Chuyến công du tới Hoa Kỳ của Thủ tướng Scott Morrison và mối quan hệ Úc – Mỹ, Úc – Trung

Wednesday, 09/10/2019, 09:04 AM

Chuyến công du của Thủ tướng Scott Morrison tới Hoa Kỳ tuần cuối tháng 9 vừa qua đã đánh dấu một nền tảng mới cho liên minh Úc-Mỹ, đồng thời gây những ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ Úc-Trung Quốc.

Nghi lễ chào đón nồng nhiệt từ Nhà Trắng cùng sự thân thiết được xem là vượt quá mức độ ngoại giao giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao Scott Morrison và Donald Trump đã khiến cả Mỹ và Trung Quốc đều không còn nghi ngờ gì về phía Úc.

Sự kết nối liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ

Donald Trump và Scott Morrison nâng ly trong bữa tối cấp nhà nước tại Nhà Trắng. Ông Morrison là nhà lãnh đạo thế giới thứ hai mà Donald Trump tổ chức tiếp đón bằng một bữa ăn tối cấp nhà nước (Nguồn ảnh: AP | Alex Brandon)

Một trong những điểm đáng chú ý của chuyến thăm là hình ảnh ông Morrison và ông Trump đứng cùng nhau tại nhà máy sản xuất giấy của tỷ phú Anthony Pratt ở Wapakoneta, Ohio. Giới chính trị gia cho rằng hình ảnh này khẳng định sự ủng hộ của Úc đối với ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới của Hoa Kỳ. Trong khi đó, văn phòng Thủ tướng nhấn mạnh sự hiện diện chung này không đồng nghĩa với việc Úc đứng về phe Donald Trump trong cuộc tái bầu cử.

Khi được hỏi, sau khi xuất hiện ở Ohio, liệu Thủ tướng có thấy mình đang tham gia vào phe của ông Trump hay không và liệu ông Morrison có tiếp cận được với các phe phái chính trị khác tại Hoa Kỳ trong chuyến đi của mình không, Thủ tướng đã khẳng định rằng, ông chỉ đến đây để làm việc với Tổng thống – đó là mục tiêu duy nhất.

Bộ ba tham quan cơ sở của Công ty Pratt Industries (Nguồn ảnh: AP | Evan Vucci)

Theo một cuộc thăm dò ý kiến ​​do Viện Lowy thực hiện trong năm nay, chỉ 25% người Úc tin tưởng rằng ông Trump sẽ hành động đúng đắn trong các vấn đề của thế giới. Tuy nhiên chuyến thăm của Thủ tướng Morrison tới Hoa Kỳ có thể sẽ tạo nên những thay đổi.

Nhìn chung, chuyến công tác được đánh giá là thành công nhưng chắc chắn phải có sự đánh đổi, mà đáng chú ý là trong khi tái khẳng định liên minh và liên kết với Hoa Kỳ, ông Morrison đã đánh động đến đối tác thương mại lớn nhất của Úc là Trung Quốc.

Ảnh hưởng của phát ngôn về Trung Quốc

Trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Thủ tướng tại Chicago, ông Morrison đã đưa ra một vài nhận xét về Trung Quốc, trong đó có tuyên bố rằng Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn của một nền kinh tế phát triển và do đó nước này nên chấp nhận trách nhiệm đối với vị thế đó trong thương mại và nghĩa vụ môi trường, thay vì tiếp tục hưởng các ưu đãi dành cho một nền kinh tế đang phát triển.

Về cơ bản, nội dung này đã được Thủ tướng đề cập trong một phần tranh biện tại Úc, nhưng khi nó được phát ngôn tại Hoa Kỳ trong bối cảnh ông Morrison đang tuyên bố về chính sách đối ngoại của Úc trước một loạt phương tiện truyền thông thì tính chất khuếch đại sẽ lớn hơn rất nhiều.

Đại sứ quán của Trung Quốc từ Canberra đã nhanh chóng đáp trả tuyên bố này. Trung Quốc khẳng định việc Úc coi Trung Quốc là một “nền kinh tế phát triển mới” là phiến diện và thiếu công bằng. Điều này thực chất bị ảnh hưởng bởi quan điểm của Hoa Kỳ. “Đúng là Trung Quốc, thông qua những nỗ lực của chính mình, đã đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế và xã hội trong những thập kỷ qua và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách lớn giữa Trung Quốc và các nước phát triển về mức độ phát triển tổng thể. Trung Quốc vẫn cần trải qua một chặng đường dài trước khi đạt được sự hiện đại hóa hoàn toàn. Trong một phân tích toàn diện, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển, được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi” – người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định các động thái này có ảnh hưởng như thế nào về dài hạn đối với quan hệ Úc – Trung Quốc.

Úc – Trung Quốc – mối quan hệ đang đóng băng?

Kể từ năm 2016, chưa có một chuyến công du nào của Thủ tướng Úc tới Bắc Kinh. Ông Morrison cho biết lý do không xuất phát từ phía Úc mà là vì Thủ không nhận được lời mời nào từ Trung Quốc và ông không thể đi khi không có lời mời chính thức.

Thủ tướng Morrison vẫn chờ đợi lời mời cấp nhà nước từ nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc – Tập Cận Bình (Nguồn ảnh: ABC News)

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng khẳng định cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne và người đồng cấp Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc cho thấy mối quan hệ giữa hai nước “vẫn tiếp diễn tốt đẹp”.

Né tránh vấn đề khí hậu

Bên cạnh vấn đề Trung Quốc, sự đối diện của Thủ tướng Morrison trước vấn đề khí hậu và môi trường cũng là câu chuyện gây tranh cãi trong chuyến đi của ông tới Hoa Kỳ. Ông Morrison đã không tham gia Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về khí hậu và cho biết vấn đề này đã nằm gọn giữa các cam kết của ông ở Washington và bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong đó, Thủ tướng đã khẳng định Úc đang nỗ lực thay đổi tình trạng khí hậu và xử lý chất thải nhựa, bao gồm cả ô nhiễm rác thải nhựa trên các đại dương.

Chính phủ đã cố gắng biện minh cho sự vắng mặt của ông Morrison với lý do chỉ các quốc gia công bố kế hoạch mới phải phát biểu trong Hội nghị. Tuy nhiên có vẻ lý do này chưa thực sự thích đáng và cách né tránh này chỉ củng cố thêm cho những lời chỉ trích về Úc, nơi đã chứng kiến ​​lượng khí thải tăng lên trong nhiều năm qua, sau khi kế hoạch xây dựng giá carbon bị hủy bỏ.

PV Giang Vũ

 

 

 

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm