Dự luật siết chặt kiểm tra nhân thân được Ủy ban Thượng viện Úc thông qua bất chấp những lo ngại về vấn đề trục xuất dân nhập cư

Saturday, 21/09/2019, 09:00 AM

Như Báo Doanh nhân Việt Úc đã đưa tin, Chính phủ Úc đã đệ trình dự luật thắt chặt điều kiện kiểm tra nhân thân đối với các hồ sơ thị thực. Mới đây một cuộc điều tra quốc hội Úc đã nhận định dự luật này “đạt được sự cân bằng hợp lý” và khuyến nghị thông qua dự luật tại Thượng viện.

Dự luật thắt chặt điều kiện kiểm tra nhân thân đề xuất thay đổi đối với Mục 501 của Luật Di trú 1958, theo đó những người ngoại quốc thực hiện một hành vi phạm tội nằm trong khung hình phạt tối đa từ hai năm trở lên sẽ tự động bị coi là trượt bài kiểm tra nhân thân, bất kể họ có bị kết án ngồi tù hay không. Quy định mới này sẽ mở rộng căn cứ để hủy bỏ và từ chối thị thực, tạo điều kiện dễ dàng hơn để trục xuất hàng chục ngàn người di cư khỏi nước Úc.

Thủ tướng Scott Morrison trong phiên điều trần (Nguồn ảnh: APP)

Dự luật này được Bộ trưởng Di trú David Coleman trình Hạ viện vào tháng 7. Ông khẳng định rằng những thay đổi là cần thiết để bảo vệ cộng đồng khi những người không phải là công dân đã bị kết án phạm tội nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho sự an toàn của cộng đồng Úc sẽ được xem xét phù hợp để nhận quyết định từ chối hoặc hủy bỏ thị thực. “Dự luật đưa ra một thông điệp rất rõ ràng cho tất cả những người không phải là công dân Úc, rằng cộng đồng Úc không khoan nhượng đối với người ngoại quốc bị kết án vì những tội danh này.” – ông Coleman nói.

“Đạt được sự cân bằng hợp lý”

Ủy ban Thường vụ Thượng viện về các vấn đề pháp lý và hiến pháp đã tiến hành cuộc điều tra trong hơn hai tháng, nhận được 32 bài đệ trình và điều trần từ 23 cá nhân trong suốt phiên điều trần công khai kéo dài một ngày.

Trong báo cáo cuối cùng, Ủy ban cho biết dự luật “đạt được sự cân bằng hợp lý” giữa mục tiêu đảm bảo an toàn cho cộng đồng và quyền của những người không phải là công dân thực hiện hành vi phạm tội và bị bắt theo “danh mục tội phạm được quy định”. Danh mục này bao gồm các tội phạm có khung hình phạt tối đa từ hai năm trở lên; và có liên quan đến một yếu tố thể chất, như bạo lực tình dục hoặc sở hữu vũ khí.

Đảng Lao động và Đảng Xanh không đồng ý với khuyến nghị đa số dành cho dự luật. Theo các thượng nghị sĩ Đảng Lao động, những thay đổi này là không cần thiết và thậm chí có khả năng xâm phạm quyền của những người đang sở hữu thị thực, trong khi đó hiệu quả tăng cường bảo vệ cho cộng đồng lại không rõ ràng. Đảng này cũng lo ngại về hiệu lực hồi tố của dự luật và những ảnh hưởng tiêu cực đối với mối quan hệ Úc – New Zealand khi xét tới số dân New Zealand có nguy cơ bị trục xuất theo quy định mới, đồng thời khuyến nghị Úc nên chấp nhận cách tiếp cận của New Zealand là không trục xuất những người sống trong cộng đồng từ 10 năm trở lên.

Các nghị sĩ Đảng Xanh cũng chia sẻ những quan ngại tương tự, đặc biệt là trong các trường hợp những người cư trú dài hạn ở Úc bị tách khỏi gia đình mình và phải chuyển tới một quốc gia khác nơi họ không thông thạo ngôn ngữ, ít hoặc chưa bao giờ sinh sống tại đó và không có mối liên hệ gia đình, xã hội hay kinh tế nào.

Tăng quyền quyết định cho Bộ trưởng

Khi một người không vượt qua được các điều kiện kiểm tra nhân thân thì không có nghĩa họ sẽ bị tự động từ chối hoặc hủy bỏ thị thực mà vẫn cần có phán quyết cuối cùng của Bộ trưởng Di trú. Những thay đổi được đề xuất theo dự luật mới báo hiệu sự mở rộng quyền quyết định của bộ trưởng.

Bộ Di trú đã thuyết phục được đa số thành viên Ủy ban khi khẳng định rằng “dự luật mới tương thích với quyền con người và tăng cường một cách hợp lý khuôn khổ kiểm tra nhân thân hiện tại”. Theo cơ quan này, dự luật cung cấp một cơ sở rõ ràng và khách quan để đánh giá sự thất bại trong vòng kiểm tra nhân thân của người di cư, điều này cũng cho phép những người ra quyết định xem xét một cách thích hợp một loạt các vấn đề đối với từng trường hợp không phải là công dân Úc.

PV Thu Hà

 

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm