Những ý kiến tâm huyết tại đại hội

Sunday, 22/09/2019, 18:53 PM

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại đại hội, có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, nhằm không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến tại đại hội.

Trung tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị  QĐND Việt Nam:

Xác định tốt trách nhiệm chính trị, tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, được sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn xác định tốt trách nhiệm chính trị trong tham gia xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn hoàn thành xuất sắc chức năng đội quân công tác, góp phần tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, quân đội.

Những ý kiến tâm huyết tại đại hội
Trung tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị  QĐND Việt Nam.

Những năm qua, quân đội thường xuyên chủ động, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Dù đóng quân ở bất cứ đâu, các đơn vị quân đội luôn làm tốt việc xây dựng, tăng cường đoàn kết thống nhất, quân dân một ý chí. Hiện nay, các đơn vị trong toàn quân đã tổ chức kết nghĩa với gần 10.500 đầu mối, trong đó có hơn 3.880 cấp ủy, chính quyền và hơn 6.600 tổ chức chính trị-xã hội; cử hơn 5.700 lượt quân nhân tăng cường cơ sở, tham gia củng cố gần 2.200 lượt cấp ủy, chi bộ và tổ chức chính trị cơ sở các cấp.

Trong mọi hoàn cảnh, quân đội luôn thể hiện rõ vai trò là thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam, gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với quyết tâm và trách nhiệm chính trị cao, các đơn vị quân đội đã tham gia hàng trăm dự án, đóng góp hàng triệu ngày công góp phần phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội có hiệu quả, giúp địa phương giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn. Những kết quả đó khẳng định quân đội luôn thực hiện có hiệu quả lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong nhiệm kỳ 2019-2024 và những năm tiếp theo, với vị trí, vai trò là nòng cốt, trung tâm tập hợp các lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục tập hợp, động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức thành viên, trong đó có quân đội. Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn nhận thức sâu sắc về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân dân. Với trách nhiệm chính trị lớn lao, quân đội tiếp tục tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách an sinh xã hội… góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân, tạo sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ông TRẦN BÁ  PHÚC, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia:

Phát huy vai trò vận động ngoại giao

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với khoảng 4,5 triệu người sống và làm việc ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó số lượng trí thức, du học sinh ngày càng tăng. Người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều nỗ lực trong học tập, lao động, chấp hành pháp luật nước sở tại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, làm cầu nối thúc đẩy quá trình hội nhập của đất nước, tích cực đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những ý kiến tâm huyết tại đại hội
Ông TRẦN BÁ  PHÚC, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia.

Người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn về địa vị pháp lý để ổn định cuộc sống, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ, phát huy khả năng đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Tôi rất mừng và tự hào bởi những năm gần đây, hoạt động của MTTQ Việt Nam có nhiều chuyển biến với không ít phong trào, cuộc vận động, các chương trình giám sát, phản biện xã hội; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tôi mong rằng, nhiệm kỳ mới, MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò vận động ngoại giao với quốc tế để hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ đất nước. MTTQ Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng để phối hợp với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác đối ngoại kiều bào. Theo đó, MTTQ Việt Nam cần có những hình thức phù hợp vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tích cực các phong trào, các cuộc vận động nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đồng chí TRIỆU LỆ KHÁNH, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh:

Đẩy mạnh vận động ưu tiên dùng hàng Việt

Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chương trình lớn do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Qua 10 năm triển khai, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh với chức năng là cơ quan thường trực đã tham mưu cho ban chỉ đạo CVĐ của thành phố có nhiều chủ trương, giải pháp để CVĐ lan tỏa sâu rộng. TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiên phong trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Để CVĐ nhanh chóng đi vào đời sống hằng ngày của người dân, MTTQ thành phố đã đề ra nhiều giải pháp tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền góp phần rất lớn trong việc hình thành thói quen của người tiêu dùng khi xem hoặc mua sản phẩm, ưu tiên dùng hàng Việt.

Những ý kiến tâm huyết tại đại hội
Đồng chí TRIỆU LỆ KHÁNH, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh.

MTTQ thành phố cũng đề ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thông qua các chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh, thành lân cận; tổ chức nhiều hoạt động đối thoại trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, cơ chế, thủ tục hành chính… Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh luôn hướng tới ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh xanh, sạch. Điểm nhấn của CVĐ là chương trình bình ổn thị trường, được duy trì liên tục từ năm 2010 đến nay, trong đó ưu tiên tập trung bảo đảm nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ các dịp lễ, tết…

Để thực hiện chương trình hành động của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX về thực hiện CVĐ, hệ thống mặt trận các cấp cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác chỉ đạo triển khai CVĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để CVĐ đi vào chiều sâu; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và có nhiều giải pháp tuyên truyền đến kiều bào ta ở nước ngoài quan tâm, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp trong nước. Hệ thống MTTQ, các tổ chức thành viên cần phát huy vai trò giám sát, kịp thời phát hiện, tố giác các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đồng chí NGUYỄN THỊ THU HÀ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:

Nghiên cứu cách thức quy tụ, lấy ý kiến nhân dân qua mạng xã hội

Nhiệm kỳ vừa qua, MTTQ Việt Nam thực hiện rõ nét, đa dạng, hiệu quả công tác phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên mặt trận và Chính phủ; sáng tạo, quyết liệt trong tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Những ý kiến tâm huyết tại đại hội
Đồng chí NGUYỄN THỊ THU HÀ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Những năm gần đây, hoạt động giám sát (GS), phản biện xã hội (PBXH) của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội được thể chế tương đối rõ trong các quy định của Đảng, Nhà nước. Từ thực tiễn 5 năm qua, với 15.000 cuộc GS chuyên đề và tham gia gần 56.000 cuộc GS khác, chúng tôi cho rằng muốn phản biện tốt phải coi trọng GS, nhất là GS thường xuyên. Với hoạt động PBXH, việc xác định, lựa chọn nội dung phản biện là cốt lõi và phải cơ bản dựa trên các vấn đề phát hiện từ GS.

Kinh nghiệm từ việc phản biện gần 38.000 văn bản dự thảo và tổ chức gần 22.000 hội nghị PBXH; tổ chức gần 22.000 cuộc đối thoại trực tiếp của phụ nữ cho thấy, cần đề cao tính xây dựng trong phản biện, kiên trì, bền bỉ, biết lắng nghe, hợp tác trong theo đuổi vấn đề; nhất là trong việc lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Quá trình PBXH phải đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ trong điều kiện, hoàn cảnh chung của địa phương, đất nước…

Việc tập hợp ý kiến nhân dân, quy tụ khối đại đoàn kết toàn dân tộc được MTTQ thực hiện ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, trong điều kiện mạng xã hội ngày càng trở thành diễn đàn đông đảo của người dân, MTTQ cần chủ trì nghiên cứu cách thức khai thác thế mạnh; quy tụ, lấy ý kiến nhân dân thông qua cộng đồng mạng xã hội này. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò kết nối của mặt trận với hàng nghìn tổ chức xã hội hiện nay; tăng cường tổ chức đối thoại giữa các tầng lớp nhân dân với cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp. Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế tiếp thu, xử lý kiến nghị sau GS; đặc biệt là quy định việc tham vấn, lấy ý kiến của nhân dân, tiếp thu ý kiến phản biện của mặt trận trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng chí NGUYỄN LAN HƯƠNG, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội:

Để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát đối với đảng viên, tổ chức đảng

Hà Nội xác định hoạt động giám sát (GS) và phản biện xã hội (PBXH) là một nhiệm vụ quan trọng, thể hiện vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã phối hợp tham mưu trình Thành ủy Hà Nội ban hành các quyết định, chỉ thị, quy chế… về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế GS, PBXH của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn.

Những ý kiến tâm huyết tại đại hội
Đồng chí NGUYỄN LAN HƯƠNG, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội.

Hằng năm, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp chủ động phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch GS, PBXH, tham gia góp ý nhiều nội dung thiết thực như: Việc thực hiện nghị quyết của HĐND các cấp; thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng; chủ trì tổ chức GS các nội dung: Giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra; đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công; phối hợp GS việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…

Hiện nay, hoạt động GS, PBXH của MTTQ được điều chỉnh bởi các văn bản: Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Luật MTTQ Việt Nam, Nghị quyết liên tịch 403 của Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, phạm vi, đối tượng GS, PBXH của MTTQ theo các văn bản nêu trên lại khác nhau, khiến cho thực tiễn GS, PBXH của MTTQ đối với đảng viên, tổ chức đảng đang gặp nhiều khó khăn và lúng túng. Do vậy, Trung ương cần có văn bản hướng dẫn thống nhất và cụ thể hơn về trình tự, thủ tục khi GS, PBXH của MTTQ đối với đảng viên và tổ chức đảng. Thực tiễn GS thời gian qua cho thấy, việc Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức GS đối với cấp ủy, chính quyền cùng cấp là rất khó khăn và không hiệu quả, đặc biệt là các tổ chức chính trị-xã hội cấp xã. Do đó, để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động GS, đề nghị MTTQ cấp trên tổ chức GS đối với cấp ủy, chính quyền cấp dưới…

Hòa thượng THÍCH THIỆN NHƠN, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam:

Phát huy truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam

Tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân là một trong những nhiệm vụ, vai trò quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam. Hơn bao giờ hết, tinh thần đoàn kết luôn là chất keo gắn bó các mối quan hệ trong cuộc sống, đưa đến một sự thành công viên mãn. Hồ Chủ tịch từng khẳng định: “Không có thứ vũ khí nào khác có đủ sức mạnh vô địch để chiến thắng kẻ thù ngoài sự đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo”. Chính vì vậy, vấn đề tập hợp, đoàn kết và đoàn kết tôn giáo trong thời đại ngày nay chưa bao giờ mất đi ý nghĩa và vai trò quan trọng.

Những ý kiến tâm huyết tại đại hội
Hòa thượng THÍCH THIỆN NHƠN, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

MTTQ từ khi ra đời trải qua chiều dài của lịch sử, yếu tố không tách rời đó là đoàn kết, phát huy tinh thần của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh…

Truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát huy với kết quả quan trọng, đó là những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng ngôi nhà đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Nói đến vai trò “hộ quốc an dân”của Phật giáo trong các hoạt động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là sứ mạng cao cả của đạo Phật và cũng chính là trách nhiệm thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam trong mọi thời đại.

Hòa cùng sự thịnh trị của đất nước, Phật giáo nước nhà cũng ngày càng phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò là thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam, đã đồng hành, gắn bó với khối đại đoàn kết toàn dân. Với truyền thống “hộ quốc an dân”, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và sự động viên khích lệ của MTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có, phấn đấu nỗ lực cống hiến hết mình vì lý tưởng xây dựng một xã hội tình thương, an lạc và hạnh phúc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.

Đồng chí VI ĐỨC THỌ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Sơn La:

Tập hợp sức dân để nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Sơn La luôn xác định người dân là nhân tố trung tâm để ban hành chủ trương, chính sách. Quán triệt chủ trương trên, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân chuyển đổi, thành lập mới các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và tích cực lựa chọn chuyển đổi trồng cây ăn quả phù hợp với đất đai và các tiểu vùng khí hậu của tỉnh. Ủy ban MTTQ các cấp của tỉnh tổ chức các cuộc họp, các kỳ sinh hoạt chuyên đề tới các chi hội để vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thành lập các HTX, chuyển đổi cây trồng, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp…

Những ý kiến tâm huyết tại đại hội
Đồng chí VI ĐỨC THỌ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Sơn La.

Đến tháng 6-2019, toàn tỉnh Sơn La có 588 HTX, 6.124 hội viên, tăng 338% số lượng HTX và tăng 184% số hội viên so với năm 2015; trong đó có 201 HTX trồng cây ăn quả, chiếm 41,9% số hợp tác xã nông nghiệp, tăng 773% so với số HTX trồng cây ăn quả năm 2015. Sáu tháng đầu năm 2019 đã xuất khẩu hơn 35.000 tấn hoa quả… Dự kiến năm 2019 sản lượng quả các loại khoảng 410.257 tấn, tăng 188,2% so với năm 2018…

Việc chuyển đổi, thành lập mới các HTX và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây ăn quả đã có tác động lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh; phát huy được tiềm năng và thế mạnh ở địa phương, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cây ăn quả ở Sơn La đã khẳng định ưu thế so với các loại cây trồng khác, góp phần giải quyết được nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, đời sống nhân dân được nâng lên.

Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn được tỉnh Sơn La quan tâm, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các nhà máy chế biến để nâng cao khả năng cạnh tranh; từ đó hình thành các chuỗi liên kết khép kín, góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GAP mang thương hiệu Sơn La vươn tới người tiêu dùng cả nước và xuất khẩu.

Đồng chí LÊ XUÂN SƯƠNG, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đắc Lắc:

Vận động đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước

Tỉnh Đắc Lắc hiện có 4 tôn giáo chính với hơn 600.000 tín đồ, đạo hữu các tôn giáo, chiếm 32% dân số của tỉnh. Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Đắc Lắc và các tổ chức thành viên, đoàn thể chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động…; qua đó góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.

Những ý kiến tâm huyết tại đại hội
Đồng chí LÊ XUÂN SƯƠNG, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đắc Lắc.

Để động viên đồng bào tín đồ các tôn giáo chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ động tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà các cơ sở thờ tự, chức việc tôn giáo nhân các ngày lễ trọng. MTTQ các cấp trong tỉnh tích cực vận động các vị chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời đẹp đạo”, đồng hành cùng dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vận động các tôn giáo trong tỉnh tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng bào vùng có đạo đã tự giác góp công sức, tiền của để xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn…

Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc, tôn giáo tỉnh Đắc Lắc nhận thức rõ việc các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá Đảng, Nhà nước; gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh đề ra chủ trương, giải pháp là tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của đồng bào các tôn giáo.

 Theo Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân

 

5/5 - (1 vote)

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin nên xem

Nguyên nhân thực sự dẫn đến cuộc khủng hoảng thuê nhà ở Australia?

Một nhóm chuyên gia cố vấn có khuynh hướng bảo thủ ở Australia cho rằng người nhập cư và sinh viên quốc tế là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng thuê nhà ở quốc gia này. Quang cảnh đường phố tại Sydney, Australia. Ảnh: THX/TTXVN   Theo trang mạng sbs.com.au, một nhóm chuyên gia cố vấn có khuynh hướng bảo thủ ở Australia cho rằng người nhập cư và sinh viên quốc tế là… Continue readingNguyên nhân thực sự dẫn đến cuộc khủng hoảng thuê nhà ở Australia?

Sáng kiến tái chế áo phao cứu hộ của Vietnam Airlines

Những chiếc áo phao cứu hộ không còn đảm bảo chất lượng an toàn được Vietnam Airlines tái chế thành những chiếc túi, dành tặng các hành khách trên chuyến bay mang số hiệu VN37, khởi hành từ Hà Nội đi Frankfurt (Đức) ngày 26/5/2023. Đây là hoạt động của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, nằm trong chiến dịch tham gia “Thử thách chuyến bay bền vững” (Sustainable Flight Challenge – SFC) do… Continue readingSáng kiến tái chế áo phao cứu hộ của Vietnam Airlines

Tạo điều kiện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội cả nhiệm kỳ

Đúng 9 giờ ngày 22/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN   Dự phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính;… Continue readingTạo điều kiện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội cả nhiệm kỳ

Kiều bào nói hãnh diện dùng hộ chiếu Việt Nam nơi đất khách

Ngày 7.1, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM gặp gỡ kiều bào tiêu biểu dịp Tết Nguyên đán 2023. Hoạt động này đã thành nét truyền thống khi Tết đến xuân về. Đây là dịp để lãnh đạo TP.HCM lắng nghe những câu chuyện của bà con kiều bào, những tâm huyết, trăn trở về sự phát triển, đóng góp cho quê hương đất nước, trong đó có TP.HCM Trao đổi với 50… Continue readingKiều bào nói hãnh diện dùng hộ chiếu Việt Nam nơi đất khách

Gặp gỡ, thăm hỏi cộng đồng người Việt tại Australia

(ĐCSVN) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng mong muốn các hội, đoàn người Việt tại Australia tiếp tục mở rộng mạng lưới thành viên, tập hợp rộng rãi hơn nữa; tăng cường kết nối với trong nước, cũng như với các hội đoàn kiều bào tại các địa bàn khác… Trong khuôn khổ chuyến công tác tới Malaysia và Australia, từ ngày 6… Continue readingGặp gỡ, thăm hỏi cộng đồng người Việt tại Australia

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm