LÀM SAO ĐỂ KIỀU HỐI ĐẦU TƯ VỀ VIỆT NAM MANG TÍNH BỀN VỮNG VÀ LAN TỎA HƠN

Monday, 20/12/2021, 13:45 PM

 LT: Năm 2021 chuẩn bị khép lại, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo lượng kiều hối về Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và xếp thứ 8 thế giới, tăng 5% so với năm 2020 lên 18,06 tỷ USD (chiếm 4,9% GDP). Làm thế nào để đảm bảo cho kiều hối đầu tư về Việt nam bền vững và có sức lan tỏa hơn là một bài toán đặt ra cho đất nước những năm tới.

 

  1. Kiều hối – nguồn đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế đất nước

Kiều hối có vai trò không nhỏ đối với nền kinh tế, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, cũng như nền kinh tế của nước sở tại, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Kiều hối thông thường từ kiều bào hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình. Theo đó, đối với cá nhân, hộ gia đình đây là nguồn thu nhập giúp trang trải và nâng cao mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển và nó được thể hiện ở nhiều tiêu chí, ví dụ như: tăng thu nhập, tăng chi tiêu cho giáo dục, y tế, thực phẩm.

Kiều hối tác động tích cực đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Kiều hối cũng có thể trở thành nguồn tiền đầu tư dưới hình thức tiền gửi ngân hàng, ngân hàng lại sử dụng vốn huy động cho vay các dự án xây dựng nhà ở. Hoặc hộ gia đình có thể trực tiếp mua cổ phiếu của các công ty xây dựng nhà ở, làm tăng cung quỹ cho vay, tăng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nhà ở. Nguồn vốn đầu tư tăng thêm có tác dụng giảm lãi suất cho vay với các dựa án xây dựng nhà ở, chi phí mua hoặc thuê nhà trở nên rẻ hơn, tăng số lượng nhà ở được cung cấp trên thị trường…

Ở nước ta, kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội. Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích kiều bào, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về trong nước, qua hai kênh, chính thức và phi chính thức. Lượng kiều hối chuyển qua kênh phi chính thức gần bằng kiều hối chuyển qua kênh chính thức. Có hai nguồn chủ lực của kiều hối về Việt Nam, đó là kiều bào ở nước ngoài và những người đi xuất khẩu lao động.

Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Úc, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

Theo số liệu công bố từ Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2021 lượng kiều hối chuyển về Việt Nam được ghi nhận ở con số cao “kỷ lục”, khoảng gần 18.1 tỷ USD. Có thể thấy đây là một tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính cho Việt Nam để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Không chỉ riêng Việt Nam, theo Ngân hàng thế giới, thống kê lượng kiều hối đến các nước có thu nhập thấp và trung bình ghi nhận vào năm 2021 tăng khoảng 9%, đạt mức 589 tỷ USD, cao hơn 49 tỷ USD nếu so với năm 2020 (540 tỷ USD). Kết quả tăng trưởng này cao hơn so với các ước tính trước đó của các chuyên gia kinh tế trong bối cảnh tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Trong vòng hai năm liên tiếp, dòng kiều hối đổ về các nước có thu nhập thấp và trung bình (trừ Trung Quốc) đã vượt qua tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hỗ trợ phát triển nước ngoài (ODA). Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của kiều hối như là một “cứu cánh quan trọng” cho các quốc gia để bổ sung vào nguồn ngân sách hạn chế trong nước, góp phần vào duy trì nền kinh tế và hệ thống bảo trợ xã hội.

Tại Việt Nam, nếu so với nguồn thu từ xuất khẩu thì kiều hối là khá nhỏ; tuy nhiên, nếu so với xuất khẩu ròng thì nguồn thu kiều hối lại lớn hơn rất nhiều lần, thậm chí nguồn thu kiều hối hiện đã tương đương và gần đây cao hơn so với nguồn vốn giải ngân FDI. Trong giai đoạn hơn 10 năm (2011 -2021), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 7%/năm. Có thể thấy, kết quả đóng góp vào nền kinh tế những năm qua, phản ánh được vai trò rất quan trọng của kiều hối cho nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, kiều hối chuyển về Việt Nam qua hai kênh chủ yếu là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối. Thời gian gần đây, việc mở rộng dịch vụ chuyển tiền 24/7 tại một số quốc gia cũng góp phần vào tăng trưởng kiều hối chi trả qua hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, chi phí cao hơn so với các dịch vụ chuyển tiền khác cũng tạo rào cản để dòng kiều hối về nước kém minh bạch và đầy đủ hơn. Theo Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD), hiện nay chi phí gửi đô la qua biên giới quốc tế tiếp tục duy trì ở mức quá cao, trung bình là 6,4% số tiền được chuyển – con số này cao hơn gấp đôi so với mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 đưa ra là 3%. Đặc biệt, dữ liệu ghi nhận chi phí có xu hướng cao hơn khi gửi tiền qua ngân hàng nếu so với các kênh chuyển tiền kỹ thuật số hoặc dịch vụ chuyển tiền mặt.

Ông Peter Hồng, Ủy viên TWMTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội

Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

Hiện nay, lượng người Việt sang lao động và học tập có số lượng tương đối đông đã tạo nhu cầu khá lớn cho hoạt động gửi tiền về Việt Nam với các mục đích khác nhau, như: Trả nợ vay ngân hàng; hỗ trợ cuộc sống người thân, đầu tư bất động sản, các hoạt động kinh doanh…Bên cạnh đó, khảo sát trong cộng đồng kiều bào của đại diện các Hiệp hội danh nhân người Việt Nam tại các nước, “Thế hệ thứ 2” người Việt Nam ở nước ngoài đang có nhu cầu rất lớn được trở về Việt Nam đầu tư, đặc biệt là nhu cầu trợ giúp pháp lý xin giấy phép đầu tư, chuyển nguồn tiền, giao thương… Với khoảng 5,3 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, số liệu thống kê ghi nhận kiều hối chuyển về nhiều nhất là ở khu vực Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), Châu Á, Châu Úc và Châu Âu. Thị trường Mỹ – nơi có nhiều người Việt sinh sống và làm việc – chiếm tới 50% tổng lượng kiều hối về Việt Nam, góp phần lớn trong việc giữ Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia nhận tiền kiều hối lớn nhất thế giới những năm qua. Tuy nhiên, tại khu vực Châu Âu và Châu Úc vẫn còn hạn chế nhất định trong triển khai các chính sách của các quốc gia về hoạt động kiều hối nên dòng tiền kiều hối từ khu vực này về Việt Nam mặc dù có tiềm năng lớn nhưng chưa có sự tăng trưởng vượt bậc trong các năm vừa qua. Ngoài ra, hiện nay, dịch vụ chi trả kiều hối tại các tỉnh nhỏ và vùng nông thôn vẫn còn hạn chế làm giảm tổng lượng kiều hối chuyển về nước.

Vấn đề đang phổ biến hiện nay tại Việt Nam là lượng kiều hối chuyển vào lĩnh vực đầu tư bất động sản; gần đây tăng mạnh ở thị trường chứng khoán. Thống kê riêng tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2018, có đến 22% lượng kiều hồi đổ vào lĩnh vực buôn bán bất động sản; tỷ lệ này tiếp tục tăng cao ở các năm tiếp theo. Ghi nhận riêng trong 04 tháng đầu năm 2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, kiều hối tăng mạnh đạt 2 tỷ USD, tăng 7% so với cuối năm 2020 và tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái; tính đến gần cuối năm 2021 ước đạt gần 6,5 – 6,6 tỉ USD. Thống kê hàng năm cho thấy có ít nhất 25% lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản; ngoài giao dịch trực tiếp, đa phần kiều bào nhờ người thân mua nhà đất hoặc đầu tư tại các dự án bất động sản với hình thức đầu tư chủ yếu là “lướt sóng”. Có thể thấy, vẫn còn những “lo ngại” của kiều bào về sự an toàn khi đầu tư trong nước đã làm chuyển hướng đầu tư sang kênh an toàn cao hơn – bất động sản, chứng khoán trở thành kênh giữ tài sản lý tưởng hoặc dễ “rút” nếu có biến động bất thường về kinh tế. Thời gian tới, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và kiều hối nói riêng ở quy mô toàn cầu là việc số ca Covid-19 tăng trở lại với biến chủng mới và các biện pháp hạn chế đi lại có khả năng được tái lập ở các nước. Bên cạnh đó, khi kinh tế phục hồi đủ, việc chấm dứt gói kích thích và ngừng hỗ trợ lao động tại các nước cũng có thể làm giảm lượng kiều hối. Với tình hình trong nước hiện nay, tâm lý người tiêu dùng vẫn đang phòng thủ nhiều hơn, hoạt động chi tiêu “dè dặt” kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn mang tính chất thăm dò. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến dòng vốn kiều hối chưa chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các ngành mang có giá trị gia tăng cao.

Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền, đổi mới và đa dạng hóa các phương thức vận động, hình thức tập hợp, kết nối người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước mặc dù được đẩy mạnh, có những chuyển biến rõ nét nhưng chưa được như kỳ vọng do thiếu nguồn lực; còn tình trạng nhiều kiều bào còn chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của nhà nước về thu hút đầu tư.

  1. Một số giải pháp để phát huy vai trò nguồn kiều hối, trở thành “lực đẩy” quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước

Dự báo năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn với tỷ lệ GDP tăng từ 6,5 – 6,8%. Trong bối cảnh này, dự báo dòng tiền kiều hối sẽ chuyển dịch về nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, làm sao để kiều hối phát huy được vai trò quan trọng, tao ra được nhiều giá trị gia tăng thông qua hoạt động động đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng nguồn thu ngân sách quốc gia mà không phải là các kênh đầu tư ngắn hạn hay “lướt sóng” bất động sản và chứng khoán. Đây chính là bài toán lớn đòi hỏi có những định hướng giải pháp phù hợp để nguồn kiều hối tiếp tục phát huy vai trò, trở thành “lực đẩy” quan trọng trong đóng góp kinh tế Việt Nam.

Trước hết, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; cần xây dựng khuôn khổ pháp lý khoa học, rộng mở, hiệu quả nhằm bảo hộ phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức kiều bào về nước làm việc, thu hút nguồn kiều hối từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài đầu tư kinh doanh ổn định, lâu dài theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, phục vụ hiệu quả cho quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Hai là, Chính phủ cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho kiều bào. Cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực, đặc biệt là hạn chế thay đổi đột ngột các quy định trong hoạt động đầu tư, nới lỏng các quy định, điều khoản đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cả cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp;…nhất là khâu thực thi ở các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào đầu tư về nước. Bên cạnh đó, cần xóa bỏ những rào cản “vô hình” đối với các lĩnh vực đầu tư mới như năng lượng, y tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn có những diễn biến phức tạp, về vĩ mô trong điều hành kinh tế và kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ nên có những biện pháp chống dịch song song với phát triển kinh tế với các giải pháp thích ứng phù hợp, mang tính chủ động với cách nhìn thận trọng, cần xác định không nên hoảng sợ, bi quan cũng không nên quá lạc quan. Quá trình điều hành tránh những giải pháp cực đoan tạo tâm lý “không an toàn” cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có kiều bào để từ đó tạo sự yên tâm để thu hút lượng kiều hối đầu tư vào các lĩnh vực mang tính bền vững, có tính lan tỏa cao.

Ba là, phát huy hiệu quả vai trò các bộ, ban, ngành trung ương trong “nắn dòng” kiều hối đầu tư về Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu, xác định những lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên cần xây dựng danh mục các công việc người Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp cho đất nước và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, để kiều bào biết và đóng góp đồng thời mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực mới, đem lại giá trị gia tăng cao cho xã hội.

Bốn là, các tổ chức tài chính Việt Nam tăng cường các hoạt động thỏa thuận ký kết về dịch vụ tài chính, đa dạng hình thức chuyển tiền tại các thị trường tiềm năng lớn, trong đó có Châu Âu, Châu Úc để “kéo” nguồn kiều hối tiếp tục về đầu tư trong nước. Kết hợp việc mở rộng kênh dịch vụ đồng đều khắp cả nước tạo điều kiện để kiều bào, người lao động thuận lợi chuyển kiều hối về Việt Nam.

Năm là, phát huy vai trò là cầu nối của Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước để phổ biến đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là các chính sách về thu hút đầu tư cho kiều bào; những tiềm năng, lợi ích kinh tế trong hoạt động đầu tư trong nước để kiều bào tiếp tục mạnh dạn về hợp tác, đầu tư, nghiên cứu trong nước. Trên cơ sở mạng lưới trí thức kiều bào trên thế giới, thúc đẩy xây dựng hình thành các hiệp hội chuyên ngành, mở rộng hợp tác trong cộng đồng kiều bào các tổ chức, hiệp hội kinh doanh và khoa học trong nước theo tinh thần “ích nước lợi nhà”. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng các câu lạc bộ trí thức, doanh nhân kiều bào để huy động trí tuệ tập thể vào tham mưu cho Chính phủ Việt Nam xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi và thu hút những chuyên gia, trí thức Việt kiều có trình độ chuyên môn cao về hợp tác, kinh doanh, nghiên cứu cống hiến cho đất nước. Mỗi kiều bào nên xác định là đầu mối để phối hợp các bộ, ngành, đơn vị trong nước để tiếp cận trong thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn nước ngoài lớn và xây dựng những mạng lưới, kết nối về xuất nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Thành lập “Quỹ đầu tư kiều bào”, để hỗ trợ các nhà đầu tư người Việt tại nước ngoài quay về lập nghiệp, kinh doanh.

Sáu là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức công tác thông tin, tuyên truyền đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, bảo đảm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách đối ngoại, chính sách thu hút đầu tư được người Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận nhanh nhất, kịp thời và chính xác nhất. Từ đó để họ hiểu và an tâm khi về nước đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, để phát huy hiệu quả nguồn kiều hối trong phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức kinh tế – tài chính, các hiệp hội doanh nghiệp, địa phương cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp. Có như vậy mới kỳ vọng nguồn kiều hối được đưa về Việt Nam đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất trong bối cảnh quốc gia đang cần nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước trong những năm tới./.

(Ông Peter Hồng, Ủy viên TWMTTQ Việt Nam,

Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội

Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài)

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm