Nền kinh tế Úc tăng trưởng chậm nhất trong một thập kỷ trở lại đây nhưng ngân sách chính phủ có khả năng đạt thặng dư

Thursday, 19/09/2019, 15:00 PM

Nền kinh tế Úc đang giảm tốc với mức độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009, tuy nhiên điều này ít khả năng gây ảnh hưởng đến việc tuyên bố tình trạng thặng dư ngân sách sớm hơn một năm so với kế hoạch của Chính phủ liên bang.

Nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp

Theo số liệu đã hiệu chỉnh theo mùa, GDP của Úc chỉ tăng 0,5% trong quý tháng 6, tăng 1,4% trong năm. Đây là mức tăng trưởng tồi tệ nhất được ghi nhận kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong quý tháng 9/2009, và tương đương với mức của năm 2000.

Nguyên nhân đến từ tăng trưởng chi tiêu quá yếu trong dân chúng (chỉ tăng 0,4% trong quý), trong khi đầu tư nhà ở giảm đáng kể (4,4%). Một số chỉ tiêu có kết quả tích cực hơn là xuất khẩu ròng – tăng thêm 0,6%, và chi tiêu công – chủ yếu nhờ tăng chi tiêu cho các dịch vụ y tế, chăm sóc người khuyết tật và người già.

Nước Úc đã vượt qua 29 năm không suy giảm kinh tế nhưng tăng trưởng GDP là quá yếu (Nguồn: ABC News)

Mặc dù số liệu thống kê GDP phù hợp với dự đoán và thực trạng của thị trường, nhưng kết quả này thấp hơn rất nhiều so với dự báo tăng trưởng đầu kỳ của Ngân hàng Trung ương là 1,8%.

Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cho biết đây là thời kỳ khó khăn chung đối với các nền kinh tế toàn cầu. Cả Singapore, Thụy Điển, Đức và Vương quốc Anh đều giảm tốc độ tăng trưởng trong quý tháng 6. Theo Bộ trưởng, các kết quả chỉ tiêu đo lường sản lượng quốc gia cho thấy nước Úc vẫn đang đứng vững khi đối mặt với những cơn gió lớn, cả quốc tế và trong nước.

Ngân sách chính phủ sẽ đạt trạng thái thặng dư

Nếu xét theo chỉ số GDP danh nghĩa (đánh giá quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành) thì kinh tế Úc đã tăng trưởng 1,2% trong quý và 5,3% trong năm. Kết quả này chủ yếu là do giá cả hàng hóa tăng. Mặc dù GDP danh nghĩa không phản ánh được thực tế sản lượng quốc gia nhưng lại lý giải cho khả năng thặng dư ngân sách của chính phủ.

Tăng trưởng GDP danh nghĩa (đường màu xanh) và GDP thực tế (cột màu đỏ) của Úc giai đoạn 1990-2019 (Nguồn: ABC News)

Luồng thu nhập tăng từ sự gia tăng giá cả thị trường hàng hóa, phần lớn thông qua các công ty khai thác, đã củng cố không chỉ lợi nhuận của các công ty này mà còn là nguồn thu thuế đáng kể cho chính phủ.

Bên cạnh đó, ngân sách cũng được hưởng lợi từ việc triển khai quy trình Văn phòng Thuế vụ tốt hơn và thuế thu nhập cao hơn (thuế tính trên phần trăm thu nhập đã tăng lên hơn 15% trong quý, mức cao nhất kể từ năm 2005)

Dự kiến Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg sẽ công bố kết quả ngân sách cuối cùng của năm 2019 vào cuối tháng này, đây sẽ là lần đầu tiên ngân sách chính phủ có thể đạt thặng dư tiền mặt kể từ năm 2007-08 hoặc rất gần với vị trí ngân sách cân bằng. Tính đến tháng 5/2019, mức thâm hụt ngân sách chỉ còn là 115 triệu đô-la. Đây là một số liệu rất tích cực khi mà trước đó mức thâm hụt ước tính được dự báo lên tới 4,2 tỷ đô-la.

Tình hình ngân sách chính phủ Úc giai đoạn 2008-2019 (Nguồn: Citi Research)

Tuy nhiên, bất chấp tín hiệu lạc quan từ ngân sách, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng chính phủ cần tập trung vào những yếu kém đang lan rộng trong nền kinh tế. Tăng trưởng tiền lương không đáng kể, giá nhà đất giảm ảnh hưởng lớn đến khả năng chi tiêu của các hộ gia đình. Khi người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn, họ cũng cân nhắc kỹ lưỡng hơn đối với các công việc kinh doanh và kế hoạch đầu tư. Thực tế là cả đầu tư xây dựng nhà ở và đầu tư kinh doanh đều đã giảm trong quý hai. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số mạnh mẽ của Úc cũng ảnh hưởng đến thu nhập bình quân đầu người. Chỉ số này đã giảm trong 12 tháng qua và gây áp lực lớn hơn đến tổng cầu.

Giảm lãi suất và thuế có thể là những công cụ hữu hiệu

Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách cắt giảm lãi suất và thuế là những công cụ phù hợp trong bối cảnh này và có thể kích thích chi tiêu đối với dân chúng. Việc cắt giảm thuế sẽ đưa khoảng 8 tỷ đô-la vào nền kinh tế. Mặc dù các kết quả thống kê chưa cho thấy tác động của việc cắt giảm thuế đến nền kinh tế trong quý hai nhưng dự báo các ảnh hưởng tích cực sẽ bộc lộ rõ nét hơn vào tháng 8 và tháng 9.

Trước tín hiệu giảm tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình, các chuyên gia đánh giá đó có thể là một tia hy vọng cho các nhà bán lẻ vì nó phần nào cho thấy các chủ sở hữu nhà đang tin tưởng rằng sự giàu có của họ sắp tăng trở lại, điều này có thể chuyển thành sự gia tăng chi tiêu mạnh mẽ hơn. Nhưng mặt khác, khi tỷ lệ tiết kiệm giảm kết hợp với tăng trưởng tiền lương thấp có thể là dấu hiệu của việc người dân đang phải tiêu lạm vào khoản tiết kiệm của mình. Điều này lại cảnh báo cho sự suy giảm tiêu dùng trong tương lai.

PV Thu Hà

 

 

 

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm