Reuters ca ngợi du lịch Việt Nam phục hồi nhanh

Saturday, 27/06/2020, 19:12 PM

Đều sớm đẩy lùi Covid-19, nhưng Việt Nam có các chỉ số du lịch tăng, còn tình hình du lịch tại New Zealand vẫn ảm đạm.

Laura Douglas, chủ một trang trại rộng 15.000 ha nằm giữa những ngọn núi phủ tuyết phía nam New Zealand, từng đón hàng trăm khách quốc tế mỗi tháng cho đến khi đại dịch khiến việc kinh doanh đình trệ. Để trang trải cuộc sống, Douglas phải làm thêm nghề tay trái là bác sĩ thú y khi quốc gia đóng cửa biên giới. Douglas không phải trường hợp duy nhất phải đổi nghề trong đại dịch, đây là tình hình chung của du lịch New Zealand hiện tại khi mọi thứ đều sụt giảm và ảm đạm.

Du khách chụp ảnh bên cầu Thê Húc, Hồ Gươm, Hà Nội hôm 18/5. Ảnh: Kham/Reuters.

Du khách chụp ảnh bên cầu Thê Húc, Hồ Gươm, Hà Nội hôm 18/5. Ảnh: Kham/Reuters.

Tháng 7 thường là mùa cao điểm du lịch, nhưng các chuyến bay đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí nhiều chuyến đang bị hủy bỏ, theo số liệu từ công ty phân tích du lịch Cirium. Số lượng các đơn đặt phòng cũng giảm 55% vàReuters nhận định đến cuối năm 2020, việc phục hồi vẫn là điều không thể.

Thủ tướng Jacinda Ardern kêu gọi các nhà tuyển dụng xem xét giảm bớt ngày làm việc, còn 4 ngày một tuần. Chính phủ cũng đang tích cực tăng các ngày nghỉ lễ trong năm nay. Những động thái trên nhằm kích cầu du lịch. Dường như, người dân bắt đầu chú ý đến sự khuyến khích của chính phủ và các chuyến đi cuối tuần bắt đầu nhiều hơn.

Ngoài ra, chính phủ tung gói hỗ trợ 256 triệu USD để trợ cấp tiền lương và các chi phí khác của ngành công nghiệp du lịch. Tuy nhiên, theo các chủ doanh nghiệp, điều này vẫn không đủ sức khiến du lịch New Zealand phục hồi như ban đầu, mà phải trông mong vào khách quốc tế.

Trong khi đó, tại Việt Nam, quốc gia châu Á đang được cả thế giới ca ngợi trong kiểm soát dịch bệnh – theo nhận định từ Reuters, kịch bản lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại. New Zealand và Việt Nam đều là những quốc gia nổi tiếng kiểm soát tốt dịch bệnh, đều đã dỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và cùng một số hạn chế nhập cảnh với người nước ngoài. Nhưng cả hai nước khác nhau rõ rệt trong việc thúc đẩy, hồi phục du lịch. Nếu xứ sở chim kiwi gặp khó khăn vì phụ thuộc vào thị trường quốc tế đem lại lợi nhuận hơn 5,3 tỷ USD, Việt Nam lại đang hồi phục nhờ kích cầu nội địa. Trong tháng 7, hơn 26.000 chuyến bay (tăng 16%) sẽ cất cánh trên bầu trời Việt Nam, vận chuyển 5 triệu hành khách (tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái).

Nguyen Thi Thuy Anh, giám đốc một công ty du lịch tại Việt Nam, cho biết chính phủ đã đưa ra phương án kích cầu nội địa. Nhiều địa phương và các doanh nghiệp hưởng ứng, đưa ra các chương trình khuyến mại nhằm thu hút du khách. Các khách sạn và vé máy bay giảm giá mạnh, dẫn đến việc đặt phòng, vé tăng đột biến. Theo cô, nhiều du khách không đủ tài chính để sử dụng dịch vụ khách sạn 5 sao khi chưa có khuyến mại. Do đó, khi giá phòng giảm, lượng đặt phòng ồ ạt tăng lên.

Theo phân tích của Reuters, TP HCM, Hà Nội, Phú Quốc và Nha Trang là những điểm nóng du lịch được nhiều người tới nhất, tính đến giữa tháng 6, sau khi thời kỳ cách ly xã hội kết thúc vào cuối tháng 4.

Theo Vnexpress

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm