Mỹ tham vọng tạo vaccine chung cho 20 họ virus

Wednesday, 28/07/2021, 18:08 PM

Viện trưởng Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ Anthony Fauci kêu gọi phát triển vaccine “nguyên mẫu” có thể chống lại 20 họ virus.

Nhiều chuyên gia nhận định thế giới gặp may trong Covid-19, dù virus có sức tàn phá lớn. Các nhà khoa học đã dành nhiều năm nghiên cứu virus họ corona, phát triển công nghệ cần thiết để điều chế vaccine ngay sau khi trình tự gene virus được công bố. Song điều này sẽ không lặp lại nếu đại dịch khởi nguồn từ virus Lassa, Ebola hoặc Nipah.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, đang xúc tiến một kế hoạch đầy tham vọng để chuẩn bị cho kịch bản trên. Ông cho biết nó sẽ tiêu tốn khoảng “vài tỷ USD” một năm, mất 5 năm để có kết quả đầu tiên và thu hút một lượng lớn nhà khoa học.

Ý tưởng là tạo ra loại vaccine “nguyên mẫu” để bảo vệ con người khỏi 20 họ virus có thể gây ra đại dịch mới. Sử dụng nền tảng của nghiên cứu về Covid-19, các chuyên gia sẽ khám phá cấu trúc phân tử của từng loại virus, tìm hiểu vị trí kháng thể đặc hiệu và cách thúc đẩy miễn dịch tạo ra kháng thể đó.

“Nếu được tài trợ, chương trình sẽ bắt đầu vào năm 2022”, ông Fauci cho biết. Ông đã trình bày ý tưởng trong các cuộc thảo luận với Nhà Trắng và nhiều đồng nghiệp khác.

Tiến sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia, cũng cho rằng cần phân bổ thêm quỹ cần thiết cho dự án. “Khi đã đẩy lùi thành công dịch Covid-19, chúng ta không thể tự mãn”, ông nói.

Phần lớn nguồn tài chính đến từ viện của tiến sĩ Fauci, song một dự án với quy mô này sẽ cần thêm kinh phí của Quốc hội. Ngân sách năm nay cho các bệnh truyền nhiễm là hơn 6 tỷ USD. Ông Fauci hiện chưa đề cập chương trình nghiên cứu cần thêm bao nhiêu tiền.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, phát biểu tại Thượng viện, ngày 27/7. Ảnh: NY Times

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, phát biểu tại Thượng viện Mỹ ngày 27/7. Ảnh: NY Times.

Nếu có một mạng lưới giám sát và phát hiện chủng virus mới lây từ động vật sang người, theo lý thuyết, các nhà khoa học có thể ngăn chặn trước bằng cách tiêm chủng cho người thuộc vùng dịch bằng vaccine nguyên mẫu. Nếu virus lây lan đến nhiều khu vực, vaccine nguyên mẫu sẽ được triển khai rộng rãi hơn.

Tiến sĩ Dennis Burton, chủ tịch khoa Miễn dịch học và Vi sinh tại Viện Nghiên cứu Scripps, cho biết: “Mục tiêu sẽ là cố gắng hạn chế virus bùng phát tràn lan”.

Vaccine nguyên mẫu là sản phẩm trí tuệ của tiến sĩ Barney Graham, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vaccine tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia. Ông trình bày ý tưởng này vào tháng 2/2017 tại một cuộc họp kín giữa các giám đốc viện.

Hàng năm, có nhiều loại virus đe dọa bùng phát thành đại dịch: cúm H1N1 năm 2009, Chikungunya năm 2012, MERS năm 2013, Ebola năm 2014, Zika năm 2016. Mỗi lần, các nhà khoa học lại chạy đua tìm cách chế tạo vaccine. Họ chỉ thành công một phần. Vaccine Ebola giúp kiểm soát dịch nhưng không chống lại các chủng khác. Dịch bệnh suy yếu trước khi vaccine được sản xuất thương mại hoặc hoàn thành thử nghiệm.

“Điều này khiến chúng tôi mệt mỏi”, tiến sĩ Graham nói.

Nhưng các nhà nghiên cứu đã có công cụ mới trong thập kỷ qua, tạo ra sự khác biệt lớn. Nó cho phép họ xem xét cấu trúc phân tử của virus, cô lập các kháng thể ngăn virus và tìm ra nơi chúng bám vào. Kết quả, vaccine thế hệ mới nhắm mục tiêu chính xác hơn vào mầm bệnh.

Nghiên cứu vắc-xin tại Trung tâm Nghiên cứ Virus và Vaccine tại Boston, Mỹ, năm 2020. Ảnh: NY Times

Nghiên cứu vaccine tại Trung tâm Nghiên cứu Virus và Vaccine tại Boston, Mỹ, năm 2020. Ảnh: NY Times

Tiến sĩ Graham từng xuất bản nghiên cứu này trên tạp chí Nature Immunology vào năm 2018. Song không có đại dịch, ý tưởng chỉ dừng lại ở đó. Giờ đây, giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc đưa nó vào thực tiễn.

Tiến sĩ John Mascola, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vaccine, nhận định: “Với mỗi họ virus, chúng ta có lượng kiến thức và hướng phát triển vaccine khác nhau. Vaccine phòng Lassa và virus Nipah vẫn ở giai đoạn đầu. Vaccine Chikungunya và Zika đã tiến xa hơn rất nhiều”.

Nghiên cứu sẽ giúp giải quyết lỗ hổng đó. Tiến sĩ Barton Haynes, giám đốc Viện Vaccine Duke, cho biết: “Giới hàn lâm rất nhiệt tình với ý tưởng, dù đề xuất chưa được công chúng biết đến nhiều”.

Chương trình sẽ thỏa thuận hợp tác với các công ty dược để nhanh chóng sản xuất vaccine nguyên mẫu, tiến sĩ Fauci nói. Tiến trình này tương tự vaccine Covid-19. Sau dịch SARS và MERS, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu vaccine cho virus họ corona nói chung. Họ phát hiện virus sử dụng protein đột biến để lây nhiễm tế bào. Nhưng đột biến này dễ dàng thay đổi hình dạng, vì vậy, sử dụng vaccine tấn công vào các phân tử nhỏ trong protein đột biến có thể hiệu quả. Vài ngày sau khi trình tự nCoV được công bố, các nhà khoa học đã điều chế vaccine chống lại nó.

Theo  NY Times

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm