Những cuộc điện đàm cuốn Trump vào rắc rối

Thursday, 07/01/2021, 01:57 AM

Ngoài cuộc gọi yêu cầu quan chức Georgia “tìm phiếu”, nội dung nhiều cuộc trao đổi khác của Trump cũng từng bị rò rỉ, làm dấy lên chỉ trích.

Ngày 27/1/2017, không lâu sau lễ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với người đồng cấp Mexico lúc đó là Pena Nieto. Theo nội dung cuộc gọi được Washington Post công bố, Trump đã nài nỉ Nieto ngừng phát biểu rằng Mexico quyết không trả tiền xây bức tường biên giới giữa hai nước, dự án mà ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ giúp ngăn chặn nạn nhập cư trái phép và là trọng tâm chiến dịch tranh cử.

Trump cho biết phản ứng của Nieto “làm xấu mặt” ông, nói thêm rằng đây là vấn đề “ít quan trọng nhất” mà hai bên đang thảo luận, dù bức tường biên giới được đánh giá là lời hứa tranh cử đáng chú ý nhất của Tổng thống Mỹ. Theo Trump, vấn đề mà ông đặt ra đã tạo “ràng buộc chính trị” với cả hai, đồng thời đề xuất rằng họ nên tránh nói thẳng về chuyện này.

“Ông không thể nói như vậy với báo giới. Họ sẽ vin vào đó và tôi sẽ không thể đàm phán trong những hoàn cảnh như vậy”, Trump nói với người đồng cấp Mexico.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành một cuộc gọi tại Nhà Trắng hồi tháng 11/2018. Ảnh: Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành một cuộc gọi tại Nhà Trắng hồi tháng 11/2018. Ảnh: Nhà Trắng.

Chỉ một ngày sau, Trump tiếp tục điện đàm với Malcolm Turnbull, thủ tướng Australia khi đó. Cuộc trò chuyện nhanh chóng tập trung vào một thỏa thuận thời chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, với nội dung Mỹ đồng ý tiếp nhận hơn 1.000 người tị nạn từ các hòn đảo ngoài khơi Australia.

“Thỏa thuận này sẽ giết tôi. Tôi, người quyết liệt nhất thế giới trong việc không để người khác tràn vào đất nước mình, nhưng giờ lại đồng ý tiếp nhận 2.000 người. Đúng là tôi có thể kiểm tra lý lịch của họ, nhưng việc đó đặt tôi vào thế yếu, khiến tôi trông thật tệ, mà tôi mới chỉ ở Nhà Trắng một tuần”, Trump nói.

Theo bình luận viên Aaron Blake của Washington Post, chủ đề nổi bật xuyên suốt những cuộc điện đàm “gây bão” từ Trump là việc Tổng thống Mỹ tận dụng vị thế chính trị của bản thân như thế nào, cũng như mối quan tâm về lợi ích cá nhân. Chính điều này dường như là nguyên nhân dẫn đến rắc rối với Trump từ cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 7/2019.

Một người tố giác đã tiết lộ nội dung cuộc trò chuyện và nộp đơn khiếu nại lên Hạ viện Mỹ, cáo buộc Trump hối thúc Zelensky điều tra Tổng thống đắc cử Joe Biden và con trai Hunter, người từng làm việc cho công ty năng lượng Ukraine Burisma. Trump cùng các thân tín cho rằng Biden dùng quyền lực khi còn giữ chức phó tổng thống Mỹ để giúp Burisma không bị điều tra hình sự về tham nhũng.

Trump sau đó trở thành tổng thống Mỹ thứ ba bị xem xét bãi nhiệm, sau khi Hạ viện thông qua điều khoản cáo buộc ông lạm quyền và cản trở quốc hội. Tuy nhiên, Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát đã tha bổng Trump trong cả hai cáo buộc.

Cuộc gọi gần đây nhất khiến Trump phải hứng chỉ trích dữ dội là với Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger. Trong đoạn trao đổi kéo dài một tiếng hôm 2/1, với bản ghi âm do Washington Post đăng tải, Trump đã cầu xin rồi đe dọa Raffensperger, dường như nỗ lực tác động để quan chức này thay đổi kết quả bỏ phiếu bầu tổng thống.

“Người dân Georgia và cả nước đang tức giận. Không có gì sai khi yêu cầu đếm lại, nên hãy xem xét lại. Tôi chỉ cần làm vậy thôi. Tôi chỉ muốn tìm 11.780 phiếu, nhiều hơn một phiếu mà chúng ta có. Bởi vì chúng ta đã thắng ở Georgia”, Trump nói, thậm chí đe dọa Raffensperger có thể bị truy tố hình sự trừ khi tìm đủ số phiếu để lật ngược kết quả.

“Đây không phải yêu cầu từ một Tổng thống tha thiết muốn tìm ra hành vi gian lận bầu cử, mà là đề nghị từ người chỉ đang cố gắng giành được kết quả nhất định bằng bất cứ cách nào”, bình luận viên Blake đánh giá, nói thêm rằng Trump đã đề cập đến con số 11.000 phiếu không dưới 18 lần suốt cuộc gọi.

Theo Blake, 4 cuộc gọi “gây bão” trong nhiệm kỳ đều cho thấy Trump không hiểu rõ những tình huống mà ông đang cố xử lý, như trong cuộc trò chuyện với Raffensperger. Tổng thống Mỹ đã lẫn lộn nhiều thông tin và tiếp tục thúc đẩy các giả thuyết vô căn cứ, khiến quan chức Georgia lập tức phản bác. “Thưa Tổng thống, những điều ông nói hoàn toàn không đúng”, Raffensperger trả lời trong cuộc trò chuyện.

Cuộc điện đàm với Zelensky cũng tương tự, khi Trump cáo buộc Biden gây áp lực buộc Ukraine sa thải công tố viên hàng đầu nước này để giúp con trai, nhưng không đưa ra bằng chứng. Trong cuộc trao đổi với Turnbull, Tổng thống Mỹ không hiểu rõ bản chất của thỏa thuận tị nạn và liên tục đề cập đến con số 2.000, dù thực tế Australia và Mỹ chỉ nhất trí cho 1.000 người tị nạn. Khi Turnbull sửa lại, Trump đáp: “Tôi còn nghe nói là 5.000 người”.

Trump còn cho thấy bản thân thiếu kỹ năng giao tiếp, khi thoải mái đưa ra những lời gièm pha, cáo buộc với lãnh đạo nước ngoài như thể đang tán gẫu. Điều này thể hiện qua đoạn hội thoại với Nieto, khi ông gọi bang chiến trường New Hampshire là “sào huyệt ma túy”.

Tổng thống Mỹ cũng nói xấu Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gọi với người đồng cấp Ukraine Zelensky. “Đức hầu như không làm gì cho ông. Họ chỉ biết nói. Tôi nghĩ ông thực sự nên hỏi họ về chuyện đó. Khi tôi nói chuyện với Merkel, bà ấy đề cập đến Ukraine, nhưng chẳng làm bất cứ điều gì”, Trump cho hay.

Còn trong cuộc gọi với Raffensperger, Trump lại chê bai Thống đốc Georgia Brian Kemp, một thành viên đảng Cộng hòa, dù biết rõ Kemp và Raffensperger là đồng minh của nhau.

“Nếu tôi không tranh cử, Brian thậm chí chẳng có một chút cơ hội nào, trong cả vòng sơ bộ lẫn cuộc bầu cử”, Trump nói, dù trên thực tế, ông chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, còn Kemp được bầu làm Thống đốc năm 2018. “Ông ấy lẽ ra đã toi đời. Ôi tôi thật khờ khạo mà”.

Một đặc điểm chung trong các cuộc gọi gây rắc rối của Trump là ông tự ca ngợi bản thân hết lời, với nhiều chi tiết thêm thắt và phóng đại. “Trong cuộc bầu cử vừa rồi, tôi chiến thắng với rất nhiều cử tri gốc Tây Ban Nha. Tôi không biết ông nghe chưa, nhưng 84% người Mỹ gốc Cuba bỏ phiếu cho tôi. Tổng thể thì tôi chiếm hơn 30%, khiến mọi người đều sốc”, Trump nói với Nieto.

“Chúng tôi từng mất rất nhiều nhà máy ở Ohio và Michigan, và tôi đã thắng tại những bang đó. Một số bang chưa từng có ứng viên Cộng hòa nào thắng suốt 38 năm, còn tôi thì thắng dễ dàng”, Tổng thống Mỹ nói thêm, nhưng thực tế không có bang nào giống với mô tả của ông.

Để thuyết phục đối phương, Trump thường sử dụng cả chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” để vừa thuyết phục vừa đe dọa, nhưng bình luận viên Blake cho rằng sự kết hợp của ông không nhuần nhuyễn và hiệu quả. Trong cuộc gọi với Nieto, Trump vừa dọa đánh thuế biên giới, vừa nài nỉ cựu tổng thống Mexico dịu giọng trước báo chí. “Tôi và ông cùng chống lại thế giới, đừng quên điều đó”, Trump nói, giọng điệu tương phản rõ rệt với sự quyết liệt trong chiến dịch tranh cử.

Đặc điểm này có lẽ nổi bật nhất trong cuộc trò chuyện với Raffensperger. Trump dường như cố gắng tâng bốc quan chức này, nhưng lại đe dọa về một cuộc điều tra hình sự đầy mơ hồ nhắm vào ông. “Cách tiếp cận của Trump trong các cuộc gọi như vậy không tập trung vào một hướng cụ thể nào, có vẻ chệch choạc giữa cả xoa dịu và đe dọa”, Blake nhận xét.

“Đây là những điểm đặc trưng của Trump ngay cả trước công chúng, nhưng nội dung các cuộc gọi bị rò rỉ giúp thể hiện chúng một cách trần trụi hơn”, bình luận viên kết luận về các cuộc gọi của Tổng thống Mỹ.

Theo Vnexpress

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin nên xem

Thủ tướng đặt vấn đề kỷ luật nếu không đạt chỉ tiêu tăng trưởng

Doanhnhanvietuc – Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 (3/6), Thủ tướng đưa ra câu hỏi: “Ai là người chịu trách nhiệm từng chỉ tiêu tăng trưởng trong từng lĩnh vực?”. Ông đặt vấn đề việc xử lý kỷ luật nếu không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, nhân tai. Trở về sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Thủ tướng thông… Continue readingThủ tướng đặt vấn đề kỷ luật nếu không đạt chỉ tiêu tăng trưởng

Nước Mỹ ra sao khi Trump kiên quyết rút khỏi TPP?

Việc Trump rút khỏi TPP phản ánh quan điểm về chủ nghĩa bảo hộ của ông, khiến nhiều đồng minh như Nhật Bản và Australia thất vọng, nhưng tạo ra cú huých lớn cho Trung Quốc. Tổng thống Trump phát biểu ở Phòng Bầu dục. Ảnh: Bloomberg. Một trong những hành động đầu tiên ở Nhà Trắng của Trump là giữ đúng cam kết với cử tri Mỹ bằng việc ký quyết định hành pháp… Continue readingNước Mỹ ra sao khi Trump kiên quyết rút khỏi TPP?

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm