Cảnh sát Úc được đào tạo để cải thiện tương tác với những người mắc chứng tự kỷ

Tuesday, 24/12/2019, 18:29 PM

Những người mắc chứng tự kỷ thường bị cảnh sát hiểu lầm là đối tượng đáng nghi, táo tợn hoặc cư xử thô lỗ, tất cả xuất phát từ sự giao tiếp không tương thích giữa hai bên. Một tổ chức ở Úc đã xây dựng một chương trình đào tạo về chứng tự kỷ cho cảnh sát với hi vọng cải thiện tình trạng này.

Emma Gallagher, 31 tuổi, đến từ Sydney, là một người mắc chứng tự kỷ, hiện cô là nhà nghiên cứu của Tổ chức phi lợi nhuận vì người tự kỷ Autism Spectrum Australia. Gallagher chia sẻ những người như cô thường gặp vấn đề khi tương tác với cảnh sát. “Một yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên thường sẽ không làm những người tham gia giao thông thông thường lo lắng nhưng đối với một người mắc chứng tự kỷ có thể lại trở thành một tình huống khó khăn. Khi cảnh sát hỏi tôi có vừa sử dụng đồ uống không, tôi, một người tự kỷ, sẽ hiểu chính xác theo nghĩa đen và trả lời “Có” vì tôi đã uống một lon Coca-Cola. Nhưng thực ra ý của họ là “bạn có dùng đồ uống có cồn không?” – Cô Gallagher kể lại.

Cô Emma Gallagher đang cùng xây dựng chương trình đào tạo cho cảnh sát

Nguồn ảnh: Autism Spectrum Australia

Câu trả lời như vậy khiến cảnh sát tin rằng họ đang đối diện với một kẻ láu cá hoặc táo tợn. Cách mà cảnh sát giao tiếp đôi khi không tương thích với những người mắc chứng tự kỷ.

Theo Tổ chức Autism Spectrum Australia, cứ 70 người ở Úc thì có một người có dấu hiệu mắc chứng tự kỷ, có nghĩa là xác suất các sĩ quan cảnh sát tiếp xúc với một người cần một mức độ hiểu biết đặc biệt trong quá trình tương tác là khá thường xuyên. Điều này thúc đẩy các nhà nghiên cứu tại Autism Spectrum Australia, trong đó có Emma Gallagher, ​thiết lập một mô-đun đào tạo dành cho cảnh sát liên quan đến chứng tự kỷ. Đây là hình thức huấn luyện đặc biệt lần đầu được xây dựng ở Úc.

Video đào tạo dài 30 phút đang được thử nghiệm tại một số Cơ quan cảnh sát trên khắp nước Úc

Nguồn ảnh: Autism Spectrum Australia

Mô-đun được làm thiết kế thành video dài 30 phút, đưa ra các tình huống điển hình giả định, có thể đi từ cấp độ đơn giản như việc yêu cầu dừng giao thông thông thường đến cấp độ phức tạp khi một trong hai bên thiếu bình tĩnh và tạm thời mất kiểm soát hành vi. Sau mỗi đoạn video được phát, các sĩ quan sẽ tương tác bằng cách chọn câu trả lời mà họ cho là đúng.

Các cơ quan Cảnh sát Liên bang Úc, Lực lượng Cảnh sát New South Wales và Lực lượng Cảnh sát Lãnh thổ Thủ đô Úc hiện đang thử nghiệm mô-đun đào tạo này. Cơ quan Cảnh sát Victoria cũng cho biết sẽ lên kế hoạch triển khai hoạt động đào tạo cho tất cả các nhân viên an ninh trật tự vào năm 2020.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu quốc gia của Autism Spectrum Australia, bà Vicki Gibbs, cho biết mô-đun này giúp cảnh sát nhận diện một số dấu hiệu của người mắc chứng tự kỷ – bao gồm giao tiếp bằng mắt kém, cử động cơ thể lặp đi lặp lại, sự nhạy cảm đặc biệt với ánh sáng và âm thanh, từ đó giúp họ xác định các hành vi có thể xuất hiện ở một người mắc chứng tự kỷ, hướng dẫn cách xử lý tình huống để giảm thiểu khả năng leo thang căng thẳng không cần thiết.

Theo bà Gibbs, những người tự kỷ thường bị hiểu lầm là đang say rượu, có khả năng sử dụng ma túy, cố tình gây trở ngại hoặc khó khăn cho công việc của cảnh sát, trong khi thực tế không phải như vậy. Việc đào tạo này sẽ là cơ hội để cảnh sát có thể đưa ra một suy đoán khác về một người nào đó đang hành động theo cách không như họ mong đợi, điều đó cũng giúp những người mắc chứng tự kỷ hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ

Huấn luyện về chứng tự kỷ cho cảnh sát đã được tiến hành ở Mỹ và Anh trong hơn một thập kỷ nay. Đối với Trung sĩ cảnh sát bang Victoria, anh Heath Biram, việc hoạt động này lần đầu tiên được triển khai tại Úc là một bước đi tích cực.

Heath Biram đã nâng cao nhận thức về tự kỷ không chỉ thông qua công việc mà còn từ chính cuộc sống gia đình của mình khi cả hai đứa con trai năm tuổi của anh đều bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Anh Biram cho biết, khi chưa có con, anh cũng giống nhiều các nhân viên cảnh sát khác – rất ít tiếp xúc hoặc có liên quan đến những người mắc chứng tự kỷ. Anh ghi nhận những thông tin hữu ích mà chương trình đào tạo mang đến, cho dù chỉ thông qua một video dài 30 phút.

Cả hai con trai của nhân viên cảnh sát Heath Biram đều mắc chứng tự kỷ.

Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp

“Chúng tôi muốn được đào tạo, chúng tôi muốn nâng cao nhận thức, vì vậy sự tham gia của tất cả lực lượng thực sự tích cực và điều này giúp mang lại sự tương tác phù hợp hơn giữa cảnh sát và cộng đồng,” – anh Biram khẳng định.

 

Nguồn tin: sbs.com.au

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm