Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia, xuất khẩu chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản và lâm sản của nước này. Trong đó, lúa mì và thịt bò là hai lĩnh vực sản xuất lớn, được xuất khẩu nhiều hơn so với những ngành khác. Nhờ nông nghiệp phát triển và giữ vai trò đặc biệt quan trọng nên thu nhập của nông dân Australia rất đáng ngưỡng mộ, thậm chí còn cao hơn so với GDP bình quân đầu người của nước này.

Để có được thành quả đó, cách đây hàng chục năm, Australia đã thực hiện chương trình xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến, hướng đến xuất khẩu, đủ sức cạnh tranh quốc tế. Hàng loạt trung tâm nghiên cứu được thành lập trên khắp cả nước nhằm chọn lọc giống và công nghệ, ứng dụng thực tế, từ đó chuyển giao kiến thức, công nghệ cho nông dân, giúp họ làm giàu bằng nông nghiệp. Mỗi trung tâm nghiên cứu này có nhiệm vụ đưa ra các giải pháp phát triển, hướng sản xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp phù hợp, dựa trên đặc điểm của từng địa phương. Theo Cơ quan Nghiên cứu khoa học Australia (CSIRO), mỗi năm nước này chi gần 1 tỷ USD cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp.

Làm nông nghiệp kiểu Australia
 Nông dân Australia thu hoạch cam. Ảnh: Bloomberg

Đáng chú ý, Australia đã áp dụng các quy trình sản xuất tốt nhất trên thế giới vào ngành nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất rau quả tươi sạch, thịt sạch, ngũ cốc sạch. Từng công đoạn sản xuất đều được quản lý chặt chẽ, bảo đảm các sản phẩm này đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh cũng như những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhờ vậy mà đến nay, nhiều sản phẩm xuất phát từ các cánh đồng, trang trại của Australia đã xây dựng được thương hiệu cạnh tranh khá vững chắc trên thị trường toàn cầu.

Đặc biệt, những thành quả mà nền nông nghiệp Australia đạt được có sự góp sức rất lớn từ công nghệ hiện đại. Trên nhiều cánh đồng, trang trại của Australia hiện nay, những chiếc máy cày, máy cắt không người lái rất phổ biến. Người nông dân ngồi tại nhà cũng có thể biết rõ nên làm đất ở đâu, thời gian thu hoạch thế nào hay đánh giá sản lượng một cách chính xác nhờ hệ thống vệ tinh.

Tuy nhiên, Australia cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn lao động nông nghiệp khá trầm trọng do dân cư thưa thớt, trong khi một số công việc của nghề nông vẫn đòi hỏi lao động chân tay, chẳng hạn như thu hoạch trái cây, lái xe vận chuyển nông sản… Để giải quyết vấn đề này, Australia tung ra chương trình thị thực nông nghiệp nhằm thu hút lao động từ nước ngoài. Chương trình hướng đến các quốc gia có thỏa thuận song phương lâu dài với Australia, chủ yếu là các nước ở châu Á.

Bên cạnh đó, nông nghiệp Australia cũng đang tìm những hướng tập trung mới. Gần đây, CSIRO quyết định bỏ ra 105 triệu USD cho một chương trình nghiên cứu nhằm giúp ngành nông nghiệp Australia tạo thêm 15 tỷ USD vào năm 2030 thông qua tăng cường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, giảm thiểu hạn hán và sản xuất thực phẩm mới. Điểm mới của chương trình này là tập trung nghiên cứu về tương lai của protein từ chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt. Ông Michael Robertson, Phó giám đốc Nông nghiệp và Thực phẩm của CSIRO cho rằng, với tốc độ gia tăng dân số thế giới và tầng lớp trung lưu đang phát triển, nhất là ở châu Á như hiện nay, nhu cầu tiêu thụ protein của con người cũng tăng cao. Do đó, lĩnh vực này có thể tạo thêm giá trị hàng tỷ USD cho nền nông nghiệp Australia trong những năm tới.

Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia cũng dự đoán nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp tại thị trường châu Á sẽ tiếp tục tăng và các nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chất lượng cao của Australia đang đứng trước cơ hội lớn để tiếp tục bứt phá.

Theo Báo Quân đội nhân dân