Các trường đại học Úc đang hỗ trợ Trung Quốc trong hoạt động gián điệp toàn cầu

Tuesday, 15/10/2019, 17:20 PM

Một cuộc điều tra gây chấn động của chương trình Four Corners – Đài ABC đã phát hiện những liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học Úc với các nhóm và tổ chức Trung Quốc có liên quan đến hoạt động công nghệ quân sự và gián điệp toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cuộc điều tra do Four Corners, phối hợp với kênh phát thanh Background Briefing, thực hiện đã phơi bày mối quan hệ mờ ám giữa một số cơ sở đào tạo đại học lớn của Úc với các tổ chức của Bắc Kinh hoặc được Bắc Kinh hậu thuẫn. Đây là một hoạt động gián điệp quy mô lớn được điều hành thông qua các công ty công nghệ, làm dấy lên những lo ngại về an ninh quốc gia.

Lo ngại gia tăng về những kiên kết giữa một số trường Đại học Úc với các tổ chức Trung Quốc trong hoạt động gián điệp (Nguồn ảnh: Getty)

Một trong những tổ chức được báo cáo là Global Tone Communication (GTCOM), một công ty khai thác dữ liệu mà Chính phủ Trung Quốc là cổ đông đa số. GTCOM đã ký một biên bản ghi nhớ với Đại học New South Wales về việc thử nghiệm công nghệ tinh vi.

Công ty này khẳng định mình có khả năng khai thác dữ liệu bằng 65 ngôn ngữ khác nhau với tốc độ 16.000 từ một giây. Tuy nhiên rõ ràng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Chuyên gia phân tích về Trung Quốc, bà Samantha Hoffman, cho rằng GTCOM đang tập trung vào sức mạnh dữ liệu để phục vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc vận hành hệ thống tín dụng xã hội, thu thập thông tin tình báo và các vấn đề liên quan đến quân đội và bảo mật quốc gia.

Phía Đại học New South Wales trả lời rằng Nhà trường luôn tuân theo tôn chỉ minh bạch hóa các hoạt động cũng như tăng cường hợp tác chính phủ nhằm đảm bảo hoạt động của mình luôn nhất quán với lợi ích quốc gia.

GTCOM cũng hợp tác với gã khổng lồ viễn thông Huawei – một công ty mà Chính phủ Úc đã chính thức loại trừ không cho phép tham gia phát triển mạng di động 5G tại Úc do những lo ngại về bảo mật.

Một công ty khác mà GTCOM hợp tác là Haiyun Data. Công ty này đã cung cấp công nghệ phục vụ hoạt động giám sát và đàn áp cộng đồng Hồi giáo thiểu số Uyghur ở Trung Quốc. Ứớc tính có khoảng 1,5 triệu người Hồi giáo Uyghur hiện đang bị giam giữ trong các trại tạm giam ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, được chính phủ nước này mô tả là “các chương trình giáo dục cải tạo phần tử cực đoan”.

Ứớc tính có khoảng 1,5 triệu người Uyghur đang ở trong các nhà tù tại Trung Quốc (Nguồn ảnh: ABC)

Trong khi Haiyun Data đã tuyên bố với truyền thông Trung Quốc từ tháng 1 rằng công ty này đang điều hành một phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS) thì phía UTS lại phản bác thông tin. Một phát ngôn viên của UTS chỉ ghi nhận việc tồn tại một dự án nghiên cứu kết hợp với Haiyun Data về nhận dạng chữ viết tay.

Chương trình Four Corners cũng phát lộ một thỏa thuận khác giữa UTS với Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC), được cho là có liên quan đến việc giám sát hàng loạt cộng đồng Hồi giáo Uyghur. Năm 2017, CETC đã tài trợ cho một số dự án nghiên cứu tại UTS, trong đó có phân tích video an ninh công cộng. Trong khi đó, UTS bác bỏ thỏa thuận với CETC góp phần giám sát các vấn đề ở Trung Quốc.

Ông Alastair MacGibbon, cựu giám đốc Trung tâm An ninh mạng Úc tại Tổng cục Tín hiệu Úc, cho rằng các trường đại học đang dấn thân vào khu vực nguy hiểm khi bắt tay với một tổ chức do một chế độ hậu thuẫn và tham gia vào lĩnh vực có khả năng phát triển những công cụ trấn áp con người.

Các hoạt động đối ngoại của Trung Quốc đang ngày càng được chú ý (Nguồn ảnh: AP)

Theo điều tra của Four Corners, một số công ty và tổ chức mà các trường đại học Úc đang hợp tác nằm trong danh sách đen của Hoa Kỳ do vi phạm nhân quyền hoặc lo ngại về an ninh. Một trong số đó là Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc, đã hợp tác với Đại học Quốc gia Úc ở Canberra trong hàng chục nghiên cứu. Có cơ sở nghi lo ngại rằng các chương trình nghiên cứu của Úc đang hỗ trợ cho hoạt động giám sát công cộng quy mô lớn của Trung Quốc.

Trong cuộc điều tra của mình, Four Corners cũng đề cập đến sự phụ thuộc quá lớn của các trường đại học Úc vào đối tượng sinh viên Trung Quốc và sức mạnh leo thang của các nhóm sinh viên này tại các cơ sở đào tạo có liên kết trực tiếp với Đại sứ quán Trung Quốc.

Bộ trưởng Giáo dục Dan Tehan cho biết sự can thiệp của nước ngoài vào Úc đang ở mức độ chưa từng có. Trong ba đến bốn năm qua, các cuộc tấn công mạng diễn ra thường xuyên hơn, đây là một hồi chuông cảnh tỉnh đến các trường đại học nói riêng và cả nước Úc nói chung.

Giang Vũ (tổng hợp)

 

 

 

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm