu sách phi lý của họ, nên các nước cũng như phía Việt Nam, theo tôi, cần trước hết phải có thông tin kịp thời, đầy đủ, phù hợp, tại vì bây giờ có rất nhiều người không hiểu bản chất của ADIZ là gì.

“Thứ hai, trong trường hợp xảy ra, tôi cho rằng các nước trong khu vực và nhất là các tổ chức, trong đó có Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế cần phải có thái độ, cần lên tiếng, bởi vì việc này sẽ ảnh hưởng chồng lấn lên phạm vi của vùng thông báo bay (FIR) đã giao cho các quốc gia.

“Bây giờ nếu thêm vùng này do Trung Quốc đưa ra, thì nó có vi phạm, chồng lấn và gây cản trở không? Theo tôi, cần phải có sự thống nhất, đoàn kết để có tiếng nói, phản đối kịp thời.

“Cuối cùng, việc này là đơn phương và nó vô lý ở trên bầu trời quốc tế, cũng như ở vùng bầu trời mà máy bay của các nước có quyền tự do bay, do đó các nước cần không đếm xỉa và không thực hiện, vì những lý do về kỹ thuật mà phải báo cáo, phải chấp nhận, xin phép và nếu có một lý do trắng trợn nào đó mà Trung Quốc cố tình phá rối, xâm phạm lợi ích kinh tế, thì phải có những tuyên bố bảo lưu cần thiết không để cho Trung Quốc lợi dụng chuyện này để dành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách phi lý của họ,” ông Trần Công Trục nói với BBC từ góc độ quan điểm riêng hôm 01/6 từ Hà Nội.

Theo BBC News

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm