Những doanh nhân tuổi Hợi nổi tiếng thương trường Việt Nam

Thursday, 07/02/2019, 00:46 AM

Doanh nhân tuổi Hợi là những người sinh năm 1947, 1959, 1971, 1983… Tuổi Hợi là những người giàu lòng trắc ẩn, nhân ái và yêu thương mọi người. Họ sống tự do, thoải mái và phóng khoáng, bởi vậy tuổi Hợi được mọi người xung quanh quý mến, tôn trọng. Nhờ vào tài năng và sự chăm chỉ của mình, những người này sớm xây dựng được một sự nghiệp vững chắc, ổn định. Sau đây là 4 doanh nhân tuổi Hợi nổi tiếng trên thương trường Việt Nam.

Những doanh nhân tuổi Hợi nổi tiếng thương trường Việt Nam

Nguyễn Bá Dương (1959, Kỷ Hợi)

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons 

Những doanh nhân tuổi Hợi nổi tiếng thương trường Việt Nam - Ảnh 1.

Doanh nhân Nguyễn Bá Dương sinh ngày 22/4/1959 tại Nam Định. Ông Dương vốn học ngành kiến trúc xây dựng và có thời gian công tác tại viện xây dựng công nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng.

Năm 1988, ông Dương chuyển sang công tác tại Công ty giày Phú Lâm với vị trí phó phòng xây dựng cơ bản. Giai đoạn 1990-2002, doanh nhân này công tác tại Công ty công nghiệp nhẹ số 2- Descon với các chức vụ như phó giám đốc xí nghiệp xây dựng và trang trí nội thât, giám đốc xí nghiệp xây dựng số 1, phó giám đốc công ty xây dựng Descon, giám đốc khối xây lắp – công ty kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng Cotec.

Từ năm 2004, ông Dương là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Coteccons. Hiện ông Dương còn đồng thời là Chủ tịch HĐQT Unicons và Thành viên HĐQT Ricons. Tính đến ngày 29/1/2019, Chủ tịch Coteccons sở hữu số cố phẩn trị giá khoảng 544 tỷ đồng.

CTCP Xây dựng Cotec (Coteccons) tiền thân là bộ phận khối xây lắp thuộc công ty kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng – Tổng công ty vật liệu xây dựng số 1 – Bộ xây dựng. Năm 2004, Bộ trưởng Bộ xây dựng ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Khối xây lắp – Công ty kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng.

Công ty này chính thức đi vào hoạt động theo hình thức cổ phần từ 24/8/2004 với vốn điều lệ ban đầu là 15,2 tỷ đồng. Hiện Conteccons có vốn điều lệ là 783,5 tỷ đồng.

Năm 2018, ông Dương bất ngờ được bầu vào vị trí thành viên HĐQT độc lập CTCP Vinamilk. Vinamilk và Coteccons đều là 2 doanh nghiệp lớn đầu ngành nhưng hoạt động trong 2 lĩnh vực khác nhau: Một là ngành sữa, một là ngành xây dựng.

Đặng Lê Nguyên Vũ (1971, Tân Hợi)

Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên

Những doanh nhân tuổi Hợi nổi tiếng thương trường Việt Nam - Ảnh 2.

Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10 tháng 2 năm 1971 tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1979, gia đình ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk.

Năm 1992, ông nhập học Khoa Y, Đại học Tây Nguyên. Trong giai đoạn này ông đã bắt đầu các hoạt động tìm tòi và nghiên cứu về lĩnh vực cà phê. Từ đó cho đến nay, các hoạt động của ông đều gắn liền và xoay quanh niềm đam mê cà phê

Năm 1996, Đặng Lê Nguyên Vũ cùng vợ là Lê Hoàng Diệp Thảo thành lập hãng Cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột. Năm 1998, công ty Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu, từ đó các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên xuất hiện khắp mọi nơi trên toàn quốc.

Năm 2003, cùng với việc phát triển thương hiệu cà phê hòa tan G7, Trung Nguyên dần dần chiếm lĩnh thị trường cà phê Việt Nam, vượt qua cả Vinacafe và Nestlé. Cà phê Trung Nguyên đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn làm Đại sứ ngoại giao văn hóa và làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia.

Theo số liệu năm 2018, Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là đại diện pháp lý và có quyền điều hành sau vụ kiện tụng tốn giấy mực với vợ cũ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên có 3 mảng chính gồm Kinh doanh – chế biến cà phê, bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu (franchising). Theo thông tin từ Chứng khoán Bảo Việt, hiện nay Trung Nguyên cũng đã xây dựng được mạng lưới hơn 2.500 quán cà phê nhượng quyền trên cả nước và ở nước ngoài như Mỹ, Nhật, Singapore.

Cuộc chiến pháp lý giữa 2 vợ chồng Lê Hoàng Diệp Thảo – Đặng Lê Nguyên Vũ thực ra đã bắt đầu từ năm 2015. Nhưng phải đến năm 2018, nội tình Trung Nguyên mới trở nên kịch tính, khi cả bà Thảo và ông Vũ lần lượt xuất hiện trước công chúng.

Cho tới thời điểm hiện tại, vụ ly hôn này vẫn chưa đi đến hồi kết do hai bên chưa thể thống nhất được phương án phân chia tài sản và trách nhiệm chăm sóc con cái.

Hồ Quỳnh Hưng (1971, Tân Hợi)

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang

Những doanh nhân tuổi Hợi nổi tiếng thương trường Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Hồ Quỳnh Hưng sinh ngày 24/7/1971 tại Tp. Hồ Chí Minh. Ông Hưng tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính – Đại học Bách khoa T.P Hồ Chí Minh đồng thời sở hữu tấm bằng thạc sỹ Quản trị Kinh doanh đại học Griggs – Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp, ông Hồ Quỳnh Hưng nộp đơn xin việc tại CTCP Nhựa Rạng Đông, với vị trí nhân viên xuất nhập khẩu. Hai năm sau ông chuyển sang Công ty Giày Hiệp Hưng, doanh nghiệp xuất khẩu giày da lớn lúc bấy giờ và đảm nhiệm vị trí Giám đốc xuất nhập khẩu.

Đảm nhận chức Giám đốc xuất nhập khẩu không lâu thì ngành da giày gặp khó khăn, một phần vì là công ty Nhà nước nên mọi cơ chế hoạt động của doanh nghiệp thiếu linh hoạt, chậm chuyển. Khó khăn chồng chất, công ty làm ăn trì trệ, ông Hưng chán nản từ chức, mở công ty riêng có tên công ty TNHH Việt chuyên ngành nhập khẩu giày dép vào năm 2000.

Vận may đến với ông Hưng khi công ty nhận được một đơn đặt hàng lớn từ Mexico. Nhận định đây là cơ hội để tạo dựng thương hiệu và vị thế của công ty trên thị trường xuất khẩu, doanh nhân quyết tâm thực hiện bằng mọi giá. Để đảm bảo tiến độ giao hàng, ông Hưng không ngại đi từ Nam chí Bắc tìm cơ hội thuê nhân công, nhà xưởng. Từ những lần tiếp xúc này, Hưng tìm ra cơ hội lấn sân sang lĩnh vực gia công nhựa, với việc sản xuất ổ cắm, phích cắm điện. Đây cũng là cơ hội công ty của ông Hưng hợp tác với Điện Quang.

Năm 2007, với việc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh bằng hình thức thâu tóm các công ty cùng ngành nghề và Công ty TNHH Việt lọt vào tầm ngắm của Điện Quang. Điện Quang đã quyết định mua lại công ty TNHH Việt 51% và ông Hưng vẫn được giữ lại làm Giám đốc công ty thành viên. Năm 2008, ông Hồ Quỳnh Hưng được điều động về làm Phó tổng giám đốc Điện Quang quản lý Nhà máy Đồng An, một nhà máy chủ lực của Công ty.

Đến năm 2010 doanh nhân này được HĐQT bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Điện Quang.

Nguyễn Xuân Phú (1971, Tân Hợi)

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse

Những doanh nhân tuổi Hợi nổi tiếng thương trường Việt Nam - Ảnh 4.

Doanh nhân Nguyễn Xuân Phú sinh năm 1971 tại Hà Tây cũ. Từ bé ông Phú học giỏi các môn tự nhiên, từng có ước mơ thành nhà toán học hay nhà khoa học nổi tiếng. Lên cấp 3, dấu hỏi về cái nghèo đưa ông Phú chuyển hướng muốn thi kinh tế. Sau này ông Phú thi vào trường Kinh tế quốc dân.

Sau khi tốt nghiệp, ông Phú được tuyển dụng vào làm cho Tổng công ty xăng dầu. Sau 9 tháng làm việc, khi đã được ký vào biên chế nhà nước chừng tháng rưỡi thì ông Phú quyết định nghỉ việc.

Quyết định này không được bố mẹ ông Phú đồng ý. Ông Phú quyết tâm ở nhà 3 tháng để học tiếng Anh. Bởi tiếng Nga mà ông học trong nhà trường không được sử dụng khi ra trường, xã hội bắt đầu có xu hướng dùng tiếng Anh. Shark Phú đặt quyết tâm thi vào một công ty nước ngoài để tìm hiểu văn hóa cũng như cách thức làm ăn của họ. Về sau ông được giao xây dựng phòng vật tư cho Ford Việt Nam.

Năm 2000, Shark Nguyễn Xuân Phú khởi nghiệp khi trong tay có chưa đến 50 triệu đồng và sau 17 năm, Tập đoàn Sunhouse nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, bên cạnh việc kinh doanh các sản phẩm gia dụng, tập đoàn Sunhouse còn sở hữu công ty Sunhouse Investment chuyên đầu tư tài chính, cổ phiếu, khởi nghiệp.

Theo Trithuctre

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm