Làm ngoại giao cũng là… thử thách bản lĩnh!

Friday, 28/08/2020, 11:48 AM

Cảm giác “bị khớp” trước phóng viên nước ngoài, “sức ép” khi làm Người phát ngôn, niềm vui bất ngờ khi được gọi là Đại sứ “vải thiều”… là những trải nghiệm khó quên của nhà ngoại giao Lương Thanh Nghị khi ông nhìn lại một chặng đường khá dài đã đi qua với hơn 30 năm trải qua nhiều vị trí công tác trong ngành.

Ông Lương Thanh Nghị khi là người phát ngôn Bộ ngoại giao (Nguồn: http://baoquangninh.com.vn/)

Tốt nghiệp Đại học Ngoại giao vào năm 1988 và được phân công về Trung tâm Báo chí Nước ngoài, ông Lương Thanh Nghị coi đây là niềm vinh dự rất lớn khi được làm việc tại một đơn vị của Bộ ngay sau khi ra trường. Đặc biệt, với thế hệ những người làm ngoại giao đầu những năm đổi mới, lĩnh vực báo chí truyền thông đầy hấp dẫn lại là một môi trường rất phù hợp để ông có thể rèn luyện bản lĩnh và trưởng thành hơn với nghề…

 

Bài học “vỡ lòng” khi vào nghề

 

Là một nhà ngoại giao trẻ vừa mới chập chững bước vào nghề với kinh nghiệm lĩnh vực báo chí từ số 0, ông Lương Thanh Nghị không quên những cảm giác “bị khớp” khi ban đầu được tiếp đón những tên tuổi nhà báo lớn trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình tiếp xúc, nói chuyện và đồng hành với họ trên các nẻo đường là lúc ông nhận ra việc phải thường xuyên trau dồi kiến thức về quê hương đất nước, ở mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội rất quan trọng.

 

Trong ký ức của ông, đó là một giai đoạn làm nghề rất sôi động khi được đi đến tới 63 tỉnh, thành phố khắp cả nước. Những tháng năm ấy còn là những chặng đường khá mạo hiểm khi trực tiếp dẫn các phóng viên, cựu chiến binh nước ngoài tới thăm chiến trường cũ như sân bay Ái Tử, sân bay Tà Cơn ở Quảng Trị… Có thể nói, những kiến thức tự học hỏi và trải nghiệm qua môi trường thực tế ấy đã trở thành nền tảng trợ giúp đắc lực cho ông trong suốt chặng đường hoạt động ngoại giao sau này. Hơn nữa, làm việc với các phóng viên cũng giúp tư duy làm việc ông thay đổi theo cách linh hoạt và uyển chuyển hơn nhiều.

 

Không chỉ vậy, khoảng thời gian 17-18 năm gắn bó với Trung tâm Báo chí Nước ngoài, ông Lương Thanh Nghị may mắn được chứng kiến những thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước từ khi bắt đầu thực hiện đến nhận được những thành tựu ban đầu của công cuộc đổi mới. Đặc biệt, vào những năm 90, những phóng viên quốc tế tại Việt Nam đã góp phần tích cực trong việc tạo dự luận ủng hộ bỏ bao vây cấm vận Việt Nam, tìm giải pháp khắc phục hậu quả chiến tranh… Chính các tác phẩm phong phú của họ đã giúp thế giới nhìn Việt Nam với một hình ảnh hoàn toàn khác, như cố Thứ trưởng Lê Mai đã nói ““Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh”.

 

“Đây là giai đoạn mà tôi nhận thấy vai trò thông tin và giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới rất quan trọng. Chúng tôi thường tự hào nói với nhau những người làm công tác thông tin báo chí đối ngoại chính là những chiến binh thầm lặng góp công sức giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam”, ông chia sẻ.

 

Khi cần giữ “trái tim nóng và cái đầu lạnh”

 

Ông Lương Thanh Nghị được giao làm Người phát ngôn Bộ Ngoại giao vào những năm 2011 – 2014 khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, đặc biệt nổi lên vấn đề về chủ quyền biên giới lãnh thổ. Với ông, đây là thử thách mới với nhiều sức ép. Tuy nhiên, quá trình làm công tác báo chí trong nhiều năm đã góp phần tôi luyện cho ông bản lĩnh chính trị vững vàng, đứng trước vấn đề phức tạp luôn tỉnh táo và bình tĩnh để tìm cách giải quyết.

 

Ông kể rằng, khi làm người phát ngôn, phải mặt đối mặt với hàng loạt ống kính máy ảnh, ghi âm và những câu hỏi hóc búa của phóng viên, đôi khi ông cũng có cảm giác hơi bị “ngợp” và lo bị “trật”. Tuy nhiên, trước khi ra một cuộc họp báo, ông luôn phải dự liệu trước các tình huống và vấn đề dư luận quan tâm và các phóng viên hay hỏi. Đặc biệt, khi phát ngôn về vấn đề liên quan đến chủ quyền, ông luôn nhớ đến câu nói ‘trái tim nóng và cái đầu lạnh”.

 

“Người phát ngôn bắt buộc phải theo dõi dự luận rất sát sao, khi tỉnh dậy đã phải lướt mạng để xem báo chí quốc tế và trong nước đang phản ánh điều gì. Các phóng viên luôn muốn đi đến tận cùng sự thật, nhiều khi họ lại cài bẫy khéo bằng cách hỏi cái này nhưng hướng đến cái khác… Tuy nhiên, áp lực ấy giúp rèn luyện bản lĩnh của người làm ngoại giao. Tôi thấy mừng vì ngay từ năm 1987, Bộ ta là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện cơ chế Người phát ngôn và năm 2012 tiếp tục có cơ chế Phó phát ngôn. Điều này phục vụ rất tốt cho công tác thông tin đối ngoại và đấu tranh dư luận”, ông Lương Thanh Nghị chia sẻ.

 

Cũng có lúc mất ngủ vì… trái cây

 

Khi kể về những ấn tượng với nghề, nhà ngoại giao Lương Thanh Nghị cũng không thế quên những tháng ngày đi sứ. Ông cho rằng nhiều người có thể nghĩ làm Đại sứ là được xúng xính trong những bộ comple sang trọng cùng những buổi tiệc với quan chức sở tại để bàn về những câu chuyện vĩ mô. Thế nhưng, điều ông quan tâm nhất khi được giao nhiệm vụ Đại sứ tại Australia từ năm 2014- 2017 lại chỉ là những vấn đề rất cụ thế như là câu chuyện xuất khẩu trái cây Việt.

 

Đại sứ Lương Thanh Nghị đã rất trăn trở khi mới sang nhận nhiệm vụ là thời điểm đó Việt Nam chưa xuất khẩu được một loại trái cây nào sang Australia. Với những yêu cầu về kiểm dịch khắt khe, tiêu chuẩn nông sản chất lượng cao như Australia, thì việc lần đầu tiên trái vải thiều được xuất sang đây đã thực sự làm nức lòng người nông dân Việt.

 

Ông vẫn còn nhớ, vào tháng 5/2015, các cán bộ Đại sứ quán và thương vụ đã có những đêm không ngủ, hồi hộp chờ đợi chuyến vài thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tiên cập bến Autralia.Và rồi, những trái vải thiều đã được bán tại các siêu thị ở Sydney, Melbourne với giá rất tốt từ 19-20AUD/kg. Khi lượng tiêu thụ còn chậm, Đại sứ quán cùng với thương vụ đã lên một kế hoạch truyền thông để quảng bá ở nước sở tại. Bản thân Đại sứ Lương Thanh Nghị khi ấy đã đăng một status trên facebook kêu gọi cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế nếm thử trái cây đặc sản này.

 

Kinh nghiệm thành công với vải thiều đã trở thành cú hích cho sự hiện diện của nông sản Việt tại Australia. Có lẽ, cũng từ thành công này mà trên các phương tiện truyền thông báo chí trong nước, những người trồng vải ở Lục Ngạn đã gọi ông Lương Thanh Nghị là “Đại sứ vải thiều” khiến ông vô cùng bất ngờ. Thực tế, từ vải thiều, Việt Nam tiếp tục đàm phán thành công và mở đường cho trái xoài (năm 2016) và trái thanh long (năm 2017) tiến vào thị trường Australia trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ.

 

Trải nghiệm hóa cơ duyên

Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị cùng kiều bào thăm trường sa (Nguồn: http://quehuongonline.vn/)

 

 

Nhìn lại cả hoạt động ngoại giao phong phú từ khi bước vào ngành cho đến công việc hiện tại là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhà ngoại giao Lương Thanh Nghị cũng luôn tin vào cơ duyên. Theo ông, mọi thứ không ngẫu nhiên đến mà tất cả công việc ông may mắn được trải nghiệm đều đang hỗ trợ tích cực cho nhau.

 

Thực tế, ngay từ khi làm Phó Tổng Lãnh sự quán tại Osaka (Nhật Bản) từ năm 2003-2006, ông Lương Thanh Nghị đã có sự quan tâm đặc biệt đến cộng tác cộng đồng và giúp thành lập các tổ chức hội dành cho thanh niên sinh viên tại đây. Khi làm Đại sứ tại Australia, trong bất cứ sự kiện nào, ông cũng ưu tiên các chương trình gặp gỡ riêng với cộng đồng, đặc biệt là đối tượng thanh niên kiều bảo trẻ.

 

Một trong những điều khiến ông tự hào nhất trong những ngày đi sứ là đi tới đâu và gặp gỡ từ chính khách đến người dân đều đánh giá cao người Việt cần cù, thông minh, ngày càng đóng góp tích cực cho nước sở tại. Cái cảm giác khi bước chân đến một thị trấn trên vùng cao nguyên đất đỏ xa xôi ở Australia và bắt gặp ngay một cửa hàng bánh mì của người Việt dù rất nhỏ nhưng khách phải xếp hàng mua, mỗi khi nhớ lại ông đều thấy rưng rưng xúc động.

 

“Làm ngoại giao cũng là quá trình thử thách và rèn luyện bản lĩnh. Ở bất cứ công việc nào tôi cũng luôn nguyện phải làm việc hết mình, bằng sự tâm huyết, gặp khó khăn hay chông gai phải tìm cách gỡ. Thế nhưng, mục đích tối thượng vẫn là vì lợi ích quốc gia và dân tộc”, nhà ngoại giao Lương Thanh Nghị tâm sự.

 

TRỌNG VŨ

Theo Báo Thế giới & Việt Nam

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm