Giới trẻ Úc chỉ được góp tiếng nói trong 1% những tin tức có ảnh hưởng đến mình

Wednesday, 18/09/2019, 23:41 PM

Một báo cáo nhanh được thực hiện trong tháng 4 năm nay đã nhận định rằng những người trẻ tuổi tại Úc hiếm có cơ hội được thể hiện quan điểm và kinh nghiệm của mình trên các tin tức truyền thông, ngay cả khi đó là những bài đưa tin về các vấn đề ảnh hưởng nhất đến họ.

Báo cáo nhanh này là một phần của dự án “Thúc đẩy sự hiểu biết về truyền thông của người trẻ Úc” do Bảo tàng Dân chủ Úc, Google Úc và Đại học Western Sydney đồng tài trợ. Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn phân tích tin tức trên truyền hình và báo chí vào ngày 1 tháng 4 năm 2019. Tổng cộng có 276 tin tức trên tám tờ báo cấp quốc gia, tiểu bang và vùng miền và bốn bản tin truyền hình cấp quốc gia và tiểu bang. Chỉ hơn một phần ba trong số đó đưa tin về các vấn đề có thể ảnh hưởng đến giới trẻ, như chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo giáo viên trường học, tác động của tự động hóa đối với việc làm trong tương lai và đề xuất quy định truyền thông xã hội.

Giới trẻ có ít cơ hội được thể hiện quan điểm và kinh nghiệm của mình trên các tin tức truyền thông (Nguồn ảnh: SBS News)

Trong tất cả các tin tức được xem xét, chỉ có 11% đưa ra quan điểm hoặc kinh nghiệm của những người trẻ trong độ tuổi từ 4 đến 18 tuổi. Tuy nhiên, hầu như những quan điểm hoặc kinh nghiệm này được phát ngôn thông qua những người trung gian đã trưởng thành như phụ huynh, cảnh sát và các chuyên gia. Chỉ 1% trong các tin bài có trích dẫn trực tiếp phát ngôn của giới trẻ. Hơn nữa, khi những người trẻ được lên tiếng trong các bản tin thì chủ yếu đó là những tin về tai nạn hay phúc lợi xã hội, không phải các chủ đề về kinh tế, chính trị hay môi trường và biến đổi khí hậu.

Tin tức có đề cập đến tiếng nói của giới trẻ (cột biểu đồ màu đỏ) ít hơn nhiều so với các tin tức không đề cập đến (cột biểu đồ màu xanh). (Nguồn ảnh: SBS News)

Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù trong bối cảnh hiện nay truyền thông xã hội đang có sức mạnh đáng kể, nhưng các hình thức tin tức truyền thống trên báo chí và truyền hình vẫn phổ biến và có tầm ảnh hưởng riêng. Sẽ là đáng phê phán khi giới trẻ không có cơ hội trực tiếp thể hiện tiếng nói của mình qua các hình thức truyền thông truyền thống này.

Giới trẻ chỉ được đưa vào như một đạo cụ trực quan

Báo cáo cũng cho biết, giới trẻ không được trực tiếp phát ngôn trong các tin tức nhưng hình ảnh của họ thì vẫn được các bài báo, bản tin này sử dụng. 11% trong số những tin tức được phân tích có đăng một bức ảnh hoặc đoạn phim video của một hoặc nhiều người trẻ tuổi. Tin tức truyền hình có đưa hình ảnh những người trẻ tuổi gần gấp đôi so với tin trên báo chí.

Tuy nhiên, phân tích về những hình ảnh này cho thấy những người trẻ tuổi thường chỉ có vai trò ngoại vi trong nội dung câu chuyện, như là một đạo cụ trực quan để giới thiệu, thay vì là một phần không thể thiếu của chính câu chuyện.

Điều đó có nghĩa là người trẻ Úc không được trao cơ hội để nói về bản thân và kinh nghiệm của họ, và các nhà báo cũng chưa quan tâm đến việc tham vấn ý kiến hoặc đánh giá nghiêm túc về vai trò của họ trong nhiều vấn đề. Điều này vừa phản ánh, vừa ảnh hưởng đến sự tham gia của giới trẻ trong các diễn ngôn công cộng.

Khủng hoảng niềm tin và tương lai của truyền thông

Chúng ta đã nghe nói nhiều về tương lai của ngành truyền thông trong những năm gần đây. Các vấn đề được bàn luận sôi nổi tập trung vào sự ảnh hưởng của kỹ thuật số tới sự tồn tại của các tổ chức truyền thông; vai trò của người săn tin và nhà báo trong môi trường tin tức toàn cầu; vấn đề tin giả và tác động của nó đối với tự do báo chí. Đây đều là những vấn đề khẩn cấp và phức tạp. Nhưng chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng niềm tin đối với các phương tiện truyền thông cũng cấp bách không kém.

Theo Báo cáo Tin tức kỹ thuật số Úc 2019, chỉ 44% những người trưởng thành tin vào các tin tức của Úc. Và cuộc khảo sát năm 2017 của riêng nhóm nghiên cứu với 1000 thanh niên Úc từ 8 đến 16 tuổi cho thấy chỉ 23% dành nhiều niềm tin cho các tổ chức truyền thông.

Đây là vấn đề rất cần suy ngẫm khi mà theo khảo sát quốc gia, nhiều người trẻ cho biết họ đặc biệt quan tâm tới vai trò của thông tin trong cuộc sống hàng ngày.

Hướng đi nào cho tương lai?

Sự thiếu niềm tin của những người trẻ tuổi đối với các tổ chức tuyền thông có thể liên quan chặt chẽ đến việc họ không được thấy những đại diện cho thế hệ của mình được lên tiếng. Bởi vậy, nếu các tổ chức này muốn xây dựng niềm tin với giới trẻ thì cách tốt nhất là hãy để họ thể hiện mình trong các tin tức theo những cách có ý nghĩa.

Các tổ chức truyền thông cũng nên dành nguồn lực để thực hiện các chủ đề liên quan đến giới trẻ, xây dựng kết nối với các tổ chức hoạt động vì giới trẻ, vì đây là những cơ sở có liên kết chặt chẽ với đối tượng này, hiều về tư tưởng và kinh nghiệm của họ cũng như có nhiều thông tin về các nghiên cứu liên quan đến giới trẻ. Ngoài ra việc theo dõi thông tin từ các chuyên gia cũng là một kênh để hỗ trợ phản ánh và kiểm chứng tin tức.

PV Giang Vu

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm