Kinh tế Úc xếp hạng rủi ro nhất thế giới với khoản dư nợ hộ gia đình lên tới 700 tỷ đô-la

Thursday, 08/11/2018, 19:09 PM

Các hộ gia đình Úc đang phải đối mặt với một khoản dư nợ lên tới 700 tỷ đô-la, đây là hệ quả của các khoản nợ lớn hình thành trong suốt thời kỳ bong bóng bất động sản.

Kết quả cuộc khảo sát các nền kinh tế toàn cầu do Ngân hàng đầu tư khổng lồ của Mỹ Morgan Stanley thực hiện cho thấy Úc là nền kinh tế bị ảnh hưởng mạnh nhất từ ​việc cắt giảm nợ của hộ gia đình.

Các hộ gia đình Úc đang phải đối mặt với một khoản dư nợ lên tới 700 tỷ đô / Nguồn: ABC News

Ngân hàng Morgan Stanley kết luận nền kinh tế Úc đang đứng trước nhiều nguy cơ biến động do tỷ suất vốn vay trên vốn chủ sở hữu trong và ngoài khu vực hộ gia đình cao, điều kiện nhà ở kém chất lượng và những điều chỉnh chính sách thuế cũng như chính sách vĩ mô trong tương lai. Thực trạng còn trở nên khó khăn hơn khi các khoản nợ đến hạn tất toán đúng vào thời điểm giá bất động sản giảm và tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình chỉ đạt 1% thu nhập khả dụng. Với mức dự báo giá nhà đất giảm 10 đến 15%, kết hợp với tỷ lệ nợ trên tài sản là 20% sẽ đẩy tình trạng thực tế trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu quy ra giá trị đất đai hay bất động sản mà các hộ gia đình sở hữu thì khoản dư nợ này tương đương với 700 tỷ đô la tài sản bị mất đi.

Bản báo cáo dày 68 trang của Ngân hàng Morgan Stanley đánh giá các khoản nợ của hộ gia đình trên cơ sở kết hợp 3 thước đo: nợ trên thu nhập, nợ trên tài sản và hệ số khả năng trả nợ để xây dựng được chỉ sổ toàn diện đo lường rủi ro cho các nền kinh tế. Và điều đáng báo động là Úc nằm ở top nguy cơ trong cả 3 thước đo trên.

                       Nguồn: BIS, Haver, Morgan Stanley

Nợ hộ gia đình trên toàn cầu đã đạt “điểm tới hạn”

Báo cáo của Morgan Stanley cho rằng nền kinh tế toàn cầu đã đạt đến “điểm tới hạn” trong chu kỳ nợ hộ gia đình khi mà tỷ lệ trung bình các khoản nợ của hộ gia đình trên GDP đã tăng từ 54% lên 87% trong thập kỷ qua. Đây là hệ quả của giai đoạn phát triển bùng nổ của thị trường bất động sản mà cùng với đó là lãi suất được duy trì mở mức thấp tại hầu hết các nền kinh tế phát triển.

Việc vay nợ kích thích tăng trưởng kinh tế trong hiện tại nhưng phải đánh đổi bằng sự suy giảm tốc độ tăng trưởng trong tương lai. Các ngân hàng trung ương và các nhà quản lý tài chính vì vậy đang tập trung vào mục tiêu ổn định tài chính bằng cách sử dụng công cụ vĩ mô để kiểm soát những hoạt động cho vay có rủi ro cao. Tại Úc, sự điều tiết này dẫn đến hệ quả là các quy định ngặt nghèo hơn đối với các khoản vay chỉ trả lãi và những giới hạn vay nợ trên thu nhập khắt khe hơn.

Các hộ gia đình Úc là những người mắc nợ nhiều thứ hai trên thế giới
                                                    Nguồn: BIS

Ngân hàng Morgan Stanley cho biết mặc dù nền kinh tế Úc vẫn đạt mức tăng trưởng GDP trên 3% và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5%, nhưng khó có khả năng duy trì những con số tích cực này. Nguy cơ đang hiển hiện khi mà người tiêu dùng giảm tiết kiệm để chi tiêu khiến tỷ lệ tiết kiệm giảm chỉ còn 1%, tín dụng bị thắt chặt và tỷ lệ xây dựng quá cao đưa tới một viễn cảnh không tốt đẹp.

 

Phóng viên Thu Hà

Báo Doanh nhân Việt Úc

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm