Nồng độ khí nhà kính đạt mức cao kỷ lục và không có dấu hiệu chậm lại

Friday, 14/02/2020, 20:36 PM

Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết lượng khí nhà kính trong khí quyển đã đạt kỷ lục mới vào năm 2018, tăng nhanh hơn mức tăng trung bình của thập kỷ trước và làm xuất hiện ngày càng nhiều các hình thái thời tiết gây hại. Úc được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Lượng khí thải nhà kính trong khí quyển, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, đã đạt mức cao kỷ lục. Thông tin này khiến Liên Hợp Quốc phải đưa ra lời kêu gọi hành động để bảo vệ “phúc lợi tương lai của nhân loại”.

Nồng độ khí nhà kính gia tăng nhanh chóng

Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), ông Petteri Taalas, khẳng định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển không có dấu hiệu được hạn chế, chưa nói đến suy giảm, thực tế này bất chấp mọi cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Các thế hệ tương lai sẽ phải đối mặt với những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, bao gồm nhiệt độ tăng, thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước, nước biển dâng, axit hóa đại dương, gián đoạn hệ sinh thái.

Bản tin Khí nhà kính hàng năm của WMO đã liệt kê nồng độ CO2 trong khí quyển năm 2018 ở mức 407,8 phần triệu, tăng từ 405,5 phần triệu của năm 2017. Tốc độ gia tăng này cao hơn mức tăng trung bình hàng năm trong thập kỷ qua. Khí CO2 chịu trách nhiệm cho khoảng hai phần ba sự nóng lên của trái đất.

Khí nhà kính phổ biến thứ hai trong khí quyển là mê-tan – phát thải một phần từ gia súc và hoạt động canh tác lúa – chịu trách nhiệm cho 17% sự nóng lên toàn cầu. Tiếp theo là oxit nitơ, nguồn phát thải chủ yếu của loại khí này là từ phân bón nông nghiệp, gây ra khoảng 6% sự nóng lên trên trái đất. Nồng độ mê-tan và oxit nitơ trong khí quyển đều đạt mức cao kỷ lục vào năm 2018.

Các cuộc biểu tình biến đổi khí hậu diễn ra ở nhiều thành phố, bao gồm cả các thành phố trên khắp nước Úc.

Nguồn ảnh: City of Sydney

Khí thải là yếu tố chính quyết định lượng khí nhà kính nhưng tỷ lệ nồng độ là thước đo cho những gì còn lại sau một loạt các tương tác phức tạp giữa khí quyển, sinh quyển, thạch quyển, tầng đối lưu và đại dương. Khoảng 25% tổng lượng khí thải hiện đang được các đại dương và sinh quyển hấp thụ. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đã tuyên bố rằng để giữ mức tăng nhiệt dưới 1,5 độ C thì lượng khí thải CO2 ròng phải ở mức 0, nghĩa là lượng khí thải vào khí quyển phải bằng lượng được loại bỏ, thông qua tự nhiên hấp thụ hoặc bằng công nghệ loại bỏ.

Úc là quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu

Theo Cục Môi trường Liên bang Úc, nước Úc gây ra khoảng 1,3% lượng phát thải toàn cầu. Chính phủ đã đặt mục tiêu giảm phát thải xuống 26-28% so với mức năm 2005 vào năm 2030.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới do Hội đồng Khí hậu thực hiện đã cho thấy hơn 53% người Úc nghĩ rằng cần phải hành động nhiều hơn thế, chẳng hạn như tăng cường tập trung vào năng lượng tái tạo. Ngoài ra, hơn một nửa trong số 1500 người được khảo sát tin rằng biến đổi khí hậu đã khiến nguy cơ cháy rừng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Tim Baxter, chuyên gia nghiên cứu của Hội đồng Khí hậu, nhận định Úc là quốc gia phát triển dễ bị tổn thương nhất trên thế giới khi xét về tác động của biến đổi khí hậu. Đất nước đã trải qua một mùa xuân khô nóng nhất trong lịch sử với năm tiểu bang phải gánh chịu hậu quả của những cơn hỏa hoạn thảm khốc.

 

Nguồn tin: sbs.com.au

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm