Ngân hàng Commonwealth bị khiếu nại nhiều nhất trong bốn ông lớn ngành ngân hàng Úc

Tuesday, 19/11/2019, 14:03 PM

Cơ quan Khiếu nại Tài chính Úc (AFCA) vừa được thành lập gần đây đã mở cổng tiếp nhận các khiếu nại tài chính trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 6 năm 2019. Cơ chế tiếp nhận này được đánh giá là thành công khi nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của người dân về những bức xúc của mình.

Các khiếu nại đến từ nhiều khu vực trên khắp nước Úc nhưng phần lớn tập trung từ phía tây Sydney. Cơ chế tiếp nhận mới thông qua AFCA được đánh giá là thành công khi nhận được nhiều ý kiến khiếu nại hơn 40%  so với các chương trình đã thực hiện trước đây.

AFCA đã tập hợp dữ liệu để đưa ra kết luận về tổ chức tài chính bị nhận nhiều khiếu nại nhất, vấn đề mà khách hàng phàn nàn nhiều nhất và nơi phát sinh nhiều khiếu nại nhất.

Gần 4.000 khiếu nại về Ngân hàng Commonwealth đã được gửi về AFCA

Nguồn ảnh: AAP

Theo kết quả tổng hợp, ngân hàng bị phàn nàn nhiều nhất là Commonwealth, với hơn 3.890 khiếu nại được thực hiện nhằm vào ngân hàng này. ANZ đứng thứ hai với 2.746 khiếu nại. Người dân chủ yếu phàn nàn về dịch vụ thẻ tín dụng (14,2%), tiếp theo là về các khoản vay cá nhân (11,9%), và các khoản thế chấp.

Theo báo cáo gửi tới Thủ tướng của ông David Locke, Giám đốc điều hành AFCA, 74% các khiếu nại đang thực sự được giải quyết theo thỏa thuận có lợi cho người khiếu nại. Chỉ trong 12 tháng hoạt động đầu tiên của AFCA, 185 triệu đô-la đã được trao cho những người tiêu dùng, những người mà nếu không có cơ chế này sẽ không thể nhận được sự bồi thường hay khắc phục hậu quả xứng đáng.

Ông David Locke cho rằng cơ chế khiếu nại hiện tại là một thành công

Nguồn ảnh: ABC News

Người phát ngôn của Ngân hàng Commonwealth hoan nghênh vai trò của AFCA với tư cách là một bên thứ ba độc lập giúp giải quyết những khiếu nại mà ngân hàng này không trực tiếp tiếp nhận được. Commonwealth cũng khẳng định ngân hàng sẽ nỗ lực giải quyết các khiếu nại của khách hàng một cách công bằng, kịp thời và minh bạch thông qua các quy trình giải quyết tranh chấp nội bộ của mình.

Mặc dù phần lớn các khiếu nại đã được giải quyết, vẫn còn quá nhiều người Úc không thể thoát ra khỏi ràng buộc tài chính của mình và AFCA cảnh báo rằng một số lượng đáng báo động những người Úc đang rơi vào tình trạng nghèo đói do khó khăn tài chính. Trong 12 tháng qua, số trường hợp gặp khó khăn tài chính đã tăng từ 3.000 lên hơn 7.000, và trong một số trường hợp, các ngân hàng đã không cung cấp bất kỳ trợ giúp nào kể cả khi họ hoàn toàn có thể. Điều này không chỉ phản ánh thực tế nhiều người Úc đang phải vận lộn với các vấn đề tài chính mà còn cho thấy sự kém hiệu quả trong hoạt động của các ngân hàng.

Ông David Locke cho biết từ việc tổng hợp khiếu nại của dân chúng, có thể nhận thấy rằng nhiều trường hợp các ngân hàng đã không thực thi theo đúng quy tắc ứng xử, và cũng có nhiều tình huống đặc biệt mà ngân hàng xử lý thiếu linh hoạt, họ cũng chưa thực sự tìm ra được những giải pháp mới để giải quyết các vấn đề này. Đó là lúc họ cần tới sự tư vấn từ một cố vấn tài chính.

Các khiếu nại chủ yếu đến từ khu vực ngoại ô Sydney và Melbourne

Bà Gabrielle Locke, một cố vấn tài chính của tổ chức Anglicare, làm việc ở Liverpool, NSW, cho biết số lượng khiếu nại tài chính đến từ vùng ngoại ô nơi bà làm việc là lớn nhất trong cả nước với 301 khiếu nại. Bang NSW cũng là bang có nhiều khiếu nại nhất trong số các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc với tổng cộng 7.554 khiếu nại. Bang Victoria đứng thứ hai với 7.109 khiếu nại.

Năm địa phương dẫn đầu về số lượng khiếu nại:

  1. Liverpool, NSW: 301 khiếu nại
  2. Werribee, Vic: 300 khiếu nại
  3. Sydney, NSW: 252 khiếu nại
  4. Hopper’s Crossing, Vic: 247 khiếu nại
  5. Craigieburn, Vic: 228 khiếu nại

Theo bà Locke, một số người Úc không đủ am hiểu để giải quyết các rắc rối tài chính của bản thân, trong khi nhiều người khác chỉ đơn giản là gánh quá nhiều nợ. Bà cũng cho biết, tại Liverpool, nơi phát sinh nhiều khiếu nại nhất, nhiều người dân mong muốn được giúp đỡ sau khi đã chi quá nhiều tiền cho con cái nhưng ngân hàng không cung cấp giải pháp hỗ trợ nào.

Ông David Locke cảnh báo việc tiêu dùng trước, trả nợ sau có thể trở thành bẫy tài chính đối với nhiều hộ gia đình. Đã có rất nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh khó khăn với các chương trình chi tiêu này.

 

Nguồn tin: abc.net.au

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm