Các doanh nghiệp chia sẻ chi phí cách ly vì cần đưa lao động tay nghề cao nhập cảnh vào Úc

Friday, 03/07/2020, 22:00 PM

Các lệnh cấm cảnh quốc tế đã đẩy nhiều doanh nghiệp vốn dựa vào nhân viên ngoại quốc để bù đắp thiếu hụt lao động tay nghề cao rơi vào tình cảnh khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp Úc đã sẵn sàng đóng góp để trang trải chi phí cách ly cho những lao động có thị thực tạm thời nhằm giúp họ nhanh chóng trở lại Úc.

Hàng trăm lao động tay nghề cao đã bị mắc kẹt ở nước ngoài và việc di cư đã bị đình trệ kể từ khi Úc đóng cửa biên giới vào tháng 3 với mọi đối tượng ngoại trừ công dân và thường trú nhân Úc để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona.

Người nhập cảnh phải tuân thủ cách ly tại khách sạn trong hai tuần

Nguồn ảnh: AAP

Doanh nghiệp chia sẻ chi phí cách ly

Một cuộc khảo sát của Công ty Kiểm toán và Tư vấn Ernst and Young với 100 doanh nghiệp cho thấy 78% sẵn sàng chi trả một phần chi phí cách ly 14 ngày tại khách sạn cho nhân viên của mình quay trở lại và 60% sẽ trả tiền cho một số vật tư phục vụ kiểm dịch và cách ly, nếu chính phủ cho phép những người nhập cư giữ thị thực tạm thời này nhập cảnh.

Công ty công nghệ Úc IRESS là một trong số nhiều doanh nghiệp trong ngành phải dựa vào những người nhập cư để bù đắp sự thiếu hụt lao động có kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Giám đốc điều hành IRESS, ông Andrew Walsh, cho biết các công ty công nghệ không chắc chắn khi nào việc tuyển dụng toàn cầu sẽ trở lại. Do đó nếu được chấp thuận, công ty của ông sẽ chịu trách nhiệm về các chi phí liên quan đến kiểm dịch để đưa nhân viên ngoại quốc tới Úc khi mà họ không thể tìm được người phù hợp từ lực lượng lao động địa phương.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ Úc hoạt động phụ thuộc vào các nhân viên ngoại quốc có tay nghề cao

Nguồn ảnh: AAP / Mick Tsikas

Trong một bản đệ trình lên Ủy ban Quốc hội đánh giá về phản ứng của Úc trước đại dịch, Ernst và Young đã nhận định nhu cầu miễn trừ lệnh cấm nhập cảnh đối với lao động ngoại quốc đã tăng lên do tình trạng thiếu lao động có kỹ năng đặc biệt ngày càng trầm trọng. Hãng kiểm toán này cũng đề xuất thiết lập một quy trình rõ ràng để doanh nghiệp có nhu cầu có thể nộp đơn xin miễn trừ lệnh cấm nhập cảnh cho nhân viên của mình.

Tuy nhiên, ông Tony Melville, người phụ trách các vấn đề quản trị của Tập đoàn Công nghiệp Úc, cảnh báo mức chi phí cách ly có thể là một rào cản đối với các doanh nghiệp.

Queensland cho đến nay là tiểu bang duy nhất tuyên bố sẽ bắt đầu thu phí đối với người nước ngoài quay trở lại Úc và cách ly trong các khu vực do chính quyền sắp xếp. Người trưởng thành sẽ bị tính phí 2.800 đô-la cho thời gian lưu trú 14 ngày, các cặp vợ chồng sẽ phải trả 3.710 đô-la và một gia đình bốn người là 4.620 đô-la.

Ông Melville đánh giá đây là mức chi phí rất cao và chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyết định cuối cùng của doanh nghiệp khi muốn đưa nhân viên ngoại quốc vào Úc.

Cần nhất quán trong việc ra quyết định miễn trừ

Bản đệ trình của Ernst and Young cũng chỉ trích việc ra quyết định không nhất quán của Chính phủ liên quan đến xét duyệt hồ sơ xin miễn trừ cấm nhập cảnh.

Hiện tại, người nước ngoài chỉ có thể nộp đơn xin miễn trừ cấm nhập cảnh dựa trên một lý do thuyết phục hoặc lý do nhân đạo và phải đảm bảo không gây rủi ro gì cho sức khỏe cộng đồng. Nhưng theo Ernst và Young, các đơn xin miễn trừ được doanh nghiệp nộp thay cho người lao động thì nhận được những kết quả xét duyệt rất khác nhau và không thể đoán trước được. Công ty này cho biết trong số 20 hồ sơ xin miễn trừ, chỉ có 9 hồ sơ được thông qua kịp thời, 9 hồ sơ khác bị từ chối, nhưng sau khi được xem xét lại thì 4 trong số đó đã được phê duyệt. Điều này tạo ra những nghi ngại về độ tin cậy đối với quy trình và các tiêu chí đánh giá đang được sử dụng và khiến doanh nghiệp bất an. Doanh nghiệp không thể xác định được trường hợp nào thì được ưu ái hơn, trường hợp nào thì được coi là lý do thuyết phục hay lý do nhân đạo.

Từ đó, Ernst and Young đưa ra đề nghị tinh chỉnh quy trình, minh bạch hóa các tiêu chí đánh giá và yêu cầu áp dụng chúng một cách nhất quán. Khi Úc bắt đầu khởi động lại nền kinh tế, các doanh nghiệp cần được đảm bảo về khả năng tiếp cận lực lượng lao động lành nghề cần thiết để đóng góp cho mục tiêu phục hồi nền kinh tế quốc gia.

Ủy viên Lực lượng Biên phòng Úc, ông Michael Outram, cũng từng nhấn mạnh vấn đề xác định tiêu chí miễn trừ của Chính phủ. Ông cho biết việc ra quyết định miễn trừ dựa trên từng trường hợp và tính phức tạp của các trường hợp đó khiến cho việc áp dụng các tiêu chí cụ thể để từ chối đơn xin miễn trừ trở nên khó khăn.

Theo ông Tony Melville, tỷ lệ thất nghiệp cao ở Úc không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp không cần đến lao động nhập cư để lấp đầy sự thiếu hụt kỹ năng chuyên môn. Việc không cho phép những người nhập cư tạm thời này nhập cảnh vào Úc sẽ tạo bất lợi lớn cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

Bộ trưởng Di trú Alan Tudge đã cảnh báo có thể phải chờ một thời gian dài nữa biên giới Úc mới được mở trở lại và bất kỳ động thái nào được thực hiện cũng phải dựa trên sự sẵn có của vắc-xin.

Lượng nhập cư ròng của Úc được dự báo sẽ giảm 85% trong năm tài chính tiếp theo do đóng cửa biên giới.

Thu Hà (tổng hợp)

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm