Doanhnhanvietuc – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ra dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng.
Cụ thể, tại Điều 17 của Thông tư 08/2017/TT-NHNN bổ sung áp dụng can thiệp sớm là biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng.
Chi tiết quy trình của áp dụng can thiệt sớm như sau: Căn cứ các tài liệu, thông tin, dữ liệu về tình hình hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng và phân tích, đánh giá của đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lâm vào một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 130a Luật các tổ chức tín dụng.
Khi nhận được văn bản can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước, đối tượng giám sát ngân hàng có trách nhiệm trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản can thiệp sớm, đối tượng giám sát ngân hàng có trách nhiệm báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước (qua đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng) giải trình thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục và kế hoạch triển khai thực hiện phương án khắc phục.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng có trách nhiệm đánh giá, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản chấp thuận phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng. Trong quá trình đánh giá, trong trường hợp xét thấy cần thiết, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng điều chỉnh, bổ sung phương án khắc phục.
Văn bản chấp thuận phải bao gồm thời hạn thực hiện phương án khắc phục nhưng tối đa là 01 năm, kể từ ngày có văn bản áp dụng can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước, hình thức và tần suất báo cáo về tiến độ, kết quả thực hiện phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng.
Trường hợp đối tượng giám sát ngân hàng không xây dựng được phương án khắc phục hoặc sau thời hạn thực hiện phương án mà không khắc phục tình trạng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 130a Luật các tổ chức tín dụng, tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước áp dụng một hoặc một số biện pháp quy định tại Khoản 4 Điều 130a Luật các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, tại Điều 19, bổ sung Điều 19a quy định về việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá thực hiện phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng. Theo đó, trong quá trình theo dõi, căn cứ vào kết quả thực hiện phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng có quyền đề xuất tiến hành thanh tra đột xuất đối với đối tượng giám sát ngân hàng. Căn cứ kết luận thanh tra, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng bổ sung một hoặc một số biện phạm quy định tại Khoản 4 Điều 130a Luật các tổ chức tín dụng.
Theo Trithuctre
Leave your comment