Hội đồng Khí hậu cáo buộc chính phủ Úc thiếu đường lối lãnh đạo trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Saturday, 18/01/2020, 12:00 PM

Hội đồng Khí hậu đã cáo buộc chính phủ Úc đang làm tổn hại niềm tin của nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi bàng quan và thậm chí cản trở trước những nỗ lực nhằm nâng cao khả năng sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo của các tiểu bang và vùng lãnh thổ.

Ông Greg Bourne, đến từ Hội đồng Khí hậu, cho biết cách tốt nhất để giảm giá năng lượng là thúc đẩy năng lượng tái tạo. Tuy nhiên hiện nay chính phủ không hề thiết lập một môi trường chính sách nhất quán và ổn định đối với vấn đề này, sự thiếu hụt đường lối lãnh đạo sẽ hủy hoại sự phát triển tương lai của các dự án tại Úc.

Chính phủ Úc bị cáo buộc làm tổn hại niềm tin của nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Nguồn ảnh: AAP

Hội đồng cũng phê phán chính phủ liên bang khi không có định hướng rõ ràng về năng lượng xanh, sạch. Ông Bourne cho rằng chính phủ thậm chí còn gây khó khăn cho các kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo ở các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Một số địa phương vì vậy đã phải tuyên bố ý định đơn độc trong chính sách năng lượng tái tạo. “Đã đến lúc tất cả các bang và vùng lãnh thổ phải tạo ra các diễn đàn riêng để phối hợp và triển khai mà không chờ đợi sự hỗ trợ của chính phủ liên bang”.

Các giám đốc Sở Năng lượng tại các tiểu bang và vùng lãnh thổ đã thống nhất triển khai chiến lược năng lượng hydro quốc gia trong một cuộc họp ở Perth vào cuối tháng 11 vừa qua. Theo chiến lược này, chính phủ liên bang sẽ đầu tư 370 triệu đô-la vào một quỹ xây dựng ngành công nghiệp năng lượng sạch.

Cùng thời điểm công khai chỉ trích sự tác trách của chính phủ liên bang về nhiệm vụ năng lượng tái tạo quốc gia, Hội đồng Khí hậu cũng công bố xếp hạng điểm năng lượng tái tạo thường niên mới nhất theo địa phương. Tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu về khí hậu này đã xếp hạng hiệu quả thực hiện của từng tiểu bang và vùng lãnh thổ trong sản xuất năng lượng sạch. Theo đó, bang Nam Úc đạt điểm cao nhất dựa trên số liệu về tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng gió và năng lượng mặt trời trên đầu người, cũng như các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Bang này cũng được biểu dương vì đã tạo ra hơn một nửa sản lượng điện từ gió và mặt trời, với kế hoạch đạt 100% năng lượng tái tạo vào những năm 2030.

Giám đốc Sở Năng lượng Nam Úc – Dan van Holst Pelekaan, và Giám đốc điều hành Công ty Neoen Australia – Louis de Sambucy bên tấm pin năng lượng Tesla ở Adelaide.

Nguồn ảnh: AAP

Lãnh thổ Thủ đô Úc và bang Tasmania cũng đã nhận ghi nhận vì những nỗ lực tái tạo của mình. Hiện tại, Lãnh thổ Thủ đô Úc đang trên đà đạt mục tiêu 100% năng lượng tái tạo vào ngày 1 tháng 1 năm 2020. Nếu thành công, đây sẽ là khu vực tài phán duy nhất bên ngoài châu Âu đạt được kỳ tích như vậy. Tiếp đó, Tasmania, với Kế hoạch Pin Quốc gia của mình, dự kiến sẽ làm tăng gấp đôi công suất năng lượng tái tạo, đưa tiểu bang này lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng toàn quốc.

Các tua-bin ở một trang trại gió gần Bungendore, cách thủ đô Canberra 40 km về phía

Nguồn ảnh: AAP

Victoria và Queensland theo sau ở vị trí thứ tư và thứ năm, được đánh giá là “có tiến bộ tốt” nhưng cần phải “nỗ lực hơn nếu muốn bắt kịp các địa phương dẫn trước”. Một trong những thành công đáng kể của bang Victoria là đã khai thác hiệu quả năng lực của các dự án năng lượng mặt trời và gió quy mô lớn trong hệ thống hơn bất kỳ tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ nào. Trong khi đó Queensland được ghi nhận nhờ có nhiều cải thiện. Gần một nửa các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn đã hoàn thành trên khắp nước Úc vào năm 2018 là đặt tại Queensland. Tuy nhiên, mặc dù có tiến bộ, tiểu bang này lại đang đi chệch mục tiêu đạt 50% năng lượng tái tạo vào năm 2030 khi có chính sách hỗ trợ phát triển nhiên liệu hóa thạch mới – điều này về cơ bản là mâu thuẫn với hành động ứng phó với biến đổi khí hậu – báo cáo của Hội đồng nhận định.

Bảng xếp hạng điểm năng lượng tái tạo theo địa phương của Úc năm 2019

Nguồn ảnh: Hội đồng Khí hậu Úc

Bang New South Wales và Tây Úc theo sau trong bảng xếp hạng, cả hai đều nhận được điểm C khi chỉ duy trì trạng thái hiện tại mà không xây dựng mục tiêu năng lượng tái tạo nào.

Lãnh thổ Bắc Úc đứng ở vị trí cuối cùng. Địa phương này tiếp tục thể hiện kết quả yếu kém so với các lần đánh giá trước đây. Tuy nhiên, Hội đồng Khí hậu cũng ghi nhận Lãnh thổ Bắc Úc trong việc công bố dự thảo mới về mục tiêu phi phát thải vào năm 2050 – mặc dù đây là địa phương cuối cùng của Úc ban hành mục tiêu này.

 

Nguồn tin: sbs.com.au

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm