Luật sư Đỗ Gia Thắng: Nước Úc cần thay đổi trong chính sách visa đầu tư và kinh doanh (kì 1)

Monday, 30/04/2018, 21:34 PM

Để phát triển, nước Úc cần thu hút những doanh nhân nước ngoài có năng lực thực sự, những người có khả năng đầu tư vào các dự án tại các vùng đang cần kêu gọi vốn đầu tư, tập trung vào những dự án tạo ra việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng. Liệu các quy định của pháp luật hiện hành về các dòng visa đầu tư đã đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến định cư tại Úc hay chưa? Những bất cập nào đang tồn tại và xu hướng thay đổi sắp tới của các dòng visa quan trọng này? Trao đổi về chủ đề nói trên, phóng viên Giang Vũ của Báo Doanh nhân Việt Úc đã có buổi phỏng vấn luật sư Đỗ Gia Thắng, Luật sư Tòa thượng thẩm tiểu bang Victoria, CEO Tổ hợp luật sư Nguyen Do Lawyers- tổ hợp luật sư chuyên về đầu tư và di trú có trụ sở chính tại Úc.

Phóng viên: Thưa luật sư Đỗ Gia Thắng, theo ý kiến của luật sư thì đâu là đối tượng quan trọng Chính phủ Úc cần tập trung thu hút trong các chương trình thị thực diện đầu tư và kinh doanh hiện nay?

Luật sư Đỗ Gia Thắng: Theo tôi, Chính phủ Úc phải thu hút cho được những người có quan tâm thực sự đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại của họ từ nước ngoài tới Úc, cũng như những người kinh doanh muốn thành lập một doanh nghiệp mới tại Úc. Những dự định rõ ràng trong việc đóng góp và tham gia vào cộng đồng của nước Úc cũng nên là yếu tố quan trọng trong việc xét hồ sơ của các doanh nhân.

Dựa trên tình hình hiện nay Bộ Các vấn đề nội địa Úc (DOHA) đang đưa ra rất nhiều cải cách cho các dòng thị thực lao động tay nghề, đầu tư khởi nghiệp, tôi cho rằng cũng đã đến lúc Chính phủ Úc nên xem lại các chương trình visa đầu tư và kinh doanh dành cho các doanh nhân tài năng tới Australia và có những thay đổi phù hợp với thực tế.

Phóng viên: Thưa luật sư, vậy các chương trình thị thực dòng kinh doanh và đầu tư của Úc đang có những trở ngại gì và nên thay đổi ra sao để phù hợp với những gì nước Úc cần?

Luật sư Đỗ Gia Thắng: Với 8 dòng visa đầu tư đến Australia hiện tại, tôi cho rằng các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư chỉ tập trung vào lịch sử đầu tư, kinh doanh trước đây của ứng viên mà chưa thực sự chú trọng tới mục đích, kế hoạch kinh doanh hoặc đầu tư sắp tới ở Úc. Bên cạnh đó, thời gian chờ để có thể xin được quyền định cư quá lâu tạo ra sự không chắc chắn đáng kể cho người nộp đơn và có thể khiến họ từ bỏ ý định đầu tư tới Úc. Kết quả là nước Úc có thể bỏ lỡ cơ hội thu hút những doanh nhân tài năng, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan tới việc nghiên cứu phát triển công nghệ cao và IT. Trong những lĩnh vực này, kinh nghiệm kinh doanh trong quá khứ không có ý nghĩa nhiều bằng việc đánh giá giá trị của những ý tưởng, kế hoạch kinh doanh sắp tới tại Úc.

Tôi nhận thấy, nên có sự điều chỉnh trọng tâm của các chương trình này hướng tới những nhu cầu hiện tại của nước Úc và nhu cầu của các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là khu vực vùng miền nằm ngoài trung tâm. Đồng thời, các chương trình thị thực này cũng cần có độ linh hoạt và có thể được điều chỉnh kịp thời với sự thay đổi trong môi trường kinh doanh hiện nay, như  cho phép những doanh nghiệp khởi nghiệp có thể xin Thị thực kinh doanh tại Úc. Theo tôi được biết, đề án thí điểm đang được nghiên cứu xây dựng tại tiểu bang Nam Úc. Chính phủ cần sớm thực hiện thí điểm để có đánh giá tổng kết và triển khai trên tất cả các tiểu bang.  Bên cạnh đó, cần bổ sung đối tượng là nhân sự thuộc diện quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn được phép nộp hồ sơ xin thị thực Kinh doanh Sáng tạo. Bởi vì, kinh nghiệm quản lý dày dặn của họ sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, dự án sẽ triển khai tại nước Úc.

Phóng viên: Với mục tiêu như vậy, luật sư nghĩ các chương trình thị thực hiện nay nên phân chia như thế nào để mang tính khả thi nhất? 

Luật sư Đỗ Gia Thắng:   Các chương trình thị thực nên có sự phân chia lại theo hai tiêu chí: đảm bảo sự linh hoạt và đáp ứng nhu cầu thực tế của từng địa phương.

–         Dòng visa chủ doanh nghiệp: Với dòng visa này, nhà đầu tư sẽ tự lựa chọn địa bàn đầu tư, lĩnh vực đầu tư cũng như quy mô đầu tư. Tôi cho rằng dòng visa đầu tư này không cần sự tham gia của chính quyền tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ trong việc xét duyệt dự án trước khi nộp hồ sơ xin visa. DOHA sẽ căn cứ vào những tiêu chí chung để chấp thuận hay từ chối cấp visa đầu tư cho chủ dự án đó. Với dòng visa này, đối tượng được xem xét có thể bao gồm các nhân sự có kinh nghiệm quản lý cấp cao.

–         Dòng Chính phủ hoặc chính quyền tiểu bang đề cử: Các tiểu bang sẽ tham gia vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đề cử những cá nhân phù hợp, có những loại hình kinh doanh đặc biệt mang lại đóng góp lớn cho địa phương. Các tiểu bang nên có kế hoạch đầu tư trung hạn, gắn liền với danh mục các dự án ưu tiên gọi vốn đầu tư để các nhà đầu tư nước ngoài tham khảo, lựa chọn.

–         Dòng Nhà đầu tư: thu hút những nhà đầu tư đầu tư trực tiếp vào các dự án đầu tư công của địa phương hoặc của chính quyền tiểu bang theo nguyên tắc hợp tác công tư (Public-Private Partnership).

–         Dòng Doanh nghiệp khởi nghiệp: dành cho những doanh nghiệp có những ý tưởng kinh doanh mới mẻ, sáng tạo để bắt đầu kinh doanh ở Úc. Dòng visa này không nên đưa ra quá nhiều yêu cầu về tài sản hay doanh thu kinh doanh trong quá khứ. Tiêu chí cơ bản để DOHA đánh giá, xét duyệt hồ sơ nên nằm ở tính khả thi trong ý tưởng kinh doanh của nhà đầu tư.

(còn tiếp)

5/5 - (1 vote)

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm