Điểm hẹn tri thức chứa đựng vô số bất ngờ ở Australia

Saturday, 24/09/2022, 11:41 AM
Các thư viện công cộng tại Australia không chỉ là nơi cung cấp sách, mà từ lâu đã trở thành một không gian kết nối cộng đồng địa phương.

 

Không chỉ là nơi mượn sách

Theo TS Jane Garner và Simon Wakeling thuộc Đại học Charles Sturt, các thư viện công cộng của Australia là một địa điểm quan trọng trong việc kết nối cộng đồng địa phương. Từ việc trở thành nơi trú ẩn của người có hoàn cảnh khó khăn, nơi người cao tuổi giao lưu, cho tới các chương trình giáo dục của trẻ em, thư viện công cộng đều có thể đảm đương.

“Bên cạnh các loại sách in và sách điện tử, các thư viện hiện tại còn cung cấp sách nói, đĩa DVD, kho lưu trữ phim và tài liệu lịch sử. Không chỉ thực hiện chức năng chính là cung cấp thông tin và phát triển cá nhân, các thư viện còn đóng vai trò như một trung tâm hỗ trợ cộng đồng. Đặc biệt, thư viện công cộng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa nhập của người nhập cư, khi họ vừa có thể tìm hiểu về văn hóa địa phương, vừa tìm được các ấn bản bằng tiếng mẹ đẻ”, TS Garner cho biết.

Thư viện công cộng tại Australia. Ảnh: CSU

Xứ chuột túi sở hữu một hệ thống thư viện đáng ngưỡng mộ, gồm hệ thống thư viện trường học và thư viện công cộng. Thư viện trường học, đặc biệt là thư viện đại học là nơi lưu trữ tri thức chuyên môn sâu, đồng thời đảm nhận vai trò kết nối tri thức. Thư viện công cộng gồm thư viện quốc gia có chi nhánh ở các bang, thư viện trung tâm của bang có chi nhánh ở các thành phố, thư viện thành phố có chi nhánh ở các quận và rất nhiều những thư viện chuyên ngành khác.

Đến bất cứ thành phố nào của Australia đều có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều thư viện thuộc các cơ quan quản lý khác nhau. Theo thống kê của Hiệp hội Thông tin và Thư viện Australia, hơn nửa dân số đất nước hiện đang là thành viên của một thư viện công cộng nào đó. “Từ các nhóm đọc sách, các câu lạc bộ ngoại ngữ, giờ học ngoại khóa cho trẻ em, các buổi hội thảo, hay thậm chí cả phỏng vấn xin việc, tất cả đều có thể diễn ra tại thư viện”, TS Wakeling nói.

Theo nghiên cứu của Đại học Charles Sturt, nhóm tuổi sử dụng thư viện công cộng nhiều nhất là phụ huynh có con trước tuổi đến trường và những người về hưu. Ngoài ra, các học sinh và sinh viên cũng thường xuyên có mặt tại thư viện địa phương để ôn thi hay dùng các dịch vụ in ấn.

Giao sách tận nhà

Một đặc điểm quan trọng khiến các thư viện công cộng tạo ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng là ở chi phí. Hầu hết các dịch vụ tại đây đều miễn phí hoặc giá rất thấp, cho phép mọi tầng lớp xã hội được tiếp cận một cách bình đẳng. Để khuyến khích hơn nữa thói quen đọc và tìm hiểu, hầu hết các thư viện đều đã bỏ quy định tiền phạt với việc trả sách quá hạn.

Là nơi lưu trữ tri thức, hệ thống thư viện ở Australia không tạo ra một không khí nặng nề bởi sách vở, mà ngược lại, tạo được một môi trường hết sức dễ chịu và thoải mái. Từ kiến trúc, trang thiết bị, quản lý, đến phục vụ đều tạo điều kiện để người đọc đến được với tri thức trong một trạng thái thư giãn và vui vẻ.

Thư  viện có rất nhiều kênh để giao tiếp với độc giả: thông tin hướng dẫn trên giấy, bàn hướng dẫn trực tiếp có nhân viên trực, thông tin hướng dẫn trên website… Thậm chí, website thư viện Đại học Queensland còn có nhân viên trả lời trực tuyến câu hỏi của sinh viên trong giờ hành chính. Các thư viện cung cấp những loại dịch vụ đa dạng để hỗ trợ độc giả tiếp cận tài liệu một cách tốt nhất. Thư viện thành phố Brisbane cho phép người đọc “gọi” một quyển sách từ chi nhánh xa đến chi nhánh gần nhà để tiện việc mượn, trả. Thư viện thành phố Melbourne có thể mượn sách từ các thư viện khác hộ người đọc của mình…

Dịch vụ trực tuyến của các thư viện công cộng tại Australia. Ảnh: CSU

Thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát, giống như hầu hết các dịch vụ công cộng khác, hệ thống thư viện của Australia cũng chịu ảnh hưởng rất lớn. Vì không thể mở cửa trực tiếp, các thư viện phải tìm ra cách thức mới để cung cấp dịch vụ tới các hội viên.

“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, các thư viện đã thích nghi tương đối nhanh với đại dịch Covid-19. Các thư viện đã bố trí để các nhân viên học các kỹ năng mới để có thể làm việc tại nhà, hay cung cấp dịch vụ giao sách tới hộ gia đình, kho dữ liệu trực tuyến. Tuy vậy, các dịch vụ này tương đối hạn chế, bởi nhiều người không sở hữu máy tính cá nhân hay một băng thông ổn định”, TS Garner chia sẻ.

Để giải quyết các vấn đề này, hệ thống thư viện của Australia đã tổ chức các nhóm nhân viên chuyên biệt để hỗ trợ những hội viên trên 70 tuổi. Trò chuyện với họ mỗi ngày và cung cấp các loại sách báo tới tận nhà. Ngoài ra, các điều khoản đặc biệt cho phép người có hoàn cảnh khó khăn sử dụng máy tính và thiết bị kết nối của thư viện trong thời gian giãn cách cũng được thông qua. Các chương trình trực tuyến cũng được mở rộng và cải thiện về chất lượng nội dung, cho phép người tham gia tương tác nhiều hơn.

“Các thư viện công cộng ngay lập tức nhận ra sự cần thiết phải chuyển đổi sang mô hình cung cấp dịch vụ trực tuyến. Ngân sách đã được điều chỉnh để cho phép phát triển tài nguyên điện tử và đào tạo kỹ năng phục vụ các chương trình trực tuyến”, Tiến sĩ Wakeling nói.

Bình thường mới

Khi đại dịch Covid-19 chưa thực sự qua đi, các thư viện công cộng đã dần làm quen với trạng thái “bình thường mới”. Người dân tới thư viện hiện tại được yêu cầu đăng ký trước qua mã QR hoặc danh sách trực tuyến, sẽ có giới hạn về số lượng người được phép vào thư viện tại một thời điểm.

Thư viện công cộng tại Australia. Ảnh: CSU

Hệ thống máy tính đã được bố trí lại để đảm bảo khoảng cách an toàn, công tác khử trùng diễn ra thường xuyên hơn. Một số thư viện còn có nhân viên túc trực để nhắc nhở người dùng duy trì khoảng cách tiếp xúc an toàn. Ngoài ra, các loại sách báo kết thúc thời gian mượn sẽ được cách ly trong khoảng 2 ngày, trước khi được xếp lại vào giá.

Theo nghiên cứu của Đại học Charles Sturt, việc phải đóng cửa vì đại dịch rõ ràng đã đẩy mạnh xu hướng phát triển dịch vụ thư viện trực tuyến. Thậm chí, các hoạt động hội nhóm cũng có thể tổ chức mà không cần tới trực tiếp thư viện, nhưng nó không đồng nghĩa với việc sự phổ biến của thư viện công cộng sẽ kết thúc.

“Đại dịch như một phép thử, và nó cho thấy một khoảng trống rất lớn khi thư viện không thể mở cửa. Các thư viện là một trung tâm kết nối cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội. Khi tình hình trở nên lạc quan hơn, thói quen tới thư viện sẽ trở lại. Dù các dịch vụ trực tuyến có phát triển ra sao, không gì có thể thay thế được cảm giác cầm một cuốn sách trên tay”, TS Garner nói.

Nguồn: vietnamnet.vn

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm