Trong các thị trường xuất khẩu, khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại Dương luôn là thị trường quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Australia…
Nhằm cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình thị trường, cơ hội và thách thức thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng tiềm năng sang thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương cũng như kinh nghiệm phối hợp, ứng phó biện pháp phòng vệ thương mại, sáng 12/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức “Hội thảo thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở lớn nhất và đã ký kết nhiều FTA nhất trên thế giới. Trong các thị trường xuất khẩu, khu vực châu Á, châu Phi và châu Đại Dương luôn là thị trường quan trọng của Việt Nam; trong đó, có thể điểm tên những đối tác quen thuộc như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Australia…
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, những năm qua, Việt Nam đặc biệt chú trọng vào việc tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực châu Á – Phi và châu Đại Dương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu tại khu vực tiềm năng này. Cụ thể, Việt Nam đã tận dụng các cơ hội hợp tác từ các FTA song phương với các đối tác riêng lẻ như Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Hàn Quốc, cũng như các FTA đa phương thông qua các tổ chức khu vực như ASEAN hay Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hiện tại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang châu Á của Việt Nam có thể kể tới như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện, điện tử, nông sản, vật liệu xây dựng (sắt thép, gạch ốp lát, xi măng), các sản phẩm gỗ, hóa chất, dệt may…Cùng đó là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang châu Đại Dương như thủy hải sản đã qua chế biến như: Hạt điều, sắt thép, các sản phẩm gỗ…; mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang châu Phi chủ yếu là gạo, điện thoại các loại và linh kiện, cà phê, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng dệt may…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng chỉ ra rằng, mặc dù xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế không nhỏ chờ đón doanh nghiệp. Một trong những khó khăn lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Bởi vậy, trong số các biện pháp bảo hộ đó, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sử dụng. Do xuất khẩu nhiều sang thị trường Á – Phi và châu Đại Dương, Việt Nam phải đối mặt với các vụ việc về phòng vệ thương mại tại các thị trường này.
Ông Trịnh Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, theo thống kê của Bộ Công Thương, có tới 14/25 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại dương đã điều tra 145/268 vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Phillippines… Chỉ riêng trong ASEAN, 4 nước Malaysia, Indonesia, Phillippines và Thái Lan đã điều tra tới 52 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của ta. Còn tại châu Đại Dương, Australia cũng đã điều tra 19 vụ việc với Việt Nam.
Do đó, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt biện pháp hỗ trợ phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á-châu Phi và châu Đại Dương; phối hợp với cơ quan liên quan tham gia với tư cách một bên liên quan trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp với Chính phủ. Đặc biệt, tại nhiều thị trường như Australia, Philippines, Indonesia…Bộ Công Thương đã thành công trong việc bảo vệ các lập luận chứng minh Chính phủ không trợ cấp và không can thiệp vào thị trường để tạo ra thế bất bình đẳng cho hàng hóa Việt Nam..
Ngoài ra, Bộ Công Thương thường xuyên bám sát thông tin, quy trình điều tra của Cơ quan điều tra nước ngoài, từ đó cung cấp thông tin theo yêu cầu và đưa ra các lập luận pháp lý phản bác luận điểm thiếu căn cứ của nguyên đơn hoặc kết luận có khả năng vi phạm Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Cơ quan điều tra. Đáng lưu ý, trong nhiều vụ việc, Cơ quan điều tra phải xem xét lại kết luận hoặc kéo dài thời gian khởi xướng để tiếp tục. bổ sung chứng cứ theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Bộ Công Thương còn chú trọng tuyên truyền, đào tạo cho các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp nhằm thường xuyên cập nhật thay đổi trong pháp luật phòng vệ thương mại và thực tiễn áp dụng pháp luật phòng vệ thương mại của nước ngoài. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng tích cực nâng cao kiến thức và nhận thức về phòng vệ thương mại giúp các bên liên quan phản ứng kịp thời và hiệu quả khi vụ việc phòng vệ thương mại diễn ra.
Tại hội thảo, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay, để đẩy mạnh tiềm năng xuất khẩu cũng như nâng cao năng lực ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi, châu Đại Dương, tới đây thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương nângc ao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới. Cùng đó, xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; trong đó, chú trọng tới chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin.
Nguồn: TTXVN
Leave your comment