Một số tờ báo, trang tin tại Australia nêu trường hợp khách du lịch Australia gặp khó khăn về thị thực điện tử du lịch đến Việt Nam. Tuy vậy, các doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam cho rằng những trường hợp này chỉ là số ít và chưa phản ánh chính xác thực trạng.
Theo tờ Sydney Morning Herald, vấn đề xảy ra với du khách Australia tại quầy làm thủ tục, khi thông tin trên thị thực điện tử (e-visa) không khớp với thông tin trên hộ chiếu. Do đó, du khách phải xin thị thực nhập cảnh khẩn cấp tại sân bay với chi phí khá cao.
Tác giả bài báo cho biết, quy trình xin e-visa Việt Nam là khá đơn giản. Tại trang web chính thức của chính phủ Việt Nam (evisa.immigration.gov.vn), người nộp đơn tự tải dữ liệu lên và chờ thị thực được cấp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người nộp đơn nhập sai số hộ chiếu, hoặc sai thông tin ngày sinh hoặc viết sai tên; dẫn đến việc e-visa được cấp với thông tin sai và nếu người nộp không phát hiện ra lỗi, họ sẽ gặp vấn đề tại quầy làm thủ tục.
Trang Escape.com.au cũng có bài viết về nội dung này, khi một số độc giả phản ánh những chi phí phát sinh vì phải xin cấp lại thị thực vào Việt Nam, khi họ đã đến sân bay. Một du khách từ Queensland cho biết ông và vợ đã nộp đơn xin e-visa trực tuyến trước khi đến Việt Nam vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, thị thực của họ đã được cấp với ngày khởi hành không chính xác, mặc dù du khách này cho rằng họ đã nhập đúng ngày.
Một độc giả khác nói với Escape.com.au rằng khi đến sân bay ở Sydney, người này mới nhận ra năm sinh của vợ mình được ghi trên thị thực là năm 2023. Giống như trường hợp nêu trên, nam du khách này không có lựa chọn nào khác và phải trả thêm tiền để xin thị thực mới. Người này cho biết: “Chúng tôi được giới thiệu cho một công ty lữ hành có trụ sở tại sân bay có thể sắp xếp giấy phép khẩn cấp để nhập cảnh vào Việt Nam và chúng tôi sẽ được cấp thị thực thay thế khi quá cảnh. Quy trình này được thực hiện tại chỗ với chi phí là 495 đô la”.
Các bài viết cho rằng sự nhầm lẫn đôi khi có xảy ra, nhưng bất thường là ngày càng nhiều du khách Australia gặp vấn đề này một cách thường xuyên hơn; thậm chí ngay cả khi người nộp đơn phát hiện ra lỗi sai, dường như họ khó sửa lỗi. Theo lời của một độc giả tại Australia, đơn xin e-visa đã phải nộp lại nhiều lần để cố gắng sửa tên trên thị thực, nhưng e-visa vẫn bị cấp với tên sai và người này đã phải trả một khoản tiền khá cao khi đến Việt Nam.
Không nhiều trường hợp sai sót?
Bình luận về vấn đề này, một số doanh nghiệp chuyên đón khách Australia vào Việt Nam xác nhận đã có trường hợp sai thông tin trên e-visa khiến khách quốc tế phải làm lại thị thực khi nhập cảnh, tuy nhiên không phổ biến. Riêng với thị trường Australia, các doanh nghiệp inbound cho rằng thủ tục xin e-visa vào Việt Nam hiện nay khá đơn giản. Nhưng nếu du khách khai nhầm, không kiểm tra thông tin thì dễ dẫn đến sai sót. Vì vậy nhiều doanh nghiệp inbound tại Việt Nam chủ động hỗ trợ làm thủ tục xin e-visa cho khách Australia nói riêng, cũng như khách từ nhiều thị trường khác.
Theo phản hồi từ công ty lữ hành, thực tế đã có trường hợp khách nước ngoài khai sai thông tin khi xin e-visa nhưng không sửa được, vì vậy khi đến Việt Nam thì du khách đó bắt buộc phải làm Thị thực khi đến (visa on arrival) với chi phí cao hơn. “Trên hệ thống e-visa có phần email liên hệ, nhưng nếu khách hàng gửi mail tới địa chỉ này thì nhiều trường hợp không được phản hồi. Giải pháp hiện tại là du khách liên hệ qua công ty du lịch để nhờ hỗ trợ” – một công ty đón khách Australia cho biết.
Cũng theo doanh nghiệp này, việc du khách phản ánh sai sót thông tin trên form đăng ký e-visa là do lỗi hệ thống của Việt Nam, chứ không phải do khách khai sai, là chưa chính xác. “Hệ thống của Việt Nam sẽ ghi nhận chính xác thông tin được nhập bởi du khách, trước khi xác nhận thì hệ thống sẽ có 1 bước cho phép khách kiểm tra lại toàn bộ thông tin đã khai. Chỉ sau khi khách bấm xác nhận thông tin đó thì hệ thống của Việt Nam mới ghi nhận form đó và tiến hành thu phí”.
Theo chuyên gia du lịch Martin Koerner, vẫn tồn tại các trang giả mạo trang web xin e-visa chính thức của Việt Nam, do đó nhiều du khách quốc tế đã gặp rắc rối. Nhiều du khách thậm chí không kiểm tra lại thông tin, dẫn đến tình huống khó xử khi nhập cảnh tại Việt Nam.
“Nếu có thể nhận thị thực tại sân bay trong trường hợp khẩn cấp vẫn tốt hơn rất nhiều, so với việc du khách quốc tế không thể nhập cảnh, phải lên máy bay quay về và thiệt hại nhiều chi phí hơn nữa”, ông Martin Koerner nhận định, đồng thời cho rằng chính phủ Việt Nam nên tiếp tục xem xét, mở rộng chính sách miễn visa du lịch với một số thị trường nguồn tiềm năng như Australia.
Cơ quan chức năng Australia đưa ra cảnh báo
Bài viết trên trang Escape.com.au cho rằng một phần khó khăn khi xin thị thực Việt Nam là khi tìm kiếm trên Google, du khách sẽ thấy khá nhiều trang web trông giống như trang web nộp đơn xin thị thực chính thức của Việt Nam, nhưng dường như đây là các trang web giả mạo và tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo.
Cổng thông tin Smartraveller.gov.au của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) cũng đăng tải nhiều lời khuyên đi du lịch Việt Nam, trong đó có cảnh báo “Du khách đã bị lừa đảo bởi các dịch vụ thị thực trực tuyến tư nhân và các đại lý du lịch”. Vì vậy, du khách chỉ xin thị thực qua trang web chính thức của chính phủ Việt Nam.
Phía DFAT khuyên du khách Australia phải đảm bảo nhập thông tin chính xác khi nộp đơn xin thị thực. Thông tin thị thực phải khớp chính xác với thông tin trên hộ chiếu, như họ tên, ngày sinh… Khi được cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam, hãy kiểm tra xem tất cả thông tin thị thực Việt Nam có chính xác không, có khớp với thông tin trong hộ chiếu không, tên đầy đủ của người nộp đơn có được liệt kê không và liệu có lỗi chính tả hoặc lỗi nào khác không. Bất kỳ lỗi hoặc thiếu sót tên nào cũng có thể khiến du khách bị từ chối nhập cảnh hoặc có thể bị tính một khoản phí đáng kể khi làm thủ tục tại sân bay hoặc khi đến Việt Nam để sửa lỗi thị thực.
Nguồn: VOV
Leave your comment