Tỉnh Bạc Liêu: Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo

Tuesday, 18/02/2025, 14:00 PM

Năm 2024, tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp; đã dần thay thế văn bản giấy, phục vụ công tác hiệu quả, nhanh chóng hơn.

Trong năm 2024, chuyển đổi số trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn Bạc Liêu có nhiều chuyển biến tích cực – (Ảnh: Internet)

Năm 2024 vừa qua, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong nhiều mặt. Chính là thực hiện chuyển đổi số trong quản lý hành chính; cụ thể như từ ngày 1/6/2024, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính mới được triển khai, tiếp nhận 121.355 hồ sơ và giải quyết 116.517 hồ sơ, trong đó có 75.372 hồ sơ trực tuyến. Tỉnh đã kết nối, đồng bộ xác thực trên 98% số người tham gia bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từng bước phát triển hạ tầng số và an toàn thông tin; cũng như thúc đẩy đô thị thông minh và ứng dụng công nghệ; nâng cao nhận thức và kỹ năng số.

Năm 2025, tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào các định hướng chính là phát triển chính quyền số với 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tất cả người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ được định danh và xác thực thông qua ứng dụng VNeID. Đi liền với thúc đẩy kinh tế số, phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh. Hướng đến chuyển đổi số trong giáo dục và y tế với 100% cơ sở giáo dục công lập triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt; tất cả các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh áp dụng Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID. Đặc biệt là phát triển hạ tầng và đô thị thông minh, là tiếp tục triển khai các dự án thuộc Đề án Phát triển đô thị thông minh, đặc biệt trong các lĩnh vực tài nguyên – môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự, y tế và chính quyền số. Đặc biệt là nâng cao năng lực và nhận thức về chuyển đổi số, khi tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chuyên trách về chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Công tác chuyển đổi số ở Bạc Liêu năm 2025 có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đó là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào cải cách hành chính, giảm thủ tục rườm rà, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến. Điều này góp phần thúc đẩy kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt là góp phần cải thiện chất lượng đời sống người dân; hướng đến xây dựng đô thị thông minh.

Những kết quả này cho thấy Bạc Liêu đang trên đà chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng tới xây dựng chính quyền số và phát triển kinh tế số bền vững – (Ảnh: Internet)

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: Để công tác chuyển đổi số đạt hiệu quả thiết thực, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án thuộc Đề án Phát triển đô thị thông minh khẩn trương tập trung đẩy mạnh triển khai, lập và hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định, phê duyệt, trong đó, dự án các lĩnh vực: Tài nguyên – môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự, y tế, chính quyền số phải triển khai đồng thời bảo đảm đồng bộ để liên thông, kết nối dữ liệu với kết quả thực hiện dự án “Xây dựng và triển khai hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu thông minh” do Sở Thông tin và Truyền thông đang thực hiện. Trong tháng 4/2025, các đơn vị phải trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư lên Hội đồng thẩm định tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong xây dựng đề án Chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu để đảm bảo đề án đạt hiệu quả, khả thi, có thể thực hiện ngay. Các sở, ngành và địa phương chủ động đẩy mạnh số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đồng thời kết nối, chia sẻ để đồng bộ hóa hệ thống dữ liệu dùng chung. Việc cung cấp dữ liệu mở không chỉ hỗ trợ cơ quan, tổ chức mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng một cách hiệu quả.

Song song đó, công tác sắp xếp, kiện toàn đội ngũ nhân sự chuyên trách chuyển đổi số được triển khai theo đúng đề án và kế hoạch của UBND tỉnh. Điều này nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, đủ năng lực tham mưu, thực thi các giải pháp chuyển đổi số tại từng đơn vị, địa phương./.

DHBC

Rate this post

Leave your comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tin cùng chuyên mục

Có thể bạn quan tâm