Doanh nhân Việt đầu tư ra nước ngoài: Khó ở đâu?

Saturday, 12/01/2019, 01:33 AM

Tính đến tháng 11-2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam mới được cấp đã tăngthêm 357,5 triệu USD

Doanh nhân Việt đầu tư ra nước ngoài: Khó ở đâu?

Ngày 10-1, Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam đã phối hợp với các bên tổ chức Hội thảo “Đầu tư của DN Việt Nam ra nước ngoài: Các rủi ro và thách thức tuân thủ pháp luật”. Nhiều ý kiến cụ thể về các rủi ro, thách thức tuân thủ pháp luật đã được nêu ra.

Không dễ dàng tiếp cận luật quốc tế

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó TGĐ Công ty Cao su Đắc Lắc, một trong những doanh nghiệp đầu tư khá lớn vào Lào trong lĩnh vực trồng cây nông nghiệp, cho hay: thời gian đầu đầu tư vào Lào, doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận và nhận thức đúng về các quy định pháp luật quốc tế.

“Ví dụ như quy định về phát triển bền vững hay chưa đánh giá hết rủi ro về văn hóa và tập tục của người dân bản địa, bởi có những việc luật pháp sở tại không quy định, nhưng lại được công nhận trong công ước quốc tế. Trong khi đó việc tìm kiếm một đơn vị tư vấn, đồng hành phù hợp lại rất khó khăn”, bà Hải nói.

Bà Hải cho hay, với sản phẩm mủ cao su , điều khó khăn nhất là nước bạn không có cảng biển khiến chi phí vận chuyển cao. Cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin của Lào cũng chưa ổn định và khó tiếp cận cũng là hạn chế, tiềm ẩn rủi ro. Năm 2018, giá cao su giảm, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.

Hiện nay, hầu hết những nhà tiêu thụ cao su đều yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm của mình không liên quan đến phá rừng, bảo vệ môi trường, chưa kể tiêu chí, yêu cầu về phát triển bền vững đều sâu, rộng gây thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp.

Còn theo  ông Diệp Xuân Trường, Phó Trưởng ban Công nghiệp, Tập đoàn Cao su Việt Nam,  ngoài những khó khăn như bà Hải nêu, thì các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng là một nỗi… e ngại. E ngại lớn nhất nằm ở những số liệu và thực trạng môi trường do các tổ chức này đưa ra.

Tuy nhiên, đại diện hai doanh nghiệp đều cho rằng: khi đã hiểu biết lẫn nhau và có nhận thức về phát triển bền vững, khoảng cách về quan điểm giữa các doanh nghiệp và NGOs đang dần thu hẹp. NGOs hỗ trợ doanh nghiệp Việt tại nước ngoài về chính sách và thực hành môi trường xã hội của họ.

Đặc biệt khi có sự tham gia của doanh nghiệp với cộng đồng địa phương ở Lào và Campuchia, thì vấn đề trở nên đơn giản hơn. Ông Trường cho rằng: doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài phải xác định: phát triển kinh tế luôn song hành với phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường.

Trách nhiệm cao với cộng đồng sở tại

Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết Việt Nam hiện vẫn là nước đang phát triển, quy mô kinh tế nhỏ, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, do đó, đầu tư ra nước ngoài không phải là xu thế, trào lưu như các nước phát triển khác.

Chính vì vậy, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có một số chính sách thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp ra nước ngoài, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Phát huy lợi thế của doanh nghiệp VN để tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ cũng như nâng cao năng lực quản trị, chuyển giao công nghệ.

Gần đây nhất là đề án 236 Thúc đẩy hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, tận dụng những lợi thế của Việt Nam, đề án xác định những địa bàn, lĩnh vực cần ưu tiên, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp với địa bàn có trình độ, quan hệ kinh tế gắn kết với Việt Nam như Lào, Campuchia.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự thay đổi tích cực, gắn phát triển kinh tế với phát triển môi trường bền vững, điều này đã lan tỏa đến cả những doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

“Quan điểm của Chính phủ Việt Nam đối với hoạt động đầu tư của DN VN ra nước ngoài là đem lại hiệu quả cho chính DN nhưng đồng thời phải có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng nước sở tại,” ông Chung khẳng định.

Ông Chung cũng cho biết thêm, chính phủ các nước Lào, Campuchia, Myanmar đánh giá rất cao đóng góp của doanh nghiệp Việt vào chính sách an sinh xã hội. “Trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam đối với cộng đồng, nhân dân nước sở tại được đánh giá ở thứ hạng tốt so với các doanh nghiệp khác trên địa bàn”.

 Doanh nhân Việt đầu tư ra nước ngoài: Khó ở đâu? - Ảnh 1.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai từ lâu đã đầu tư ra nước ngoài. Trong ảnh: Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trong một lần trao đổi với các nhà đầu tư tại nông trường mía đường tại Attapeu, Lào – Nguồn: HAGL

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam mới được cấp đã tăng thêm 357,5 triệu USD. Khoáng sản, nông – lâm – ngư nghiệp và sản xuất và phân phối điện lần lượt là những ngành Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chiếm tỉ trọng vốn lớn nhất, trong đó tập trung đầu tư chủ yếu vào các nước láng giềng như Campuchia , Lào, Myanmar…

Theo phapluattphcm

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm