Sau khi lãi 2.000 tỷ/quý khiến ông Lê Phước Vũ phải ghen tị, tỷ suất lợi nhuận của Hòa Phát đang dần suy giảm

Monday, 08/05/2017, 18:40 PM

Biên lợi nhuận của Hòa Phát lên cao kỷ lục, đạt 19% hồi quý 2/2016, nhưng 3 quý gần đây liên tục sụt giảm trở lại.

Sau khi lãi 2.000 tỷ/quý khiến ông Lê Phước Vũ phải ghen tị, tỷ suất lợi nhuận của Hòa Phát đang dần suy giảm

Hồi giữa năm 2016, tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ từng họp đại hội cổ đông bất thường để thông qua kế hoạch đầu tư dự án thép Cà Ná. Tại đại hội này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen gây xôn xao khi nói rằng “ngu gì không làm thép, ngu gì không đầu tư”, khi chứng kiến thép Hòa Phát lãi 2.000 tỷ đồng chỉ trong 1 quý.

Khi đó, báo cáo tài chính quý 2/2016 của Hòa Phát cho thấy, doanh thu từ mảng thép đạt gần 10.400 tỷ đồng thì lãi thuần là 1.981 tỷ đồng, biên lợi nhuận lên tới 19%. Tỷ suất lợi nhuận này là cao nhất của Hòa Phát và gấp hơn 2 lần so với tỷ suất trung bình các năm trước.

Tuy nhiên, sau khi lập kỷ lục khiến ông Lê Phước Vũ cũng phải thèm muốn, mảng thép của Hòa Phát đang dần quay lại giá trị ban đầu. Quý 3/2016, doanh thu Hòa Phát vẫn tăng trưởng nhưng lợi nhuận thuần xuống còn 1.700 tỷ. 2 quý tiếp theo, doanh thu đạt gần 15.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận vẫn chỉ dừng ở mức 2.000 tỷ.

Từ mức tỷ suất kỷ lục 19%, 3 quý vừa qua biên lợi nhuận mảng thép của Hòa Phát đang giảm dần, xuống chỉ còn 13-14%.

Tính đến cuối năm 2016, thép Hòa Phát chiếm 22,2%, tiếp tục tăng so với năm trước trong khi các đối thủ như Pomina, Tisco, Vinakyoei đều sụt giảm. Công ty chứng khoán ACBS nhận định, sự tăng trưởng này đến từ đóng góp của toàn bộ khu liên hợp Gang thép Hòa Phát.

Mặc dù vậy, ACBS đánh giá, toàn bộ khu liên hợp hiện nay đã chạy tới 89% tổng công suất thiết kế, đồng nghĩa dư địa tăng trưởng trong năm nay sẽ chỉ còn lại khoảng 10%.

Chính vì thế, động lực tăng trưởng của thép Hòa Phát là trông cậy vào dự án thép Dung Quất. Đây là dự án được chính thức triển khai từ tháng 2/2017 và hoàn thành vào cuối năm 2019, sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất của thép Hòa Phát từ 2 triệu tấn hiện nay lên 6 triệu tấn/năm. Do đó, ACBS nhận định, thị phần thép của Hòa Phát sẽ không tránh khỏi việc điều chỉnh trong vòng 2 năm tới, cho đến khi Dung Quất chính thức vận hành.

Cũng theo ACBS, chi phí sản xuất thép năm nay sẽ tăng mạnh. Nguyên liệu đầu vào chính trong sản xuất thép hiện nay bao gồm quặng sắt, than đá và thép phế, với chi phí lần lượt chiếm 30%, 25% và 12% giá thành sản xuất. ACBS cho rằng, giá quặng sắt và thép phế đến cuối năm nay sẽ tăng mạnh khoảng 30% so với trung bình do thông báo cắt giảm sản lượng sản xuất từ các nhà máy Trung Quốc. Vì vậy, chi phí sản xuất thép xây dựng của Hòa Phát sẽ tăng khoảng 10-15% trong năm nay.

Ngoài thép, ưu tiên lớn thứ 2 của Hòa Phát hiện nay là nông nghiệp, với nhiều sản phẩm như thức ăn chăn nuôi, lợn, gà, bò, hướng tới mô hình khép kín 3F (Feed – Farm – Food).

Hiện nay, Hòa Phát đã nhập gần 2.000 con lợn giống từ Đan Mạch để phục vụ cho việc nhân giống đàn lợn. Dự kiến, năm 2018 Hòa Phát sẽ bắt đầu bán lợn thương phẩm ra thị trường.

Tuy nhiên, thị trường thịt lợn thời gian gần đây đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi lượng cung vượt xa nhu cầu, khiến giá giảm mạnh, người chăn nuôi thua lỗ. Nếu không giải được bài toán đầu ra, nguồn cung 650.000 đầu lợn thương phẩm/năm của Hòa Phát sẽ tạo áp lực lớn hơn nữa cho giá thịt lợn năm 2018.

Theo trithuctre

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm