Đến nay, Bến Tre đã có 316 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 159 chủ thể. Đó là thành quả sau 6 năm tỉnh nhà triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Bến Tre cũng là tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP thuộc Top đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 5 sao.
Ông Nguyễn Minh Cảnh (trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đoàn Văn Đảnh (phải) – Giám đốc Sở NN-PTNT tham quan nhà máy chế biến trái cây của Công ty Xuất Nhập Khẩu Trái Cây Chánh Thu (tại xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách), doanh nghiệp vừa có sản phẩm sầu riêng được công nhận OCOP 5 sao – (Ảnh: Internet)
Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre vừa tổ chức trao giấy chứng nhận, giải thưởng cho các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP đạt 4 sao, 5 sao tỉnh Bến Tre đợt 1/2024.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Bến Tre có thêm 68 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có 56 sản phẩm 3 sao, 11 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao của 55 chủ thể. Trong đó thành phần chủ thể tham gia chương trình OCOP chiếm nhiều nhất là cơ sở sản xuất hộ kinh doanh (86 chủ thể), doanh nghiệp (39 chủ thể), hợp tác xã (31 chủ thể), còn lại là tổ hợp tác với 3 chủ thể.
Các sản phẩm được công nhận OCOP đã từng bước khẳng định giá trị, chất lượng sản phẩm Bến Tre trên thị trường và được người tiêu dùng tín nhiệm.
Buổi lễ khai mạc Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 – (Ảnh: Internet)
Có thể nói, để có được thành công từ những giá trị đạt được, những năm qua, tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều công tác, nhiệm vụ quan trọng, từng bước hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP với đề tài “Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre” và “Nghiên cứu xây dựng các giải pháp phát triển sản phẩm tiềm năng để được công nhận sản phẩm OCOP trên đị bàn tỉnh Bến Tre”.
Không chỉ vậy, tỉnh cũng đã tăng cường hỗ trợ và đào tạo đội ngũ cán bộ và các chủ thể sản xuất về quản lý và phát triển sản phẩm OCOP. Tất cả các cán bộ và chủ thể sản xuất tham gia chương trình đều được đào tạo, tập huấn chuyên đề. Đi đôi với từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến sản phẩm OCOP, giúp nâng cao giá trị, chất lượng và mở rộng thị trường.
Đặc biệt là hỗ trợ thương mại hóa, thông qua tăng cường các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua triển lãm và hội thảo. Chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hợp tác xã tiếp cận thị trường. Cũng như hỗ trợ các chủ thể sản xuất: Ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mục tiêu là có ít nhất 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 10% làng nghề truyền thống được công nhận sản phẩm./.
DHBC
Leave your comment