Mỹ thấp thỏm với lực lượng Nga ở Kazakhstan

Thursday, 13/01/2022, 16:14 PM

Những lợi ích chính trị, kinh tế lớn tại Kazakhstan khiến Mỹ “đứng ngồi không yên” khi chứng kiến Nga đưa quân tới nước này hỗ trợ ứng phó bạo loạn.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay hoan nghênh thông báo được Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đưa ra một ngày trước đó, rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính và sẽ rút quân theo từng giai đoạn trong hai ngày tới, tiến trình kéo dài không quá 10 ngày”.

“Cho tới khi lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO rút quân, chúng tôi tiếp tục kêu gọi tổ chức này tôn trọng quyền con người và bảo đảm cam kết nhanh chóng rút khỏi Kazakhstan theo yêu cầu của chính quyền sở tại”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay.

Lực lượng Nga triển khai đến Almaty, Kazakhstan, hôm 9/1. Ảnh: BQP Nga.

Larry Napper, cựu đại sứ Mỹ tại Kazakhstan giai đoạn 2001-2004 và cựu giám đốc Văn phòng Các vấn đề Liên Xô của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng có nhiều lý do khiến Washington theo dõi chặt chẽ tình hình ở Kazakhstan và nhiều lần lên tiếng về đợt triển khai quân của Nga trong đội hình CSTO đến quốc gia Trung Á.

Trước khi bạo loạn nổ ra đầu năm nay, quan hệ giữa Mỹ và Kazakhstan tương đối tốt đẹp. Tháng 12/2021, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Trung Á và Nam Á tới thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan để bàn phương án cải thiện quan hệ đối tác chiến lược song phương. Hai bên đã thảo luận về bình thường hóa quan hệ thương mại, loại bỏ hoàn toàn những rào cản được áp dụng từ thời Chiến tranh Lạnh.

“Nước này có vị trí rất quan trọng về địa lý và địa chính trị. Kazakhstan không chỉ giáp biên giới với Nga và Trung Quốc, mà còn có vị trí rất quan trọng với Afghanistan. Mỹ có lợi ích rõ ràng với hoạt động chống khủng bố trong khu vực kể từ khi Taliban lên nắm quyền hồi năm ngoái”, Napper nhận xét.

Kazakhstan đã đóng vai trò lớn trong hoạt động chống khủng bố những năm gần đây, trong bối cảnh Mỹ tìm cách di dời các tay súng phiến quân và gia đình từ nơi giam giữ ở Syria đến những nước có chương trình tái hòa nhập cộng đồng. Kazakhstan đã tiếp nhận nhiều gia đình như vậy với đề nghị từ Mỹ.

Mỹ cũng theo dõi chặt chẽ những hoạt động hợp tác kinh tế và năng lượng giữa Kazakhstan với Trung Quốc. Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào ngành năng lượng Kazakhstan, các tập đoàn lớn như Chevron và ExxonMobil đều xuất hiện ở những mỏ dầu khí lớn của nước này. Kazakhstan cũng là quốc gia xuất khẩu nhiều khoáng sản quan trọng, trong đó có uranium.

Tuy nhiên, Kazakhstan lại là một thành tố quan trọng trong chiến lược an ninh của Nga, bởi hai nước có chung biên giới dài gần 7.000 km, là đường biên giới trên bộ dài nhất thế giới. Nước này cũng có cộng đồng nói tiếng Nga rất đông đảo, khiến giới chức Kazakhstan duy trì quan hệ mật thiết với Nga.

Xe bị đốt cháy trong cuộc bạo loạn ở Almaty, Kazakhstan hôm 5/1. Ảnh: Reuters.

Các tòa nhà và ôtô bị đốt cháy trong cuộc bạo loạn ở Almaty, Kazakhstan, hôm 5/1. Ảnh: Reuters.

Cựu đại sứ Napper cho rằng với quyết định nhanh chóng điều quân tới Kazakhstan, Tổng thống Vladimir Putin muốn gia tăng ảnh hưởng của Nga với các nước từng thuộc Liên Xô cũ.

Bởi vậy, ông cho rằng thái độ lo lắng của Mỹ trong những ngày qua là dễ hiểu, khi Washington có nguy cơ đánh mất những lợi ích đã dày công xây dựng tại quốc gia Trung Á này nếu Moskva duy trì hiện diện lâu dài.

“Tôi hy vọng những diễn biến gần đây không đánh dấu thay đổi cơ bản về chính sách ngoại giao của Kazakhstan. Mong rằng họ sẽ khôi phục hoặc duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Washington”, Napper nói.

Nguồn: VNEXPRESS

 

 

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm