Cần xem xét lại cơ chế bồi thường cho doanh nghiệp sau sự cố sập hệ thống trực tuyến của Cơ quan Thuế vụ Úc

Tuesday, 30/07/2019, 16:46 PM

Đầu tháng 7, khi cổng thông tin điện tử dịch vụ công của chính phủ myGov và hệ thống trực tuyến của Cơ quan Thuế vụ Úc (ATO) ngừng hoạt động đúng vào thời điểm hàng ngàn người Úc đang gấp rút nộp hồ sơ kê khai thuế hàng năm, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thuế đã bị đình trệ. Các doanh nghiệp đang đề nghị được bồi thường thiệt hại do những trục trặc hệ thống trực tuyến này gây ra.

Trong những năm gần đây, ATO đã yêu cầu các đại lý thuế sử dụng một cổng thông tin trực tuyến để làm việc với cơ quan này, nhưng nhiều kế toán phản hồi rằng hệ thống này không đáng tin cậy.

Bà Tory O’Brien, điều hành công ty kế toán nhỏ TJS Accounting ở Frankston, Melbourne cho biết sự cố vừa rồi khiến công ty của bà không thể truy cập hệ thống trực tuyến để hỗ trợ hoàn thuế cho khách hàng. Đây là mùa thuế bận rộn, đồng nghĩa với việc công ty của bà mất đi nhiều khách hàng. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn về cả tài chính lẫn uy tín đối với công ty. Bà cho rằng các đại lý thuế nên được ATO bồi thường do sự cố này.

Sập hệ thống điện tử là “nỗi lo thường trực”

Sự cố sập hệ thống vào ngày 12 tháng 7 vừa qua không phải là lần đầu tiên gây gián đoạn cho hoạt động kinh doanh của bà O’Brien và hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ khác trên nước Úc. Họ lo ngại rằng hệ thống này có thể lại trục trặc vào bất cứ lúc nào, và không biết mỗi lần sự cố có thể kéo dài bao lâu.

Theo các doanh nghiệp Úc, một khi ATO đã yêu cầu vận hành công cụ trực tuyến, họ cần có khả năng cung cấp cho những người hành nghề thuế một sự đảm bảo rằng hệ thống này có thể truy cập được đầy đủ và liên tục. Khi không đảm bảo được yêu cầu đó, ATO nên có trách nhiệm bồi thường.

Mặc dù Chính phủ có chủ trương tự động hóa nhiều hơn và khuyến khích dân chúng tự nộp tờ khai thuế, nhưng hơn 70% dân số Úc vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ hỗ trợ từ các chuyên gia kế toán.

Hiện tại, các quy định về bồi thường theo Cơ chế Bồi thường thiệt hại gây ra do khiếm khuyết của cơ quan quản lý (CDDA) chỉ cung cấp cho các tổ chức trung gian như các công ty thuế một phạm vi yêu cầu bồi thường rất hẹp.

Về phía ATO, cơ quan này chỉ đưa ra lời xin lỗi về những bất tiện mà sự cố ngừng hoạt động của hệ thống gây ra cho người dùng mà không xác nhận về bất cứ hình thức bồi thường nào. Phát ngôn viên của ATO còn lưu ý rằng CDDA sẽ là biện pháp được thực hiện cuối cùng nếu cần thiết.

ATO khẳng định việc bồi thường là “phương sách cuối cùng”

Nguồn ảnh: Margaret Burin | ABC Local

“Các vấn đề bất cập có thể được giải quyết bằng cách khác, chẳng hạn như kéo dài thời hạn nộp hồ sơ thuế hoặc quyết định không áp dụng hình phạt hoặc tiền lãi nếu quá hạn, đây sẽ là những cách được dùng đến trước khi xem xét bồi thường theo cơ chế CDDA”

Sau một sự cố hệ thống diễn ra vào cuối năm 2016, ATO từng khẳng định rằng cơ quan này không bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn dịch vụ giống như các tổ chức thương mại khi đánh giá trách nhiệm của mình đối với các sự cố hệ thống lặp đi lặp lại.

Xem xét lại cơ chế bồi thường thiệt hại

Ông Toby Greco, chuyên gia tư vấn thuế của Viện Kế toán công (IPA), không đánh giá cao hiệu quả của cơ chế CDDA. Ông cho rằng cơ chế này không đáp ứng được yêu cầu bồi thường của các trung gian chịu thiệt hại cả về kinh tế và phi kinh tế. Ông ghi nhận việc đảm bảo cung cấp dịch vụ công nghệ 24/7 là khó khăn nhưng cũng cần phải có một số cơ chế khắc phục để giải quyết hậu quả cho những trung gian bị ảnh hưởng này.

Các đơn vị kiểm tra đánh giá độc lập, trong đó có Tổng Thanh tra Thuế, cũng đã đề nghị bồi thường cho các sự cố hệ thống nghiêm trọng và cho rằng ATO cần dành một khoản ngân sách để giải quyết khiếu nại.

Chủ tịch Hiệp hội Kế toán điều lệ Úc và New Zealand, ông Michael Croker, cho biết sau  những sự cố ngừng hoạt động trong năm 2016 và 2017, một số công ty thuế đã gửi khiếu nại yêu cầu bồi thường theo cơ chế CDDA, nhưng tất cả đều bị ATO từ chối với lý do “không phải khiếm khuyết của chính quyền và không có thiệt hại rõ ràng”. Ông cho rằng ngoài việc Chính phủ cần xem xét lại cơ chế CDDA đề đảm bảo công lý cho các doanh nghiệp nhỏ, ATO cũng phải nghiêm túc xây dựng một tiêu chuẩn về dịch vụ công nghệ thuế cho người nộp thuế và người hành nghề thuế.

PV Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm