“Kinh đô nước hoa” của Ấn Độ, nơi cất giữ linh hồn của những mùi hương và cuộc chiến với ngành nước hoa công nghiệp

Tuesday, 05/09/2017, 16:25 PM

Từ bao đời nay, người dân ở thành phố Kannauj nổi tiếng với nghề chưng cất cánh hoa làm tinh dầu truyền thống của mình. Thế nhưng giữa cơn bão cạnh tranh mạnh mẽ của nước hoa công nghiệp, các xưởng tinh dầu buộc phải đóng cửa hàng loạt. Những mùi hương tinh tế này có lẽ chẳng mấy chốc chỉ còn là dĩ vãng.

"Kinh đô nước hoa" của Ấn Độ, nơi cất giữ linh hồn của những mùi hương và cuộc chiến với ngành nước hoa công nghiệp

Nằm bên bờ sông Hằng linh thiêng, trong nhiều thế kỷ, thành phố Kannauj, thuộc bang Uttar Pradesh đã được mệnh danh là “kinh đô nước hoa” của Ấn Độ. Đến với Kannauj ngày nay, du khách có thể không còn thấy choáng ngợp bởi ngành nghề một thời từng chiếm lĩnh gần như mọi con đường của thành phố này nữa, nhưng đâu đó bên cạnh những chiếc xe hơi, xe tải và những gánh hàng rong trên phố, thỉnh thoảng bạn có thể sẽ bắt gặp vài chiếc xe chở đầy hoa được đẩy vội vàng len qua đám đông đi qua một chiếc cổng lớn để đến các xưởng chưng cất truyền thống.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Kỹ thuật sản xuất tinh dầu theo cách truyền thống được coi là di sản của người Kannauj. Theo người dân Kannauj, chỉ có nước hoa tinh chế theo phương pháp thiên nhiên mới giữ được mùi hương lâu và hoàn toàn không có hại cho sức khỏe. Đây cũng chính là điều khiến cho loại tinh dầu hoa, hay còn gọi là attar này trở nên khác biệt hoàn toàn so với tất cả những thứ nước hoa tổng hợp công nghiệp của ngày nay.

Ngoài mùi hương nồng nàn đặc biệt, attar còn nổi tiếng bởi sự đầu tư tỉ mỉ từ thời gian đến công sức trong từng công đoạn chưng cất. Phải cần đến 4 tấn hoa hồng tươi mới có thể chiết ra được 1kg tinh dầu hoa hồng nguyên chất.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Ngay từ lúc bình minh chưa ló dạng, các công nhân đã phải dùng tay thu hoạch từng bông hồng damask, cho vào bao tải lớn và vận chuyển ngay đến xưởng để chưng cất luôn trong ngày. Tại xưởng, họ sẽ đổ hoa hồng vào từng nồi đồng lớn và một chút nước lạnh rồi dùng lửa đun suốt 4-6 tiếng liên tục. Hơi nước nóng sẽ khiến hoa tiết ra tinh dầu, sau đó ngưng tụ lại và chảy vào chén đựng thông qua một ống tre.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Thông thường, chén đựng này có chứa dầu gỗ đàn hương, có tác dụng làm dung môi cho attar. Ngoài hoa hồng, người ta cũng sử dụng các loài hoa nhài, cây lá móng… nhưng mùi hương được ưa chuộng nhất, đắt tiền nhất vẫn là hương thoảng dịu ngọt từ cánh hồng.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Làm attar là một nghề thủ công khó nhọc, không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm mà còn phải có sự kiên nhẫn và yêu nghề. Nếu chiếc nồi đồng bị đun quá lửa hay không đủ lửa cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mùi hương của tinh dầu.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Để đánh giá được nồi đồng phải đun trong bao lâu là một điều cực kỳ quan trọng của người làm nghề, kỹ năng này thường được cha truyền con nối qua từng thế hệ. Theo một nghệ nhân chưng cất nước hoa cho hay, việc đánh giá tinh dầu đã trở thành bản năng, chỉ cần ngửi và cảm nhận mùi hương cũng đủ để biết attar đã hoàn thành hay chưa.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Vev Bhav Pathak, người quản lý của xưởng chưng cất tinh dầu Muna Lal and Sons cho biết, nhu cầu sử dụng attar đang trên đà suy giảm nghiêm trọng.

Tinh dầu attar có giá thành khá cao, nguyên nhân là vì tinh dầu gỗ đàn hương ngày càng khan hiếm. Theo Pathak, những năm sau này, nạn chặt phá rừng tràn lan đã làm cho chính phủ Ấn Độ thắt chặt luật lệ, cấm khai thác gỗ đàn hương nên đã đẩy giá của loại gỗ này lên đến mức ngất ngưởng.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Muna Lal và Sons, cũng như hầu hết các xưởng nước hoa khác, giờ đây buộc phải sử dụng các sản phẩm parafin rẻ tiền hơn để làm nền cho tinh dầu. Đáng tiếc rằng sự thay thế này cũng khiến cho attar không còn giữ nguyên được hương thơm truyền thống như xưa và vì thế cũng đã mất dần các khách hàng tinh tế vốn yêu thích mùi hương attar cổ điển với gỗ đàn hương.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Một trong những sản phẩm đặc biệt nhất của Kannauj không thể không kể đến ruh al gulab – một loại tinh chất được xem là “linh hồn của hoa hồng”, nhưng thị trường tiêu thụ cũng không lớn.

Ruh al gulab được sản xuất bằng cách chưng cất tinh dầu hoa hồng nhiều lần để tăng nồng độ của nó và chỉ dùng duy nhất một nguyên liệu là hoa hồng, không pha thêm bất kỳ thứ nào khác.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Theo cuốn tự truyện của Hoàng đế Jahangir (1569-1627), ông đã kể lại nguồn gốc ra đời của ruh al gulab là do sự tình cờ. Trong một lần mẹ vợ của Jahangir đang nấu nước hoa hồng thì thấy trên bề mặt của chiếc nồi đựng nước hoa hồng nóng có một lớp dầu nổi lên. Bà đã vớt lớp dầu này lên và phát hiện thứ tinh dầu thơm chưa từng thấy. Chỉ cần một giọt nhỏ bôi vào cổ tay cũng đủ tỏa hương mê hoặc, tưởng chừng như cả tấn hoa hồng đỏ nở rộ cùng lúc. Jahangir ngay lập tức đã bị quyến rũ bởi mùi hương này, ông nói “không có mùi hương nào tuyệt vời đến như vậy… Nó làm cho tinh thần phấn chấn và linh hồn trở nên tươi mới. Để thể hiện lòng biết ơn, ta đã ban tặng một sợi dây chuyền ngọc trai”.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Để sản xuất 1kg ruh al gulab, các nhà xưởng cần đến gấp đôi số lượng hoa hồng, vào khoảng 8 tấn. Tại Muna Lal and Sons giá buôn của 1kg ruh al gulab đã vào khoảng 18.000 USD.

Tại Ấn Độ, vẫn còn một lượng khách hàng giàu có vẫn thường xuyên mua attar và ruh al gulab nhưng khách hàng nội địa lớn nhất của thành phố Kannauj vẫn là ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá nhai. Tinh dầu hoa hồng nguyên chất là một sản phẩm tự nhiên và an toàn có thể ăn được, chính vì thế chỉ cần một giọt nhỏ tinh dầu cũng đã đủ để ướp hương thơm cho cả một mẻ thuốc lá lớn.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Bên ngoài Ấn Độ, một trong những thị trường tiêu thụ tinh dầu lớn nhất là Trung Đông với những khách hàng thượng lưu giàu có. Trong năm 2014, ước tính một người tiêu dùng Ả Rập có thể chi đến 700 USD (khoảng 16 triệu đồng) mỗi tháng chỉ để mua các loại attar.

Tinh dầu attar hay ruh al gulab được đánh giá rất cao bởi những người theo đạo Hồi, cả ở Ấn Độ lẫn Trung Đông bởi nó là thứ tinh chất thiên nhiên nguyên chất không hề pha tạp và không pha với cồn. Chính vì vậy các loại tinh dầu có thể bôi trực tiếp vào da mà không gây kích ứng, mùi hương thiên nhiên cũng lưu lại rất lâu trên cơ thể.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Attar càng lâu năm càng có giá trị cao ở khu vực vùng Vịnh. Vì thế trong lịch sử truyền thống, attar thường được dùng làm sính lễ tặng cho cô dâu bên cạnh nhang và vàng đựng trong một chiếc rương gỗ gọi là dezza.

Anh Dalal al Sane, 31 tuổi, đến từ thành phố Kuwait kể lại: “Khi cha tôi hỏi cưới mẹ tôi, ông ấy đã lặn lội đến Ấn Độ để tìm mua những lọ nước hoa có giá trị nhất đặt vào dezza tặng bà. Mẹ tôi vẫn giữ gìn những lọ nước hoa đó cho đến bây giờ, bà rất hy vọng sẽ có thể tặng chúng cho con mình trong ngày cưới”.

Không chỉ phụ nữ mà ngay cả đàn ông cũng dùng attar rất nhiều. Trên thực tế, mùi tinh dầu hoa hồng từng được xem là đại diện cho sự nam tính của đàn ông trong vùng Vịnh, những năm sau này, phụ nữ mới bắt đầu sử dụng nó.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

“Cha tôi có thói quen bôi tinh dầu hoa hồng lên bàn tay, đặc biệt là ở ngón trỏ và ngón cái, trước khi ông ấy đón tiếp khách khứa. Khi họ bắt tay nhau, mùi hương thơm ngát, dễ chịu của attar sẽ từ tay cha tôi lưu lại trên bàn tay của người đối diện”, Dalal al Sane cho biết.

Có khoảng 20 triệu người tại Kannauj sống trực tiếp hoặc gián tiếp nhờ ngành công nghiệp tinh dầu. Mặc dù vẫn có một lượng khách nhất định, nhưng những người làm nghề chưng tinh dầu nước hoa truyền thống vẫn lo lắng ngành nghề của mình sẽ mai một dần và biến mất. Kế sinh nhai của những người dân tại đây đang bị đe dọa bởi sự xuất hiện của nước hoa công nghiệp bằng hóa chất và các loại hương liệu thay thế khác, khiến cho nước hoa truyền thống dần không còn được ưa chuộng nữa. Được biết khoảng 20 năm trước, có đến 700 xưởng chưng cất tinh dầu tại Kannauj nhưng hiện nay, con số đó chỉ còn không đến 100.

Liệu Kannauj sẽ còn có thể sản xuất và cung cấp attar, ruh al gulab trong bao lâu nữa? Không ai dám chắc điều đó.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

Pushpraj Jain, ông chủ của xưởng chưng cất tinh dầu Pragmati Aroma buồn bã: “Nhiều thế hệ trong gia đình tôi đã làm nghề chiết xuất tinh dầu. Cái nghề như đã ngấm vào máu của chúng tôi. Nhưng mọi người thì đang dần quên lãng giá trị của chúng…”

(Ảnh: BBC)
(Ảnh: BBC)

Ông cho biết: “Thế hệ ngày này chỉ thích các loại nước hoa hiện đại, vì vậy tôi phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường”. Bên cạnh xưởng truyền thống, ông Pushpraj Jain phải mở rộng thêm những nhà máy nước hoa kiểu mới theo thị hiếu người tiêu dùng.

Ousman, nghệ nhân sản xuất tinh dầu ở Muna Lal and Sons thì vẫn tin tưởng rằng, không máy móc nào có thể thay thế những bàn tay lành nghề và phương pháp chưng cất truyền thống để có thể cho ra đời những giọt tinh chất thơm vượt trội.

Ảnh: BBC
Ảnh: BBC

“Sự khác biệt giữa nước hoa tự nhiên với các loại hương hóa chất tổng hợp cũng giống như thức ăn nấu bằng lò vi sóng không thể so được với thức ăn được nấu bằng lò củi”.

Tuy vậy, vì lo sợ cho tương lai của ngành nghề sẽ chết dần theo các nhu cầu hiện đại. Ousman cũng khuyến khích con cái của mình hãy theo đuổi một công việc khác, một cái nghề đỡ cực khổ và kiếm được nhiều thu nhập hơn nghề mà ông đang làm để có được một cuộc sống thoải mái hơn.

Theo thoidai

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm