Người lao động tại Úc chia sẻ về thực tế môi trường làm việc tại Úc và những kỳ vọng một khi luật ‘ngắt kết nối’ đi vào hiệu lực.
Bạn Tiến Đạt, một cựu du học sinh Việt Nam tại Úc, chia sẻ rằng khi mới sang đất nước này du học cách đây 8 năm, bạn đã vô cùng bất ngờ với việc các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Úc phần lớn đóng cửa lúc 6 giờ chiều, hoặc muộn hơn là 7 giờ rưỡi tối, thứ Bảy, Chủ Nhật nghỉ.
Từng có thời gian du lịch Nhật với Hàn Quốc, bạn Đạt thấy giờ giấc và phong cách làm việc của người Úc khác biệt hoàn toàn với Nhật và Hàn Quốc, nơi các siêu thị mở cửa đến 11 giờ đêm và những cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/7.
Ban đầu mới sang chưa quen với lịch làm việc của các siêu thị ở Úc, nhưng qua thời gian khi đã thích nghi bạn Đạt rất thích việc quy định giờ làm chặt chẽ như vậy, vì theo bạn điều này giúp cho người dân có điều kiện cân bằng tốt hơn giữa cuộc sống cá nhân và công việc.
Hết giờ làm, người lao động được “ngắt kết nối” với công việc
Từ ngày 22-8, người lao động tại Úc sẽ được bảo vệ nhiều hơn nữa, khi luật “ngắt kết nối” chính thức có hiệu lực.
Theo luật “ngắt kết nối”, hàng triệu người lao động Úc có quyền từ chối liên lạc ngoài giờ làm việc – bao gồm cả cuộc gọi và email – trừ khi việc từ chối đó là không hợp lý, đồng nghĩa người lao động được pháp luật bảo vệ khi không muốn liên lạc ngoài giờ làm việc.
Báo Pháp Luật TP.HCM có trao đổi với một số lao động người Việt tại Úc về luật “ngắt kết nối” mới ở Úc. Theo bà Linh Lê, quản lý giáo dục cấp cao tại trường AMES của chính phủ Úc tại thành phố Melbourne – bang Victoria – Úc, nhân viên thường có xu thế là bất kỳ cái gì cấp trên liên lạc chỉ đạo thì đều coi rằng đó là việc cần làm ngay bất kể giờ giấc. Luật “ngắt kết nối” giúp lập ra một ranh giới rõ ràng để nhân viên không bị áp lực từ các thông tin từ cấp trên, không cảm thấy có lỗi nếu không thực hiện theo yêu cầu của cấp trên ngoài giờ.
Về phía người quản lý, với luật “ngắt kết nối”, họ cũng ý thức cẩn thận hơn khi liên lạc ngoài giờ với nhân viên. Chẳng hạn khi gửi email cho nhân viên thì trong email cần thông báo việc đó có cần làm ngay hay không, cần làm trước thời điểm nào, hoặc sẽ kèm thông báo “việc này không cần gấp” và nhân viên trả lời lúc nào là việc của họ, hoặc quản lý có thể gửi ngoài giờ nhưng đặt lịch là đến 8 giờ sáng của ngày làm việc gần nhất email mới đến nhân viên, theo bà Linh.
Luật “ngắt kết nối” sẽ trả lại “một phần cuộc sống” cho người lao động, vốn đang bị ràng buộc vì “xiềng xích kỹ thuật số”.
Làm ngoài giờ phải có lương
Trước đây không ít chủ lao động đòi hỏi nhân viên phải sẵn sàng liên lạc làm việc bất kỳ lúc nào và không được trả lương làm thêm ngoài giờ là một thực trạng phổ biến tại Úc. Luật “ngắt kết nối” giải quyết điều này.
Theo bà Linh, từ trước đến nay, các công đoàn lao động tại Úc đã bảo vệ rất tốt người lao động, nhưng nhờ bộ luật mới, chắc chắn quyền lợi của người lao động sẽ còn được đảm bảo hơn nữa.
“Luật mới có hiệu lực rất tốt để giúp bảo vệ người lao động, tránh thêm được nhiều trường hợp chủ lợi dụng sức lao động hoặc gây sức ép buộc người lao động phải làm việc ngoài giờ” – theo bà Linh.
Bà Linh cho biết có rất nhiều loại hợp đồng lao động khác nhau, có hợp đồng của chính phủ, hợp đồng thời vụ, hợp đồng ngắn hạn… người lao động tham gia các loại hình này nếu có vướng mắc với chủ sử dụng lao động đểu sẽ được công đoàn hỗ trợ.
Thông thường người ký hợp đồng cố định toàn thời gian (full time) sẽ làm việc mỗi tuần 38 tiếng, hàng ngày thường từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Ngoài 38 tiếng trên sẽ được gọi là làm thêm giờ (overtime). Ví dụ người chủ ký với nhân viên làm việc 38 tiếng mỗi tuần từ thứ 2 đến thứ 6, nhưng khi có việc cần, người chủ có thể đề nghị nhân viên đi làm thêm giờ, nếu làm thêm giờ vào ngày thường, mức lương phải trả là 1,5 lần còn nếu thứ Bảy hoặc Chủ Nhật, mức lương sẽ gấp 2 lần.
Cùng quan điểm với bà Linh, chị Thùy Dương sang Úc đã hơn 10 năm và hiện đang công tác trong ngành giáo dục tại thành phố New South Wales – bang New South Wales – Úc cũng cho rằng với việc luật “ngắt kết nối” có hiệu lực tình trạng lạm dụng sức lao động của người lao động sẽ được giảm đi rất nhiều.
“Người lao động ở Úc rất có quyền, họ có thể hợp tác với nhau cùng tập hợp bằng chứng để cùng công đoàn và luật sư đấu tranh. Trong một số trường hợp, người quản lý có thể bị sa thải nếu bị chứng minh đã có những hành vi lạm dụng, bóc lột. Luật mới giúp họ thêm đôi cánh” – chị Dương chia sẻ, đồng thời cho biết suốt thời gian làm việc tại một số trường học ở Úc cho đến hiện tại làm quản lý đào tạo tại một trường mầm non, chị chưa bao giờ gặp phải tình trạng bị gây áp lực phải làm việc ngoài giờ.
Bà Linh cũng lưu ý rằng tùy theo từng điều kiện công việc cũng có những sự linh hoạt nhất định, giữa chủ sử dụng lao động và nhân viên có thể có sự thỏa thuận, ví dụ cho về sớm đón con, hoặc có việc cá nhân trong giờ làm thì ngoài giờ làm bù. Giờ làm có thể thay đổi tùy trường hợp để phù hợp với lịch sinh hoạt, ví dụ đi làm từ 8 giờ sáng để 4 giờ chiều về, hoặc 10 giờ đến 6 giờ chiều về.
Chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn
Theo chia sẻ của chị Thùy Dương, với trải nghiệm 10 năm làm việc tại một số trường học ở Úc cho đến hiện tại đảm nhiệm vị trí quản lý đào tạo tại một trường mầm non, chị chưa bao giờ gặp phải tình trạng bị gây áp lực phải làm việc ngoài giờ.
Cũng có những khi phài họp ngoài giờ vào buổi tối hoặc cuối tuần nhưng giờ họp đó đều được tính trả lương gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với mức lương chính thức thông thường.
Chị Dương chia sẻ đã từng có lần chị xin nghỉ 2 tiếng trong giờ làm việc và đề nghị trừ vào ngày phép, nhưng cùng buổi tối đó có cuộc họp 2 tiếng. Cấp trên của chị đã đề nghị lấy cuộc họp 2 tiếng đó bù vào 2 tiếng nghỉ trong ngày để không phải ký phép. Tuy nhiên chị Dương không đồng ý vì tiền họp ngoài giờ cao hơn nên cấp trên của chị đã buộc phải chấp nhận cho chị trừ vào 2 tiếng nghỉ phép.
Theo chị Dương, việc không bị cấp trên làm phiền ngoài giờ và không sợ bị trù dập chính là một điểm mà chị đánh giá cao ở môi trường làm việc của Úc. Điều này giúp chị cân bằng được cuộc sống và công việc cũng như nuôi dưỡng con cái tốt hơn.
Chị Dương cho biết ngay khi kết thúc công việc ở trường, chị về nhà nấu nướng và chăm sóc cho gia đình. Công việc của bố mẹ kết thúc sớm nên trẻ con ở Úc thường đi ngủ rất sớm.
“Trẻ con toàn Úc đi ngủ sớm từ 7 giờ hoặc 8 giờ tối và 6 giờ sáng hôm sau đã thức dậy để có các bài tập thể dục” – chị Dương chia sẻ, cho rằng điều này cũng giúp cho sức khỏe và chiều cao của trẻ con được phát triển tối đa.
Nguồn: Pháp Luật TP. HCM
Leave your comment