Mỹ cấm ứng dụng thanh toán Alipay và WeChat Pay của Trung Quốc

Thursday, 07/01/2021, 02:06 AM

Hôm 5-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm người Mỹ và doanh nghiệp Mỹ giao dịch với tám ứng dụng Trung Quốc bao gồm các ứng dụng thanh toán nổi tiếng như Alipay thuộc Ant Group, công ty liên kết của Aliababa cũng như hai ứng dụng thanh toán QQ Wallet và WeChat Pay của Tencent.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm giao dịch với tám ứng dụng Trung Quốc bao gồm ứng dụng thanh toán nổi tiếng như Alipay thuộc Ant Group, công ty liên kết của Aliababa. Ảnh: Bloomberg

Cấm vì lo ngại an ninh quốc gia

Hãng tin Reuters cho biết sắc lệnh cũng cấm giao dịch với sáu ứng dụng khác của Trung Quốc gồm CamScanner, SHAREit, VMate và WPS Office, Tencent QQ. Sắc lệnh cho rằng các ứng dụng này đe dọa an ninh quốc gia Mỹ và có thể gây xáo trộn hệ thống thương mại quốc tế.

Sắc lệnh nhấn mạnh “việc Trung Quốc tiếp tục các hoạt động ăn cắp dữ liệu của người Mỹ cho thấy rõ ý định sử dụng các tập hợp dữ liệu khổng lồ để thúc đẩy nghị trình an ninh quốc gia và kinh tế của Trung Quốc”.

Tổng thống Donald Trump nói rằng bằng cách tiếp cận các thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng và máy tính cá nhân, các ứng dụng có kết nối của Trung Quốc có thể thu thập lượng thông tin khổng lồ từ người dùng, bao gồm các thông tin nhạy cảm và riêng tư. Ông lo ngại thông tin cá nhân của người dùng Mỹ, sẽ bị các ứng dụng này chuyển cho chính phủ Trung Quốc để theo dõi vị trí của các nhân viên và các nhà thầu liên bang.

Sắc lệnh nêu ra việc chính phủ Ấn Độ cấm hơn 200 ứng dụng của Trung Quốc vào năm ngoái vì cho rằng các ứng dụng này ăn cắp dữ liệu người dùng và chuyển về các máy chủ đặt bên ngoài Ấn Độ.

Sắc lệnh yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ soạn thảo các quy định xác định cụ thể các giao dịch liên quan đến tám ứng dụng trên sẽ bị cấm.

Sắc lệnh cũng yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross đánh giá các ứng dụng có kết nối khác của Trung Quốc có thể đe dọa an ninh quốc gia, chính sách ngoại giao và nền kinh tế Mỹ để có hành động phản ứng phù hợp. Sắc lệnh kêu gọi ông Wilbur Ross cùng bộ trưởng Tư pháp Mỹ và giám đốc tình báo quốc gia Mỹ soạn thảo báo cáo đưa ra các khuyến nghị ngăn chăn chuyển dữ liệu của người dùng Mỹ cho các đối thủ nước ngoài.

Sắc lệnh này sẽ có hiệu lực trong vòng 45 ngày, thời điểm mà ông Trump đã rời Nhà Trắng sau khi Quốc hội Mỹ kiểm phiếu đại cử tri xác kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 6-1. Điều này cũng có nghĩa việc quyết định có triển khai lệnh cấm này hay không tùy thuộc vào Tổng thống đắc cử Joe Biden, người sẽ làm lễ nhậm chức vào ngày 20-1 tới.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross đã ra tuyên bố bày tỏ ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump. Ông nói: “Tôi ủng hộ cam kết của tổng thống nhằm bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của người Mỹ trước các mối đe dọa mà Trung Quốc đang áp đặt”

Dù Alipay và WeChat Pay là hai ứng dụng thanh toán có lượng người dùng đông đảo tại Trung Quốc nhưng số người dùng của chúng tại Mỹ tương đối nhỏ, chủ yếu là cộng đồng Hoa kiều.

Sắc lệnh nói trên dự kiến sẽ vấp phải các thách thức pháp lý tương tự như các sắc lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump nhằm vào hai công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance và Tencent vào năm ngoái 2020.

Hồi tháng 8-2020, lấy lý do bảo vệ an ninh quốc gia, Tổng thống Trump cũng đã ký sắc lệnh yêu cầu ByteDance (công ty mẹ của ứng dụng TikTok) chuyển nhượng tài sản của TikTok tại Mỹ nếu không sẽ bị cấm hoạt động. Một sắc lệnh khác yêu cầu các hãng công nghệ ở Mỹ phải gỡ bỏ ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent khỏi kho ứng dụng của họ. Tuy nhiên, cả hai sắc lệnh này đều bị kiện.

Hồi tháng 9, một thẩm phán tòa án liên bang đã chặn sắc lệnh cấm tải ứng dụng WeChat ngay trước khi nó có hiệu lực. Chính quyền Tổng thống Trump đang kháng cáo để lật ngược phán quyết này. Hai thẩm phán liên bang khác cũng lần lượt chặn sắc lệnh cấm các công ty Mỹ thực hiện các giao dịch với TikTok.

Gia tăng sức ép lên Trung Quốc

Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump gia tăng sức ép lên Trung Quốc. Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đưa thêm hàng chục công ty Trung Quốc,bao gồm hãng sản xuất máy bay không người lái  DJI Technology và hãng sản xuất bán dẫn SMIC, vào danh sách đen để cấm các công ty Mỹ giao dịch với họ.

Hôm 31-12, Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) cho biết sẽ dừng giao dịch cổ phiếu của ba tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc gồm China Mobile, China Telecom, China Unicom vào ngày 7 hoặc 11-1 tới. Quyết định của NYSE là nhằm tuân thủ sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Donald Trump ký vào tháng ngày 12-11, ra lệnh cấm công dân và doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc mà Mỹ cho là đang hỗ trợ các cơ quan quân đội, tình báo và an ninh Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến ngày 4-1, NYSE bất ngờ hủy bỏ quyết định hủy niêm yết nói trên. NYSE không đưa ra lời giải thích nhưng diễn biến này cho thấy đang xảy ra cuộc tranh cãi ở nội bộ Chính phủ Mỹ về cách tiếp cận đối với các công ty viễn thông Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đang gây áp lực để buộc NYSE phải thực hiện quyết định hủy niêm yết đối với China Mobile, China Telecom, China Unicom.

Một nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết NYSE cam kết sẽ hủy niêm yết cổ phiếu của ba công ty này nếu như các công ty con của họ ở Mỹ bị liệt vào danh sách đen.

Theo Wall Street Journal, Reuters

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm