Nhật tính điều F-35B đối phó Trung Quốc ở Hoa Đông

Wednesday, 07/04/2021, 00:58 AM

Phòng vệ Nhật Bản có thể điều tiêm kích tàng hình F-35B tới bảo vệ nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Tiêm kích F-35B có thể xuất kích từ căn cứ không quân Nyutabaru ở tỉnh Miyazaki để bảo vệ nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Nhật Bản kiểm soát, một quan chức nước này cho biết ngày 5/4. Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận giới chức đang cân nhắc khả năng trên, song chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Nhật Bản dự định mua 105 tiêm kích F-35A cho các đơn vị phòng vệ trên không đóng quân trên đất liền, cùng 42 tiêm kích F-35B, biến thể có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng, để trang bị cho các tàu sân bay trực thăng Izumo và Kaga. Các chiến hạm này đang được nâng cấp để hỗ trợ hoạt động của tiêm kích F-35B.

Hãng thông tấn Kyodo đưa tin các tiêm kích F-35 sẽ được triển khai hoạt động vào năm 2024 và tăng cường năng lực phòng thủ của Nhật Bản tại nhóm đảo tranh chấp với Trung Quốc.

Nguồn tin chính phủ cho biết các tiêm kích F-35B của Nhật Bản, dự kiến được triển khai tại căn cứ Nyutabaru, sẽ diễn tập chung với tiêm kích cùng loại của Mỹ tại căn cứ Iwakuni ở tỉnh Yamaguchi.

Tiêm kích F-35 của Nhật Bản di chuyển trên đường lăn tại căn cứ không quân Misawa tháng 1/2018. ẢNh: USAF.

Tiêm kích F-35 của Nhật Bản di chuyển trên đường lăn tại căn cứ không quân Misawa tháng 1/2018. ẢNh: USAF.

Các tàu hải cảnh Trung Quốc từ đầu năm 11 lần đi vào vùng biển quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông, nhiều lần tìm cách tiếp cận tàu cá Nhật Bản hoạt động tại khu vực và buộc cảnh sát biển nước này điều tàu tuần tra ra ứng phó.

Sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát nhóm đảo tranh chấp hôm 29/3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói động thái này “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và chính phủ Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối.

Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/2 cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài mà Bắc Kinh cho là “hoạt động trái phép” trong vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền.

Động thái này khiến các nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản bất an, đề nghị chính phủ Nhật Bản diễn giải luật cảnh sát biển hiện hành như một động thái đáp trả luật hải cảnh Trung Quốc.

Vị trí nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư và căn cứ không quân Nyutabaru. Đồ họa: AFP.

Vị trí nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư và căn cứ không quân Nyutabaru. Đồ họa: AFP.

Trong phiên họp ngày 25/2, chính phủ Nhật Bản xác nhận cách diễn giải luật cảnh sát biển khẳng định lực lượng này được quyền nổ súng vào các tàu công vụ nước ngoài gần nhóm đảo tranh chấp “nếu họ tin rằng chúng sắp sửa thực hiện hành vi bạo lực”.

Một quan chức Nhật Bản cho biết lực lượng phòng vệ nước này và quân đội Mỹ đang chuẩn bị kịch bản diễn tập tình huống khẩn cấp tại nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trước áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc. Theo kịch bản, phòng vệ Nhật Bản sẽ bảo vệ nhóm đảo và quân đội Mỹ đảm bảo sự hỗ trợ phù hợp.

Nguyễn Tiến (Theo Stars&Stripes)

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm