Chính phủ Úc nới lỏng bảo lãnh tín dụng giúp các doanh nghiệp nhỏ phục hồi sau Covid-19

Saturday, 25/07/2020, 13:51 PM

Chính phủ Úc vừa công bố những điều chỉnh quan trọng trong chương trình bảo lãnh tín dụng trị giá 40 tỷ đô-la, cho phép doanh nghiệp tiếp cận các khoản tài chính do chính phủ tài trợ với giá trị lớn hơn, trong kỳ hạn dài hơn. Chính sách đại tu này đã nhận được sự tán dương từ nhiều tổ chức và các nhóm doanh nghiệp.

Theo những thay đổi được Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg công bố vào thứ Hai (20/7), kể từ tháng 10, doanh nghiệp sẽ được bảo lãnh cho các khoản vay lên tới 1 triệu đô-la, tăng  gấp 4 lần giới hạn trước đây là 250.000 đô-la. Kỳ hạn vay cũng được mở rộng từ 3 năm lên 5 năm.

Doanh nghiệp nhỏ sẽ được tiếp cận tín dụng với giá trị lớn hơn trong thời gian dài hơn để phục hồi kinh doanh

Nguồn ảnh: Dave Hunt / AAP

Thực tế, chương trình bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ đã bắt đầu được triển khai trong giai đoạn kích thích kinh tế thứ hai của Chính phủ Úc từ ngày 22 tháng 3, nhưng đã nhanh chóng bị xếp sang một bên khi các các doanh nghiệp bị suy thoái do Covid-19 hầu như chỉ tập trung vào JobKeeper – chương trình cung cấp cho họ một khoản tài chính để trợ cấp lương cho nhân viên của mình với mức 1.500 đô-la/ người mỗi hai tuần.

Theo chương trình bảo lãnh tín dụng ban đầu, lãi suất cho vay kinh doanh đã được cắt giảm từ mức khoảng 9,5% xuống 4,5% nhưng tình hình giải ngân thực tế rất hạn chế, với chỉ 15.600 khoản vay, tổng trị giá 1,5 tỷ đô-la được phê duyệt (trong khi ngân sách phân bổ cho chương trình lên tới 40 tỷ đô-la). Khoảng một nửa trong số đó – 8.600 khoản vay, trị giá 778 triệu đô-la – được phát hành bởi chỉ một ngân hàng là Ngân hàng Commonwealth, và hơn 5.500 khoản vay được cung cấp bởi Ngân hàng Quốc dân Úc (NAB).

Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Tài sản Tài chính và Thương mại Úc, ông David Gandolfo, nhận định chương trình đã không phát huy tác dụng kỳ vọng do không kích thích được đầu tư, mà nguyên nhân là vì không tạo được sức hút đối với doanh nghiệp. Với kỳ hạn của khoản vay gốc là 3 năm, nếu doanh nghiệp vay 250.000 đô-la với lãi suất 4,5% mà không  thực hiện khoản thanh toán hoàn trả nào trong sáu tháng, thì số tiền còn lại doanh nghiệp phải trả lên tới 9.000 đô-la một tháng.  Đây là một khoản tiền rất lớn, và làm doanh nghiệp chùn bước. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã áp dụng tiêu chí đánh giá rủi ro tín dụng giống như các khoản vay không có bảo lãnh thông thường khác, hệ quả là việc tiếp cận nguồn vốn trở nên khó khăn.

Ông Gandolfo cho biết, những thay đổi mới sẽ cho phép cho vay có bảo đảm, điều này khiến người đi vay trở nên hấp dẫn hơn đối với các ngân hàng. Các ngân hàng lớn cũng thể hiện sự ủng hộ với chính sách nới lỏng quy tắc bảo lãnh tín dụng và sẵn sàng cho thêm hàng ngàn công ty vay tiền khi rủi ro của họ đã giảm nhờ một nửa giá trị khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Tuy nhiên ông Gandolfo cũng lưu ý rằng cơ hội chỉ dành cho những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh khả thi, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực đang phát triển như kho vận, phân phối thực phẩm, sản xuất và cho thuê nhà xưởng, thiết bị. Các doanh nghiệp vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, như các nhà hàng, quán cà phê và phòng tập thể dục, sẽ vẫn rất khó để nhận được một khoản tín dụng từ ngân hàng vì hồ sơ có tính rủi ro cao.

Những điều chỉnh của chương trình bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 và sẽ kéo dài đến ngày 30 tháng 6 năm 2021, trùng với giai đoạn tiếp theo của chương trình trợ cấp thu nhập.

Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cũng nhận định du lịch, nghệ thuật và giải trí, khách sạn và hàng không là những lĩnh vực phải đối mặt với khó khăn lớn nhất. Tuy nhiên ông khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ khi họ tìm cách tái thiết, thích nghi và tạo việc làm khi bước qua cuộc khủng hoảng.

Bộ trưởng Josh Frydenberg công bố các điều chỉnh chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp

Nguồn ảnh: Alex Ellinghausen / SMH

Chủ tịch Hội đồng các Tổ chức doanh nghiệp nhỏ của Úc, ông Peter Strong, đánh giá những thay đổi này là phù hợp với tình hình. Theo ông, khi chương trình bảo lãnh tín dụng lần đầu tiên được công bố vào tháng 3, nó đã không thu hút được nhiều sự quan tâm, thay vào đó, mọi sự tập trung đều đồn vào JobKeeper vì đó là thời điểm mà mọi người đang tìm cách để “sống sót” thay vì “phát triển”. Còn giờ đây, nhiều khó khăn đã được giải quyết và khi các doanh nghiệp đã tìm được cách xoay sở để tồn tại, họ bắt đầu nghĩ đến những cơ hội tái thiết và phát triển mới. Trong bối cảnh đó, những thay đổi hợp lý trong chính sách sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tự tin để lập kế hoạch và đầu tư cho tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh việc điều chỉnh chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp, Chính phủ Úc vẫn đang chịu nhiều áp lực từ các công đoàn, các tổ chức dịch vụ xã hội, Đảng Lao động và Đảng Xanh về việc tiếp tục duy trì mức trợ cấp của các chương trình JobKeeper và JobSeeker.

Đối với JobKeeper, Bộ trưởng Tài chính Mathias Cormann đã khẳng định, sau khi giai đoạn đầu của chương trình hết hạn vào cuối tháng Chín, Chính phủ sẽ tiếp tục áp dụng mức trợ cấp 1.500 đô-la mỗi hai tuần cho nhiều người lao động nhất có thể ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cho biết sự hỗ trợ thêm sẽ chỉ dành cho các chủ lao động bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng, và điều quan trọng là phải đánh giá lại những doanh nghiệp nào sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ này.

Bộ trưởng nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng vẫn phải là đưa doanh nghiệp trở về trạng thái hoạt động mà ở đó họ có thể trả tiền lương cho nhân viên từ chính thu nhập của doanh nghiệp chứ không phải từ trợ cấp của Chính phủ.

Trong giai đoạn thứ hai của JobKeeper, các công ty có doanh thu bằng hoặc thấp hơn 1 tỷ đô-la bị sụt giảm doanh thu 30% và các công ty có doanh thu trên 1 tỷ đô-la bị sụt giảm doanh thu 50% sẽ đủ điều kiện đăng ký nhận trợ cấp theo chương trình.

Đối với JobSeeker, Hội đồng Dịch vụ Xã hội Úc đang kêu gọi Chính phủ tăng dài hạn mức trợ cấp bằng với giai đoạn ứng phó trong đại dịch Covid-19 với lý do hơn 1 triệu người sẽ cần đến khoản trợ cấp JobSeeker này và Trợ cấp Thanh niên trong năm tiếp theo và có thể cả năm sau nữa. Hiện Chính phủ vẫn chưa có câu trả lời về tương lai của chương trình này.

Giang Vũ

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm