Doanh nhân kiều bào hiến kế cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh

Sunday, 27/01/2019, 13:28 PM

Ngày 26/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội bên lề Chương trình “Xuân Quê hương 2019”, Báo Thế giới & Việt Nam thực hiện Chương trình trực tuyến Xuân Quê hương – Xuân Kết nối, kết nối giữa các doanh nhân Việt kiều với các doanh nhân trong  nước, chia sẻ hợp tác, chia sẻ cơ hội.

Tham dự Chương trình có ông Peter Hồng – Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Giám đốc Grand Asia Pacific Trading; ông Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp; ông Trần Hải Linh – Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc – Hàn Quốc và ông Steve Bùi Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C Japan; bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch BRG Group; ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương.

Chương trình trực tuyến Xuân Quê hương – Xuân Kết nối do Báo Thế giới & Việt Nam thực hiện.

Theo Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng từ 10% -15%/năm. Riêng trong năm 2018 là 18,9 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP cả nước. Trong đó, xu hướng kiều hối chuyển về nước với mục đích đầu tư ngày càng nhiều hơn, theo ông Trần Hải Linh – Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc, việc cập nhật, kiến thức kỹ năng và công nghệ của các doanh nghiệp kiều bào đã đủ tự tin để trở về đầu tư ở trong nước và xây dựng các doanh nghiệp với quy mô phù hợp. Đây là một xu hướng đúng đắn, ích nước lợi nhà, đóng góp một phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội.

Đề cập đến vấn đề cung – cầu về vốn giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư Việt kiều có gặp nhau hay không? ông Trần Hải Linh cho rằng, có một số điểm chưa khớp nhau, do kiều hối chuyển về vẫn theo phương diện cá nhân, trong khi chưa có một chương trình cụ thể nào có thể tập hợp được một lượng vốn của kiều bào vào những dự án cụ thể. Theo ông Trần Hải Linh, các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đều có mong mỏi có thể tổ chức được một Hội nghị Doanh nhân Việt Nam trên Thế giới để mọi người cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệp, cơ hội, cũng như bàn cách sử dụng hiệu quả dòng vốn quan trọng này.

Năm 2018, Chính phủ đã ra hàng loạt các nghị quyết, chỉ thị nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đánh giá cao những cải cách mà Chính phủ đã tạo ra trong thời gian qua. Tới nay, tuy mức độ, cường độ khác nhau nhưng các cơ quan, bộ, ngành đều đã vào cuộc, tạo sự thay đổi về nhận thức và hành động. Một minh chứng rõ ràng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đó là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ ngày càng mở, hội nhập sâu rộng hơn trong những năm tới, đặc biệt khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ký với các nước và khu vực được triển khai trong thời gian tới. Nhìn nhận về cơ hội và thách thức mà các FTA sẽ mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Peter Hồng – Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Giám đốc Grand Asia Pacific Trading đánh giá thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội, nhưng ông Hồng lại cho rằng, khi chúng ta gặp nhiều thách thức thì chúng ta lại cố gắng nhiều hơn. Vì thế ông Peter Hồng tin tưởng vào sự thành công của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Cũng nhận định về cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp khi các FTA chính thức được triển khai, ông Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp đánh giá cao cơ hội cho các doanh nghiệp khi khai thác thị trường châu Âu, nhưng ngược lại đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp châu Âu khai thác thị trường Việt Nam. Như vậy, thử thách đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ rất lớn, bởi quy mô doanh nghiệp của chúng ta thường nhỏ và sự chuẩn bị phần lớn chưa chủ động.

Chia sẻ về kỳ vọng khi tham gia Chương trình Xuân Quê hương và giao lưu Xuân Quê hương – Xuân kết nối, bà Nguyễn Thị Nga –  Chủ tịch BRG Group cho biết: “Tôi muốn lan toả sự nhiệt huyết và khát khao đóng góp cho tổ quốc những gì tốt đẹp nhất đến với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, bởi hơn hết “Quê hương là chùm khế ngọt – Cho con trèo hái mỗi ngày”, và việc những người con Việt Nam có cơ hội được kết nối và làm giàu trên chính mảnh đất của mình có lẽ là niềm tự hào lớn nhất của quộc đời.

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đánh giá cao những cải cách mà Chính phủ đã tạo ra trong thời gian qua.

Là doanh nghiệp đa ngành và nổi bất với những hoạt động trong lĩnh vực BĐS, nói về khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động, đầu tư hiện nay, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ, vốn luôn là vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp Bất động sản.

Hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng, trong khi thị trường bất động sản yêu cầu vốn dài hạn lớn. Điều cần thiết hiện nay là Việt Nam cần phải có một thị trường tài chính mạnh để hỗ trợ phát triển thị trường. Bà Nga cho rằng, một khi thị trường tại chính mạnh lên, khi dòng tiền đầu tư gián tiếp từ nước ngoài được tăng cường thì thị trường bất động sản sẽ có sự hỗ trợ lớn và có được sự phát triển mạnh và bền vững hơn nữa.

Tin tưởng vào những cải cách về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương đặc biệt vui mừng về những kết quả kinh tế của đất nước trong năm 2018, từ tăng trưởng GDP, các chỉ tiêu kinh tế, số liệu xuất khẩu, đầu tư, thặng dư ngoại tệ… đều vượt kế hoạch.

Đóng góp ý kiến tới các cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề cần tiếp tục cải cách, để môi trường đầu tư, kinh doanh của đất nước ngày một hoàn thiện hơn, cũng giống như bà Nguyễn Thị Nga –  Chủ tịch BRG Group, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất nên có một bộ phận hướng dẫn cụ thể về các thủ tục, để các doanh nghiệp không mất quá nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục để kinh doanh và đầu tư.

Tập đoàn Delta E&C Japan của doanh nhân Steve Bùi chuyên tư vấn đầu tư và tài chính có trụ sở tại Nhật Bản và các Công ty tại Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam. Hiện Delta E&C là đối tác chiến lược một số tập đoàn lớn trên thế giới, như LG Electronic Việt Nam, FWD…

Chia sẻ về vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, ông Steve Bùi rất vui mừng vì đã trở thành “ông mối mát tay” giúp nhiều doanh nghiệp hợp tác hiệu quả. Ông Steve Bùi cũng cho biết, Delta E&C cùng với Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đưa nông sản Việt Nam chính thức bước vào Hàn Quốc.

Cũng với niềm tin vào những cải cách của Chính phủ trong thời gian qua, bà Phan Thị Quảng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Quảng Hồng bày tỏ tràn đầy kỳ vọng vào các dự án mà công ty của bà sắp triển khai trong thời gian tới.

Theo Thế giới và Việt Nam

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm