Đồng Nai sẽ có khu chiếu xạ, trung tâm kiểm nghiệm tại chợ nông sản sạch

Tuesday, 28/03/2017, 22:50 PM

Doanhnhanvietuc- Ngày 28/3, Sở Công thương Đồng Nai đã tổ chức kết nối cung cầu tiêu thụ rau, củ, quả, trái cây an toàn trên địa bàn tỉnh vào chợ đầu mối nông sản Dầu Giây ở xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

 

Một chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở Đông Nam bộ (Nguồn:SGGP)

Theo Sở Công Thương Đồng Nai, chợ đầu mối nông sản Dầu Giây được xây dựng với mục tiêu trở thành nơi mua bán, phân phối các mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch của Đồng Nai và khu vực Đông Nam bộ; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu. Để được vào chợ, các loại nông sản phải sản xuất theo quy trình an toàn và được truy xuất được nguồn gốc. Nông dân có nông sản, thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn sẽ được chợ ký hợp đồng bao tiêu. Chợ được xây dựng theo 2 giai đoạn, hiện giai đoạn 1 (diện tích 2 ha, quy mô gần 220 ô vựa và kiốt) đã cơ bản hoàn thành và tháng 6/2017 sẽ đi vào hoạt động.

 Giai đoạn 2 chợ mở rộng thêm 48 ha; trong đó, có khoảng 7 ha dành cho việc buôn bán các mặt hàng gia súc, gia cầm. Ngoài ra, tỉnh dành nhiều hecta để xây dựng khu sơ chế, chế biến các mặt hàng nông sản; hệ thống kho lạnh bảo quản và trung tâm kiểm nghiệm, khu chiếu xạ. Theo ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Đồng Nai, việc kiểm soát chất lượng hàng vào chợ đầu mối nông sản Dầu Giây được chia làm 2 giai đoạn, trong giai đoạn 1, do chợ chưa xây dựng trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận hàng hóa an toàn thực phẩm, khu chiếu xạ nên yêu cầu đối với nông sản khi vào chợ là phải sạch (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong ngưỡng cho phép) và truy xuất được nguồn gốc.

 Để truy xuất nguồn gốc hàng, Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Đồng Nai sẽ tập huấn, hướng dẫn người dân tại các hợp tác xã, tổ hơp tác ghi nhật ký sản xuất; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm bán vào chợ. Giai đoạn 2, khi khu chiếu xạ, trung tâm kiểm nghiệm được xây dựng, chỉ có các loại nông sản được sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap mới được vào bán trong chợ đầu mối nông sản Dầu Giây.

 Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho rằng, việc kiểm soát chất lượng nông sản vào chợ đầu mối nông sản Dầu Giây theo từng bước (giai đoạn) là để nông dân làm quen dần với quy trình sản xuất sạch; tiến tới việc dán tem nhãn của chợ vào từng mặt hàng. Khi đó, người tiêu dùng chỉ cần nhìn tem của chợ là biết được đó là sản phẩm sạch.

 Còn ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vân Phát, một doanh nghiệp chuyên chế biến hàng nông sản xuất khẩu cho biết, các loại trái cây của Việt Nam dù có mẫu mã đẹp nhưng vẫn khó xuất khẩu vì vướng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Công ty chúng ông thuê kiốt ở chợ nông sản Dầu Giây với kỳ vọng có thêm nguồn hàng để phục vụ cho xuất khẩu. Việc xuất khẩu trái cây không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn tạo giá trị gia tăng cho nông dân.

 Theo ông Đoàn Trung Ngọc, Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh hiện có 30 ha sản xuất theo quy trình sạch với sản lượng khoảng 100 tấn/năm. Khi chợ đầu mối nông sản Dầu Giây đi vào hoạt động, đầu ra của thanh long trong tổ hợp tác được bảo đảm nên người dân rất an tâm, có thêm động lực làm nông sản an toàn. Hướng đi của Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh là xuất khẩu, để làm điều này, tổ hợp tác đang phát triển 10 ha theo quy trình VietGap.

 Đại diện chủ đầu tư chợ đầu mối nông sản Dầu Giây, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong chợ và các tổ chức, cá nhân sản xuất, trồng trọt trên địa bàn Đồng Nai đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, chủ đầu tư, doanh nghiệp đảm bảo bao tiêu các mặt hàng nông sản đạt chuẩn; người sản xuất cam kết thực hiện các quy trình sản xuất sạch./.

 Cong Phong

 

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm