Giới thiệu

Doanh nhân Việt Úc – Nhịp cầu giao thương doanh nhân Việt Úc

Trước kia, đa số người Việt ở Úc kinh doanh trong lĩnh vực may mặc. Tuy nhiên, vào những năm gần đây, ngành may mặc quy mô nhỏ đi xuống nên các doanh nhân Việt đã chuyển sang các ngành gia công khác hoặc lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, thực phẩm.

Cơ hội kinh doanh ở Úc

Theo báo cáo Doing Business in Australia 2010 của Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Úc đứng thứ 9 trên thế giới về môi trường kinh doanh thuận lợi trong tổng số 183 nước tham gia điều tra (đứng đầu là Singapore). Đồng thời, Úc đứng thứ 3 về sự thuận lợi trong khởi nghiệp kinh doanh, chỉ sau New Zealand và Canada.

melbourne-skyline

Theo ông Trần Bá Phúc – Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt kiều Úc, trước kia, đa số người Việt ở Úc kinh doanh trong lĩnh vực may mặc. Tuy nhiên, vào những năm gần đây, ngành may mặc quy mô nhỏ đi xuống nên các doanh nhân Việt đã chuyển sang các ngành gia công khác hoặc lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, thực phẩm… Gần đây, một lĩnh vực thu hút họ hơn cả là kinh doanh thực phẩm Á Châu.

Ông cho biết: “Thực phẩm Á Châu ngày càng được ưa chuộng hơn tại Úc. Chính vì thế, nhiều doanh nhân Việt đã bắt đầu nhập khẩu thực phẩm từ Việt Nam và các nước Châu Á để phục vụ thị trường Úc. Các thành phố lớn ở Úc hầu hết đều có các tiệm thực phẩm Á Châu trên đường phố”.

Tuy nhiên, cũng theo ông, nhìn chung, doanh nhân Việt tại Úc phần lớn đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ, vì vậy, vẫn còn nhiều lĩnh vực kinh doanh còn bỏ ngỏ như sản xuất, chế tạo, công nghệ…

Anh Lê Huy – một doanh nhân trẻ tại Úc – nhận định: “Có thể nói cơ hội kinh doanh ở Úc không nhiều bằng Việt Nam vì thị trường Úc khá ổn định trong khi Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình, phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, kinh doanh ở Úc thường bền vững, ít rủi ro hơn mặc dù lợi nhuận thu được có thể chậm hơn”.
Ngoài ra, một lĩnh vực đầu tư khác hiện cũng thu hút nhiều doanh nhân Châu Á tại Úc là bất động sản vì nó được cho là an toàn và mang tính lâu dài.

Thuận lợi và khó khăn khi ở Úc

Tất cả các doanh nhân ở Úc đều cho rằng thuận lợi lớn nhất của môi trường kinh doanh Úc là vấn đề thủ tục vì thủ tục đăng kí thành lập doanh nghiệp rất đơn giản, nhanh chóng với các quy trình minh bạch. Các doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh trực tuyến trên trang web của Uỷ ban Thương mại Úc (http://www.austrade.gov.au) và sẽ nhận được mã số kinh doanh trong vòng 24 giờ. Họ cũng có nhiều cơ hội vay tiền ngân hàng để kinh doanh.

Một trong những trở ngại đối với các doanh nhân Việt trên đất Úc, đặc biệt là với những người mới qua Úc là rào cản ngôn ngữ và văn hoá bởi Úc là một nước đa sắc tộc, đa văn hoá. Do đó, các doanh nhân cần phải có sự nhạy cảm về khác biệt văn hoá và có khả năng đáp ứng các nhu cầu đa dạng.

Là người Việt đầu tiên xây dựng thương hiệu rượu nho của riêng mình trên đất Úc, Lê Huy thừa nhận anh đã phải trải qua rất nhiều khó khăn.

Anh chia sẻ: “Mình là người Châu Á kinh doanh ở phương Tây với sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá. Nếu mình cạnh tranh với những sản phẩm hay lĩnh vực vốn là thế mạnh của người bản địa thì sẽ càng khó khăn”.

melbourne

Mặc dù ở Úc có thuận lợi về nguồn nhân lực dồi dào nhưng đối với các doanh nghiệp trẻ, chi phí lao động là một vấn đề đáng quan tâm. “Chi phí cho 10 lao động trong một doanh nghiệp nhỏ ở Úc đủ trả lương cho 300 lao động tại Việt Nam”, anh Lê Huy cho biết.

Bí quyết thành công trên đất Úc

Biết nắm bắt cơ hội và quyết tâm vượt qua khó khăn bằng sự say mê, cần cù là bí quyết của những doanh nhân Việt thành công trên đất Úc.

Ông Nguyễn Văn Hoà là một trong số đó. Sang Úc từ năm 1982, sau nhiều năm gắn bó với nghề đầu bếp, vào năm 1995, ông Hoà đã quyết tâm mở nhà hàng riêng tại thành phố Melbourne với cái tên Sài Gòn Rose. Sau đó vài năm, ông tiếp tục mở nhà hàng thứ hai cùng tên tại Richmond, một trong những khu ăn uống sầm uất nhất Melbourne. Không dừng ở đó, ông Hoà đã và đang phát triển lĩnh vực nhập khẩu hàng hoá, tiêu biểu là mặt hàng bia 333 và bia Huda Huế.

Ông Hoà cho biết thành công của ông có được là nhờ sự đồng tâm, hiệp lực của tất cả các thành viên trong gia đình. Theo kinh nghiệm của ông, kinh doanh lĩnh vực nhà hàng yêu cầu người chủ phải có kinh nghiệm nấu nướng, kiến thức về ẩm thực thì mới có thể kiểm soát được chất lượng. Ngoài ra, người đầu bếp phải biết cách gia giảm và sáng tạo để các món ăn phù hợp với khẩu vị của nhiều người, ví dụ người Châu Âu rất sợ mùi mắm tôm, mắm cáy và họ không thích ăn mì chính.

Luke Nguyễn vốn là đầu bếp nổi tiếng trên kênh truyền hình SBS của Úc qua chương trình “Việt Nam của Luke Nguyễn” (Luke Nguyen’s Vietnam) nhằm giới thiệu các món ăn Việt Nam, đồng thời là chủ nhà hàng Đèn Lồng Đỏ tại thành phố Sydney. Anh cũng cho rằng để kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng cần phải có sự hiểu biết về ẩm thực. Mở một nhà hàng ở Úc không khó nhưng cái khó hơn nhiều là làm thế nào thu hút và giữ chân thực khách. Bí quyết thành công của Luke là sự đam mê, đam mê đem đến những món ăn ngon, thú vị, mong muốn làm hài lòng khách và đáp ứng dịch vụ khách hàng ở mức tốt nhất có thể, và một điều không kém phần quan trọng là sự kiên trì theo đuổi đam mê.

“Đối với người Úc nói chung, khi họ đến nhà hàng, họ không chỉ muốn thưởng thức món ăn ngon mà còn muốn được chào đón với dịch vụ tốt, thân thiện, có thể đem lại cho họ sự hài lòng và kiến thức về ẩm thực” – Luke chia sẻ.

Trong giới doanh nhân Việt tại Úc, Lê Huy mới chỉ tham gia vào lĩnh vực kinh doanh được 10 năm nhưng anh đã bước đầu gặt hái được những thành công đáng kể. Một trong số những thành công của Lê Huy là xây dựng thương hiệu rượu vang L’esand, xuất khẩu sang các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Từ năm 2007, Lê Huy mở rộng việc kinh doanh sang nhập khẩu thực phẩm Á Châu bởi anh nhận thấy đây là một lĩnh vực tiềm năng. Anh cho rằng: “Để cạnh tranh ở nước ngoài, một điều căn bản là cần có cộng đồng và đi lên từ cộng đồng”.

Xuất phát từ quan điểm cộng đồng, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, Hội Doanh nhân Việt kiều Úc đã được thành lập và chính thức ra mắt vào ngày 3/7 vừa qua tại thành phố Melbourne, bước đầu thu hút được 200 hội viên. Ban điều hành hội gồm có 18 người tham gia kinh doanh trong nhiều lĩnh vực tại Úc. Ông Trần Bá Phúc – chủ tịch hội – khẳng định vai trò của hội là chiếc cầu nối giữa các doanh nhân Việt trên đất Úc nhằm cùng nhau trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ tìm kiếm đối tác.

(Theo bayvut.com ngày 23.7.2010)