Bộ trưởng ‘nắm quyền sinh sát’ visa của Djokovic

Tuesday, 11/01/2022, 13:56 PM

Dù thắng trong vụ kiện chính phủ Australia và được trả lại visa, Novak Djokovic vẫn có thể bị trục xuất theo “quyền lực cá nhân” của Bộ trưởng Di trú Alex Hawke.

Trong phiên tòa trực tuyến hôm nay, thẩm phán Anthony Kelly tuyên bố Novak Djokovic thắng kiện chính phủ Australia, buộc giới chức nước này khôi phục visa của tay vợt số một thế giới người Serbia.

Theo thẩm phán Kelly, quyết định hủy visa của Djokovic theo Điều 116 của Đạo luật Di trú Australia là “không hợp lý”, bởi diễn ra trước hạn chót được thông báo với tay vợt để anh “hỏi ý kiến người khác” và đệ trình thêm lý do visa không nên bị hủy. Djokovic hiện được tự do và trả lại visa.

Tuy nhiên, phán quyết này không đảm bảo chắc chắn rằng Djokovic có thể được ở lại Australia và dự giải Australia Mở rộng 2022 để bảo vệ chức vô địch của mình. Quyền định đoạt visa của anh giờ đây phụ thuộc vào Bộ trưởng Di trú Australia Alex Hawke.

Trong phiên điều trần hôm nay, luật sư đại diện cho chính phủ Australia Christopher Tran cho biết Bộ trưởng Hawke sẽ cân nhắc xem có nên sử dụng “quyền lực cá nhân” để hủy visa của Djokovic một lần nữa hay không.

“Sau phán quyết hôm nay của tòa, Bộ trưởng Di trú vẫn có toàn quyền quyết định có nên hủy visa của ông Djokovic theo quyền lực cá nhân được quy định Điều 133C(3) của Luật Di trú hay không”, phát ngôn viên của Bộ trưởng Hawke cho biết sau phiên tòa. “Bộ trưởng vẫn đang xem xét vấn đề và quy trình vẫn được tiến hành”.

Bộ trưởng Di trú Australia Alex Hawke trong một cuộc họp báo tại tòa nhà quốc hội ở thủ đô Canberra hồi tháng 10/2021. Ảnh: AAP.

Bộ trưởng Di trú Australia Alex Hawke trong một cuộc họp báo tại tòa nhà quốc hội ở thủ đô Canberra hồi tháng 10/2021. Ảnh: AAP.

Ông Hawke ban đầu được cho là sẽ đưa ra quyết định trong vòng 4 giờ sau khi thẩm phán ra phán quyết. Tuy nhiên, chính phủ Australia cho biết quyết định sẽ không được đưa ra trong đêm nay, mà có thể lùi lại vào sáng mai.

Theo Điều 133C(3), Đạo luật Di trú năm 1958 của Australia, Bộ trưởng Di trú có quyền ra quyết định hủy visa của một người trái với phán quyết của tòa án nếu đánh giá việc này là vì lợi ích cộng đồng. “Quyền lực hủy visa được quy định trong điều này là do cá nhân Bộ trưởng quyết định”, đạo luật có đoạn, đồng nghĩa đây là quyền lực rất rộng và rất khó chống lại.

Tuy nhiên, không phải yêu cầu hủy visa nào cũng được chuyển trực tiếp tới Bộ trưởng Di trú Australia. Phần lớn sẽ được các quan chức Bộ Di trú xử lý theo quy trình được Bộ trưởng định sẵn, chỉ một số ít trường hợp đặc biệt do đích thân người đứng đầu cơ quan này ra quyết định.

Cũng theo đạo luật trên, nếu một người bị hủy visa theo Điều 116, sau đó tòa án phán quyết rằng không có căn cứ hủy visa, Bộ trưởng Di trú hoàn toàn có quyền bác bỏ phán quyết và hủy visa của người này một lần nữa.

“Quyền lực cá nhân” này sẽ được thực thi nếu Bộ trưởng Di trú đánh giá cơ sở để hủy visa theo Điều 116 là có căn cứ, hoặc người được cấp visa không thuyết phục được Bộ trưởng rằng cơ sở này không tồn tại, hoặc Bộ trưởng nhận định quyết định hủy visa sẽ vì lợi ích cộng đồng.

Bởi vậy, Hawke sẽ đóng vai trò định đoạt visa của Djokovic cũng như tương lai của anh tại Australia Mở rộng. Theo ABC, nếu visa bị hủy, Djokovic có thể bị cấm nhập cảnh Australia ba năm. Ngược lại, nếu được Hawke bỏ qua, tay vợt người Serbia sẽ tham dự giải Australia Mở rộng với visa hợp lệ và hồ sơ miễn trừ y tế được bang Victoria, nơi diễn ra sự kiện, phê duyệt.

Trong trường hợp bị Hawke hủy visa, Djokovic vẫn có thể kháng cáo, nhưng gần như không có cơ hội chiến thắng “quyền lực cá nhân” của Bộ trưởng Di trú, theo giới quan sát.

Djokovic trong một trận đấu năm 2018. Ảnh: AP.

Djokovic trong một trận đấu năm 2018. Ảnh: AP.

Hawke được Thủ tướng Australia Scott Morrison bổ nhiệm làm Bộ trưởng Di trú trong cuộc cải tổ nội các hồi tháng 12/2020. Trước đó, ông từng giữ vị trí cấp cao trong các bộ tài chính, di trú, nội vụ, quốc phòng và ngoại giao, cùng 7 tháng đảm nhiệm chức bộ trưởng đặc biệt phụ trách hệ thống bầu cử và chi tiêu của các chính trị gia.

Bộ trưởng Di trú Hawke được cho là có quan hệ cá nhân rất thân thiết với Thủ tướng Morrison. Họ cùng tham gia một nhóm nghiên cứu Kinh thánh và gặp nhau mỗi tuần kể từ khi trở thành nghị sĩ vào năm 2007. Sự ủng hộ của nhóm này đã góp phần đưa Morrison đến ghế Thủ tướng hồi năm 2018.

Hãng tin Reuters nhận định Djokovic có thể là nạn nhân của một cuộc chiến chính trị ở Australia, giữa chính phủ liên bang cánh hữu của Thủ tướng Morrison và chính quyền thiên tả bang Victoria do Thủ hiến Dan Andrews đứng đầu.

Theo hệ thống liên bang của Australia, các bang và vùng lãnh thổ có thể phê duyệt đơn miễn trừ y tế của người nước ngoài. Tuy nhiên, chính phủ liên bang là bên kiểm soát cửa khẩu, sân bay và có thể phủ quyết bất kỳ quyền miễn trừ nào được các bang cấp.

Bang Victoria đã phê duyệt đơn miễn trừ y tế cho Djokovic, nhưng ngay khi tay vợt bay tới Melbourne hôm 5/1, Thủ tướng Morrison đã lập tức can thiệp, yêu cầu quan chức có thẩm quyền từ chối cho anh nhập cảnh.

“Bất kỳ ai tới Australia đều phải tuân thủ quy định nhập cảnh”, ông nói. “Chúng tôi đợi anh ấy trình bày và đưa bằng chứng. Nếu không đủ bằng chứng, anh ấy sẽ không được đối xử khác biệt với mọi người và sẽ phải lên máy bay về nước. Không có quy định ngoại lệ đặc biệt nào cho Djokovic cả”.

Chip Le Grand, bình luận viên của The Age, cho rằng phán quyết của tòa cho thấy các sĩ quan biên phòng Australia mới là bên phạm luật, chứ không phải tay vợt số một thế giới. Tuy nhiên, Djokovic hoàn toàn có thể đã tránh được rắc rối này chỉ với một giải pháp vô cùng đơn giản.

“Câu trả lời là tiêm vaccine. Nhưng nếu Djokovic làm vậy từ đầu, thế giới có lẽ sẽ không bao giờ được chứng kiến rõ cách Australia bảo vệ pháo đài của mình đến vậy”, Le Grand viết.

Theo VNexpress

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm