Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi chọn một ngày mới làm “ngày bản địa” thay vì đổi Quốc khánh

Tuesday, 02/10/2018, 19:52 PM

Thủ tướng Úc Scott Morrison đã đề nghị lựa chọn một ngày khác làm ngày vinh danh các dân tộc và văn hóa bản địa trong khi vẫn bảo vệ quan điểm duy trì ngày 26 tháng 1 là Quốc khánh Úc.

“Tự bài trừ” sẽ không giúp nước Úc lớn mạnh hơn

Đề nghị này được đưa ra sau khi Hội đồng Byron Shire trở thành chính quyền địa phương thứ ba bị tước quyền tổ chức các lễ kỷ niệm công cộng sau khi bỏ phiếu ủng hộ việc không tổ chức mừng Quốc khánh vào ngày 26/1. Ông Morrison nhấn mạnh “việc tự bài trừ” sẽ không giúp nước Úc lớn mạnh hơn. “Chúng ta không cần thiết phải xóa bỏ “Ngày của nước Úc” mới ghi nhận được những thành tựu của người Úc bản xứ –  nền văn hóa lâu đời nhất trên thế giới. Cả hai ngày có thể cùng tồn tại.”

Thủ tướng không nói rõ về hình thức hay ngày kỷ niệm nào sẽ được chọn làm “ngày bản địa” mà chào đón một hướng thảo luận công khai về vấn đề này. Theo ông đây là việc cần nhận được sự đổng thuận của các bang và vùng lãnh thổ, cùng với đó là phải xem xét các “vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh” khi có thêm một ngày kỷ niệm mới quy mô toàn quốc.

Thủ tướng đề xuất chọn 27/5 là ngày kỷ niệm cho các dân tộc bản địa

Nguồn ảnh: Lukas Coch/EPA

Ông đề xuất chọn ngày 27 tháng 5, đây là ngày trưng cầu dân ý năm 1967 để chính thức công nhận các dân tộc Thổ dân và dân đảo Torres Strait là một phần của nước Úc. Nó diễn ra sau Ngày toàn quốc hối tiếc (National Sorry Day) – 26 tháng 5, cũng là ngày mà bản Tuyên bố Uluru được tiết lộ vào năm 2017, bản Tuyên bố này là cú hích lớn nhất mà các dân tộc bản địa khởi xướng vì sự hòa giải và cải cách thông qua thay đổi hiến pháp.

Những phản hồi trái chiều đối với đề xuất mới

Đề xuất của Thủ tướng đã nhận được các luồng phản hồi trái chiều từ nhiều phía. Bộ trưởng Tự do Ken Wyatt hoan nghênh ý tưởng này, ông cho đây là “một bước tiến lớn” và đề nghị nên tổ chức trong Tuần lễ NAIDOC vào tháng Bảy. Trong khi đó, một số người dân bản địa, trong đó có bà Lidia Thorpe, một nghị sĩ Đảng Xanh thì cho rằng việc chọn một ngày kỷ niệm riêng cho các dân tộc thổ dân sẽ “không tạo ra sự thống nhất”. Lãnh đạo Đảng Xanh, ông Richard Di Natale cũng chia sẻ quan điểm: “nước Úc sẽ không bao giờ có một ngày đoàn kết quốc gia nếu cứ tiếp tục ăn mừng Quốc khánh vào ngày 26 tháng 1”. Ông cáo buộc Thủ tướng Morison đang tham gia “vào một cuộc chiến văn hóa” thay vì “nhận ra chúng ta sẽ không thể hàn gắn quốc gia nếu tiếp tục phớt lờ quá khứ”.

Đáp lại, ông Morison cho rằng ngày 26 tháng 1 năm 1788, ngày mà Hạm đội Anh đầu tiên cập Vịnh Sydney, là một “điểm tựa” trong lịch sử. Đó là ngày mà nước Úc đã thay đổi mãi mãi và không thể phủ nhận sự tồn tại của dấu mốc này. Morrison cho biết ông hiểu rằng một số người phản đối việc kỷ niệm Lễ Quốc khánh vào ngày 26 tháng 1 là để thể hiện sự tôn trọng với các dân tộc Thổ dân và dân đảo Torres Strait nhưng việc không tổ chức kỷ niệm là một hành động “ngớ ngẩn”.

Một số người khác thì tỏ ra mệt mỏi về những cuộc tranh cãi khi mà những cải cách có ý nghĩa hơn như Tuyên bố Uluru lại không được tiến hành. Quyền lãnh đạo Đảng Lao động, bà Tanya Plibersek thể hiện sự thất vọng khi một đề xuất quan trọng như vậy lại được Thủ tướng công khai qua phương tiện truyền thông mà chưa tham khảo ý kiến của những người dân và chính khách bản địa.

Ông Morrison đề xuất “ngày bản địa” và thể hiện quan điểm
giữ nguyên ngày Quốc khánh

Nguồn ảnh: Twitter

Tuy nhiên, bà Plibersek cho biết Đảng Lao động ủng hộ việc giữ 26/1 là ngày Quốc khánh, mặc dù hiểu đó là một ngày buồn đối với nhiều người Úc. Bà cũng nhắc lại sự ủng hộ của Đảng Lao động đối với tiếng nói bản địa trong quốc hội và Tuyên bố Uluru.

Liên quan đến Tuyên bố Uluru, ông Morrison đã không bình luận gì kể từ khi trở thành thủ tướng, nhưng người tiền nhiệm của ông, cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull, và bộ trưởng ngoại giao khi đó là Nigel Scullion, đã cho biết đề xuất cốt lõi của bản Tuyên bố này về việc thành lập một cơ quan đại diện bản địa được bảo vệ theo hiến pháp là một đề xuất “không được mong đợi” và sẽ không được ủng hộ.

Vài năm trở lại đây, quan điểm thay đổi ngày Quốc khánh đã nổi lên mạnh mẽ. Năm nay, đã có tới 60.000 người tham gia biểu tình ở Melbourne, cùng với một số cuộc biểu tình tương tự được tổ chức trên khắp đất nước. Một cuộc thăm dò ý kiến ​​của Viện nước Úc vào tháng 1 cho thấy 49% người Úc nói rằng không nên tổ chức Quốc khánh vào một ngày gây khó chịu cho người Úc bản địa và 56% không quan tâm đến việc nó được tổ chức vào ngày nào.

Trong lịch sử nước Úc, ngày 26 tháng 1 năm 1788 là ngày mà Hạm đội Đầu tiên (First Fleet) dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Arthur Phillip (nước Anh) cập Vịnh Sydney, lập nên thuộc địa New South Wales và ông trở thành vị Thống đốc đầu tiên của thuộc địa này. Năm 1946, Chính phủ Liên bang, các bang và vùng lãnh thổ thống nhất của Úc chọn ngày này là ngày Quốc khánh với tên gọi là ”Australia Day” (Ngày của nước Úc).  Nhưng phải đến năm 1994, tất cả các bang và vùng lãnh thổ mới nhất trí thông qua lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Úc vào một ngày thống nhất là ngày 26/1.

Đối với nhiều người thổ dân, mà tổ tiên đã sinh sống tại châu Úc từ 50.000 năm về trước, thì 26 tháng 1 là “Ngày Xâm lược”, đánh dấu điểm khởi đầu của chế độ thực dân Anh trên các vùng lãnh thổ của họ, biến họ thành nạn nhân của một chiến dịch tàn khốc để khống chế thổ dân bản địa.

Phóng viên Thu Hà

Báo Doanh nhân Việt Úc

5/5 - (1 vote)

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm