CEDA: Lao động nhập cư tạm thời không gây ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người Úc

Saturday, 20/07/2019, 17:10 PM

Theo nghiên cứu mới công bố của Ủy ban Phát triển Kinh tế Úc (CEDA), những người nhập cư không hề gây tổn hại đến thu nhập cũng như tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động của người lao động địa phương. Kết luận này đi ngược lại với những lo ngại của người dân Úc rằng dân di cư lành nghề có nguy cơ lấy đi cơ hội việc làm của họ.

Nguồn ảnh: SBS News

Báo cáo “Tác động của di cư tạm thời” của CEDA cho biết có khoảng 2 triệu người đang giữ thị thực tạm trú tại Úc, bao gồm du học sinh, lao động trong kỳ nghỉ, lao động lành nghề và công dân New Zealand. Cũng theo nghiên cứu, 70% số người di cư tạm thời diện tay nghề hiện sống tại các bang NSW và Victoria, nơi có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất nước Úc.

Những lao động này không sử dụng các dịch vụ trợ cấp của chính phủ, nhưng lại đóng góp vào các khoản thu thuế. Có nghĩa là họ đem lại lợi ích ròng cho ngân sách quốc gia.

Nghiên cứu của Ủy ban CEDA khẳng định “bất chấp những quan điểm trái chiều liên tục được đưa ra, có bằng chứng cho thấy sự thành công của làn sóng di cư gần đây trong lực lượng lao động không gây tổn hại gì tới người lao động Úc”.

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng Chính phủ đã vô tình tạo ra tâm lý lo ngại trong công chúng đối với những người di cư qua các bản đánh giá, báo cáo và việc thay đổi chính sách thường xuyên đối với chương trình di cư tạm thời diện tay nghề của Úc. Thay đổi chính sách mới nhất là thay thế chương trình thị thực 457 bằng chương trình thị thực tạm thời bù đắp thiếu hụt lao động lành nghề, bắt đầu có hiệu lực vào tháng 3 năm 2018. Thủ tướng Malcolm Turnbull khi đó cho biết sự thay đổi này nhằm đảm bảo rằng người lao động gốc Úc được ưu tiên nhận được cơ hội việc làm tại Úc – điều mà thị thực 457 đã không bảo đảm được.

Giám đốc điều hành của CEDA, bà Melinda Cilento, cho biết những thay đổi như vậy khiến cho những người có thị thực lao động diện tay nghề tạm thời khó chuyển sang thị thực thường trú, và điều này có thể ngăn cản những người lao động giỏi nhất và sáng giá nhất đến với nước Úc. Đây là một quan điểm đã được chia sẻ bởi Thủ tướng Scott Morrison, khi ông còn là Bộ trưởng Di trú dưới thời Thủ tướng Tonny Abbott.

Theo bà Melinda Cilento, bất kỳ sự thắt chặt nào nữa của chương trình này có thể ngăn cản các công ty toàn cầu thiết lập cơ sở hoạt động tại Úc, và việc cho phép chuyển giao nội bộ công ty sẽ khiến môi trường kinh doanh của Úc trở nên hấp dẫn hơn.

Theo báo cáo của CEDA, khoảng 55% những người có thị thực diện tay nghề tạm thời, tương đương 520.000 người, đã chuyển sang thị thực thường trú trong 14 năm tính đến năm 2014. Kể từ năm 2012, hơn một nửa số thị thực thường trú dành cho lao động lành nghề được cấp ra là dành cho những người đang sống và làm việc trong nước Úc theo chương trình lao động kỹ năng tạm thời.

Báo cáo này cho biết chưa đến 1% lực lượng lao động Úc là những người nhập cư theo thị thực lao động tạm thời diện tay nghề và một nửa trong số đó tập trung chỉ trong bốn ngành là lập trình viên, nhà phân tích kinh doanh CNTT, giảng viên đại học và đầu bếp. Họ có mức lương trung bình cao hơn, vào khoảng 95.000 đô-la một năm. Những người được cấp thị thực đến chủ yếu từ ba quốc gia là Vương quốc Anh, Ấn Độ và Philippines.

PV Giang Vũ

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm