Thế giới chạy đua ngăn khủng hoảng nhân đạo, Australia di tản 26 người khỏi Afghanistan

Thursday, 19/08/2021, 15:29 PM

Trong bối cảnh chính trị và an ninh rối ren ở Afghanistan, thế giới chạy đua nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn tại đây. Australia đã thực hiện 26 công dân của mình ra khỏi quốc gia Nam Á này.

Mặc dù Taliban đã đưa ra cam kết là không gây hoảng sợ cho người Afghanistan, song liên tục những lời kêu gọi đảm bảo an toàn cho người dân cũng như tránh cho hệ thống an sinh xã hội, cũng như y tế bị sụp đổ đã được đưa ra những ngày qua.

Chủ nhân Giải Nobel hòa bình năm 2014 Malala Yousafzai, người từng bị lực lượng Taliban ở Pakistan bắn vào đầu, hôm qua (17/8) kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo quốc tế bảo vệ người dân Afghanistan khỏi nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ: “Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp bách mà chúng ta cần phải giúp đỡ và hỗ trợ ngay lập tức. Chúng ta không thể chỉ nhìn vào màn hình của mình và không làm bất cứ điều gì. Tôi đã và đang cố gắng tiếp cận với nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu. Tôi nghĩ mọi quốc gia đều nên có vai trò và trách nhiệm ngay bây giờ. Các quốc gia cần mở cửa biên giới cho người tị nạn Afghanistan, cho những người phải di tản.”

Malala cũng cho biết cô đã gửi thư cho Thủ tướng Pakistan Imran Khan, kêu gọi ông tiếp nhận người tị nạn Afghanistan và đảm bảo an toàn cho trẻ em tị nạn, trao cơ hội giáo dục để tương lai của chúng không bị mất đi.

Mặc dù Taliban đã đưa ra cam kết không gây hoảng sợ cho người Afghanistan, song Liên Hợp Quốc đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về nguy cơ vi phạm nhân quyền đối với dân thường, nhất là phụ nữ và bé gái, cũng như những người làm việc cho chính phủ, các tổ chức quốc tế hay các lực lượng quân sự ở nước này.

Người đứng đầu các chiến dịch khẩn cấp của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Afghanistan Mustapha Ben Messaoud cho biết: “Lập trường của Taliban ít nhiều giống nhau nhưng chúng tôi cũng đã nhận thấy những khác biệt nhỏ, đặc biệt trong vấn đề liên quan đến trình độ học vấn của trẻ em gái. Các đại diện của Taliban ở một số vùng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cho bé gái được đi học.”

Hàng chục nghìn người tìm cách chạy khỏi Afghanistan do lo ngại sự quay trở lại của chế độ Hồi giáo cực đoan mà Taliban từng áp đặt, cũng như lo sợ bị Taliban trả thù vì đã hỗ trợ chính phủ Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn trong 2 thập kỷ qua. Thậm chí trước khi xảy ra tình hình hỗn loạn trong những ngày gần đây, Liên Hợp Quốc cho biết hơn 550.000 người Afghanistan kể từ đầu năm nay đã phải tha hương do hậu quả của cuộc xung đột và bất ổn an ninh ở nước này. Người phát ngôn của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Shabia Mantoo trước đó cùng ngày cũng đã kêu gọi các nước cấm mọi hình thức bắt buộc người Afghanistan trở về nước sau khi lực lượng Taliban tuyên bố nắm quyền kiểm soát đất nước, gây lên làn sóng sợ hãi bao trùm thủ đô Kabul: “Trước tình hình nhân quyền và an ninh suy giảm nhanh ở nhiều vùng rộng lớn của đất nước  và thảm hoạ nhân đạo đang lan rộng, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn kêu gọi các quốc gia trên thế giới ngừng bắt buộc công dân Afghanistan trở về nước, những người trước đây được xác định là không cần sự bảo hộ quốc tế”.

Theo  Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết kể từ tháng 6 đến nay, có hơn 40.000 người bị thương trong các cuộc xung đột tại Afghanistan được điều trị tại các cơ sở y tế được Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế hỗ trợ, trong đó có 7.600 người từ đầu tháng 8/2021.

Trong khi đó, Australia hôm nay (18/8) đã thực hiện chuyến bay đầu tiên sơ tán 26 người gồm công dân nước họ và người Afghanistan ra khỏi Afghanistan. Trong thời gian tới Australia sẽ tiếp tục các chuyến bay này.

Chiếc máy bay vận tải của Không quân Australia cất cánh từ sân bay Kabul đã ra khỏi không phận Afghanistan. Trước đó, chiếc máy bay C-130 Hercules xuất phát từ một căn cứ quân sự ở Trung Đông để bắt đầu chiến dịch sơ tán công dân Australia và các nhân viên người địa phương cùng với các thành viên gia đình ra khỏi thủ đô Kabul.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, trong chuyến bay đầu tiên, 26 người gồm công dân Australia và các nhân viên địa phương từng làm việc cho Australia đã được đưa tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào 10h45 sáng nay.

Ước tính có khoảng 600 người gồm 130 công dân Australia cùng với hơn 200 cựu nhân viên người địa phương và các thành viên gia đình của họ muốn rời khỏi Afghanistan tuy nhiên số người được sơ tán trong chuyến bay đầu tiên không nhiều. Giải thích về điều này, Thủ tướng Morrison cho biết, đây là một quá trình phức tạp liên quan đến rất nhiều vấn đề từ thời tiết, đến chỗ đỗ tại sân bay, rồi dịch Covid-19 và đặc biệt là vấn đề an ninh.

“Đây không phải là các công việc đơn giản được thực hiện trong vài tuần mà cần phải được chuẩn bị trong nhiều tháng. Bởi các đối tượng được sơ tán là những người đến từ các vùng khác nhau tại Afghanistan. Họ di chuyển khắp nơi, có nhiều trải nghiệm và có thể gặp nhiều người có ảnh hưởng vì thế mà chúng ta cần phải rất cẩn trọng với những vấn đề như thế này”.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne khẳng định đây là chuyến bay đầu tiên, tiếp sau chuyến bay này sẽ có nhiều chuyến bay khác để đưa công dân nước này và những người Afghanistan từng làm việc cho chính phủ Australia ra khỏi Afghanistan.

Bộ trưởng Nội vụ Australia Karen Andrews cho biết các nhân viên hỗ trợ người địa phương được sơ tán khỏi Kabul khi đến Australia sẽ phải kiểm tra y tế và an ninh. Nếu những người này đáp ứng các điều kiện nhập cảnh, họ sẽ được hoan nghênh tại Australia.

Thủ tướng Scott Morrison cho biết thêm, trong năm nay, nước này có thể cấp 3.000 thị thực nhân đạo để người dân Afghanistan có thể đến Australia sinh sống. Chương trình này sẽ được thực hiện qua các kênh chính thức và “hợp pháp”./.

 

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm