Chưa tới 1/3 người dân Úc ủng hộ tăng trưởng dân số

Wednesday, 06/03/2019, 14:13 PM

Trong khi Chính phủ liên bang và phe đối lập đang loay hoay với các chính sách di cư thì các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc đã công bố kết quả khảo sát mới nhất năm 2018 với 2000 người tham gia, cho thấy số người Úc ủng hộ viêc gia tăng dân số đã giảm đáng kể.

Nguồn ảnh: sbs.com.au

Theo kết quả khảo sát này, chỉ 30,4% người được khảo sát tin rằng nước Úc nên tăng trưởng dân số, trong khi đó 69,6% còn lại không ủng hộ việc nước Úc cần thêm người. Số người ủng hộ tăng trưởng dân số đã giảm đáng kể so với năm 2010 (45,8% ủng hộ), khi một nghiên cứu được thực hiện với các câu hỏi tương tự.

Những người tham gia khảo sát đã bày tỏ lo lắng về sự gia tăng của dân nhập cư làm ảnh hưởng đến quy mô dân số, kéo theo các vấn đề đáng quan ngại như tắc nghẽn giao thông, khả năng mua nhà đất và tuyển dụng việc làm. “Không hẳn chỉ là vấn đề trả lương cho người nhập cư hay những phản ứng của dân nhập cư, mà phải có sự nhìn nhận về đầu tư cơ sở hạ tầng, sự phát triển của giáo dục đào tạo hay tăng trưởng thị trường nhà đất phải đủ để đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số. Cần phải cân bằng lợi ích mà các luồng di cư mang lại với sự phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và giáo dục.”

Sự sụt giảm trong số người ủng hộ tăng trưởng dân số thể hiện ở cả hai giới. Năm 2010, có tới 50,4% nam giới cho rằng tăng dân số là tích cực, con số này chỉ còn 32,8% theo khảo sát năm 2018. Đối với nữ giới, tỷ lệ là 38% trong năm 2010, giảm còn 28,2% năm 2018.

Những người trẻ, thuộc nhóm tuổi từ 25 đến 34, có thái độ ủng hộ cao nhất, trong khi đó những người thuộc nhóm tuổi từ 35 đến 54 có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất đối với việc gia tăng dân số. Lý do của những người ủng hộ nằm ở lợi ích kinh tế, khi họ cho rằng nước Úc sẽ được hưởng lợi từ việc thuê các lao động có tay nghề nhờ lượng nhập cư lớn và các doanh nghiệp có thể giảm được chi phí cho việc đào tạo nhân viên.

Năm ngoái, Thủ tướng Scott Morrison đã lên kế hoạch cắt giảm lượng nhập cư đi 30.000 người trước sức ép ngày càng tăng từ các thành phố đông dân cư. Giới ngạch nhập cư do Chính phủ liên bang đặt ra là 190.000 người, đây là mức hạn ngạch đã được duy trì suốt 5 năm tài chính vừa qua kể từ năm 2011. Thực tế năm 2018, chỉ có khoảng 160.000 thị thực được cấp dưới sự kiểm soát của Chính phủ.

Ông John Daily, người phụ trách nhóm nghiên cứu chính sách cho biết kết quả từ bảng khảo sát mới nhất cho thấy sự lo ngại của người dân về tình hình nhập cư, đặc biệt là các vấn đề về nhà ở và tắc nghẽn giao thông ở các thành phố lớn. Ông Daily cũng tiết lộ kết quả đáng ngạc nhiên rằng cung nhà đất, đặc biệt ở Sydney và Melbourne, đã bắt đầu không đủ đáp ứng nhu cầu do dân số tăng.

Theo ông Daily, Chính phủ đang phải đứng trước những lựa chọn khó khăn khi đưa ra giải pháp cho tình trạng gia tăng dân số. Có hai lựa chọn, một là đảm bảo quy hoạch cho phép xây dựng đủ nhà ở, đảm bảo hệ thống giao thông đáp ứng được nhu cầu người dân. Đây là lựa chọn về hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó khó khăn nhất là giải quyết vấn đề nhà ở. Lựa chọn thứ hai là cắt giảm lượng nhập cư, bao gồm cắt giảm cả lao động diện tay nghề và sinh viên quốc tế hàng năm. Không giải pháp nào trong số này tỏ ra toàn diện nhưng nó sẽ mang lại những khác biệt.

Bảng khảo sát mới này cũng đưa ra các câu hỏi liên quan đến sự ủng hộ của người dân đến chi tiêu cho chương trình di cư hướng tới khu vực địa phương trong thời gian vừa qua. Tính tổng số, hơn 70% những người trả lời hoàn toàn ủng hộ chương trình này. Tuy nhiên nếu tính trong số những cư dân sống bên ngoài các thành phố lớn thì con số ủng hộ chỉ là 66.1%. Theo đánh giá của ông Daily, chương trình di cư định hướng khu vực là một nỗ lực của chính phủ trong việc thu hút dân nhập cư tới các địa phương, tuy nhiên chính sách này chưa cho thấy bất cứ một hiệu quả nào.

Kết quả nghiên cứu cũng tiết lộ có 46.1% người theo Đảng Xanh ủng hộ tăng trưởng dân số, con số này đối với Đảng Lao động là 33,6%, phe Liên minh là thấp nhất với 26.6%.

Nguồn tin: Tổng hợp

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm