Nhiều hội đồng Úc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu

Sunday, 21/07/2019, 09:00 AM

Khoảng 5%, tương ứng 28 trên 537 hội đồng địa phương của Úc đã kêu gọi phải có những hành động khẩn cấp về khí hậu. Số các hội đồng tuyên bố lập trường và yêu cầu hành động đang tăng lên khi số liệu mới được công bố cho biết có tới gần ba triệu người Úc đang sống trong các khu vực gặp “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”.

Nghiên cứu mới dự tính Úc có thể gây ra tới 17% lượng khí thải carbon toàn cầu vào năm 2030 (Nguồn ảnh: AAP)

Các hội đồng Úc là một phần trong 800 hội đồng trên toàn cầu, bao gồm hơn 140 triệu thành viên, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu.Việc thống kê được kiểm soát bởi tổ chức Huy động khẩn cấp vì khí hậu, đây là một tổ chức vận động xã hội đặt trụ sở tại Úc.

Hội đồng thành phố Darebin của bang Victoria là cơ quan đầu tiên có bước nhảy vọt trong năm 2016. Darebin cũng đi tiên phong trong số các chính quyền địa phương khác khi đứng ra tổ chức hội nghị khẩn cấp về khí hậu quốc gia vào năm ngoái.

Mùa hè gần đây nhất ở Úc là mùa nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử, cùng với các thảm họa cháy rừng và lũ lụt xảy ra đã làm tê liệt nhiều cộng đồng địa phương. Trong một cuộc khảo sát gần đây do Viện Lowy thực hiện, lần đầu tiên vấn đề biến đổi khi hậu được người Úc xếp đầu trong danh sách các nguy cơ tiềm ẩn đối với nước Úc, đáng quan ngại hơn cả nguy cơ khủng bố.

Nhóm hội đồng bao gồm chính quyền Lãnh thổ Thủ đô Úc đã cam kết ưu tiên giảm phát thải trong quá trình ra quyết định phát triển kinh tế xã hội của mình. Hội đồng thành phố Sydney và Hobart cùng chung tiếng nói này. Trong khi đó, hội đồng thị trấn Gawler của bang Nam Úc cũng chuẩn bị các kế hoạch hành động cộng đồng để ứng phó với tình trạng thời tiết khắc nghiệt, bao gồm việc cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho người vô gia cư trước sóng nhiệt.

Một số hội đồng địa phương đang hướng tới việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải ròng xuống mức bằng không. Một số hội đồng khác thì cam kết vận động các chính trị gia của bang và liên bang quan tâm tới việc hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Liên bang, bà Sussan Ley, đã không khẳng định liệu chính phủ có tuyên bố tình trạng khẩn cấp như vậy không. Bà cho rằng việc làm thiết thực và khả thi hơn đối với các hội đồng địa phương là nên tập trung xử lý các vấn đề môi trường tại địa phương, như rác thải hộ gia đình. “Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý chất thải và tái chế, duy trì chất lượng môi trường tại các khu vực địa phương. Tôi nghĩ đó là những gì cộng đồng muốn thấy nhất từ ​​các hội đồng của họ.” – bà Sussan Ley nói.

Bộ trưởng cũng cho biết chính phủ đã thể hiện quan điểm rõ ràng đối với việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Theo đó, chính phủ đã xây dựng kế hoạch giải pháp cho khí hậu trị giá 3,5 tỷ đô-la và 100 triệu đô-la cho hoạt động phục hồi chất lượng môi trường.

Đáp lại, các nghị sĩ đảng Xanh tin rằng chính phủ cần phải tiến một bước xa hơn thông qua việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Ông Adam Bandt, nghị sĩ của Melbourne, cho biết Đảng Xanh đang vận động nghị trường để bước đi quan trọng này được quốc hội thông qua.

PV Thu Hà

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm